Vĩ mô

Sau sáp nhập, tránh biến tài sản công thành tư, ‘cha chung không ai khóc’

Nguyễn Thảo 07/05/2025 - 06:52

Trong quá trình sáp nhập, hợp nhất cấp tỉnh, cấp xã, cần bảo đảm quản lý đất đai và tài sản công một cách công khai, minh bạch và chuyên nghiệp, đặc biệt lưu ý các khu vực có tiềm năng phát triển lớn, nhằm tránh thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm.

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị tới đây đặt ra một khối lượng lớn công việc phải làm. Một trong số đó là khắc phục tình trạng sau khi sáp nhập, một số địa phương để lãng phí, thất thoát đất đai, tài sản công do “cha chung không ai khóc”.

PGS.TS Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản chia sẻ với VietNamNet về các giải pháp cần thực hiện để phòng chống lãng phí, thất thoát đất đai, tài sản công sau sáp nhập.

Hình thành tỉnh mới, xã mới có sức mạnh lớn hơn nhiều

Theo chủ trương của Trung ương, số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh ở nước ta sau sắp xếp sẽ giảm từ 63 xuống còn 34, không tổ chức cấp huyện và sẽ sáp nhập chỉ còn khoảng 3.320 xã, phường. Đây là cuộc cách mạng chưa có tiền lệ. Cá nhân ông đánh giá thế nào về việc sắp xếp này trong tổng thể cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, để đất nước bước vào kỷ nguyên mới?

Hệ thống chính quyền địa phương ở nước ta đã có nhiều lần sáp nhập, hợp nhất, chia tách, nhưng lần này được coi là một cuộc cách mạng chưa có tiền lệ.

Vì thứ nhất, cùng một lúc triển khai ở cả cấp tỉnh, huyện, xã. Thứ hai, lần đầu tiên trong lịch sử, nước ta bỏ cấp huyện, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp: cấp tỉnh, cấp xã.

Thứ ba, lần đầu tiên cùng một lúc sáp nhập, hợp nhất cả cấp tỉnh, cả cấp xã. Thứ tư, việc sáp nhập, hợp nhất cấp tỉnh, cấp xã, bỏ cấp huyện được thực hiện trong một thời gian rất ngắn, trong bối cảnh đang tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội 14 của Đảng.

Thứ năm, việc sáp nhập, hợp nhất cấp tỉnh, cấp xã được đặt chung trong tổng thể cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Theo chủ trương của Trung ương, sau sáp nhập, hợp nhất, cấp tỉnh đầu mối giảm từ 63 xuống còn 34, biên chế giảm 18.440, cấp xã đầu mối giảm từ 10.035 xuống còn hơn 3.320 đơn vị (tương đương 66,91%), biên chế giảm 110.780...

W-vuvanphuc.jpg
PGS.TS Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản. Ảnh: Trần Thường

Như vậy, sau cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị ở nước ta từ Trung ương đến cấp xã giảm đầu mối, rất tinh gọn; đồng thời sàng lọc, tinh gọn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đây là tiền đề rất quan trọng, là điều kiện vô cùng cần thiết về tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để đất nước ta bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc...

Chủ trương của Trung ương về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh nhấn mạnh nguyên tắc không chỉ là phép cộng cơ học đơn thuần, mà phải tạo ra sự phát triển vượt trội, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã lưu ý là "2 cộng 2 lớn hơn 4". Ông kỳ vọng gì với quan điểm xuyên suốt này?

Chủ trương, nguyên tắc của Trung ương là việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nói chung. Việc sáp nhập, hợp nhất cấp tỉnh, cấp xã không phải là sự sáp nhập, hợp nhất một cách cơ học; không phải là giảm số lượng cấp tỉnh, cấp xã một cách đơn thuần, mà phải hình thành tỉnh mới, xã mới có sức mạnh lớn hơn nhiều so với sức mạnh các tỉnh, các xã cộng lại.

Sau sáp nhập, hợp nhất hình thành tỉnh mới, xã mới, phải tạo ra không gian phát triển mới, điều kiện về các nguồn lực phát triển mới cao hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao hơn...

Điều này hoàn toàn đúng với lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về sự hợp tác: hợp tác sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp lớn hơn sức mạnh của các thành viên cộng lại. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với thực tiễn: mỗi tỉnh hiện nay có thế mạnh, có lợi thế này, nhưng lại thiếu thế mạnh, lợi thế khác.

Sau sáp nhập, hợp nhất thành tỉnh mới, xã mới thì các thế mạnh, các lợi thế so sánh sẽ bổ sung cho nhau, hỗ trợ nhau, làm nền tảng, tiền đề cho nhau cùng phát triển, tạo nên sức mạnh tổng hợp lớn hơn, hợp lực lớn hơn. Vì vậy, 2 cộng 2 sẽ lớn hơn 4 nhiều lần...

Ông suy nghĩ thế nào về quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Trong quá trình sáp nhập tỉnh, cần bảo đảm quản lý đất đai và tài sản công một cách công khai, minh bạch và chuyên nghiệp. Đặc biệt lưu ý các khu vực có tiềm năng phát triển lớn, nhằm tránh thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm”?

Quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư rất đúng đắn, kịp thời nhằm đảm bảo đất đai, tài sản công không bị thất thoát, lãng phí trước, trong và sau khi sáp nhập, hợp nhất cấp tỉnh, xã. Chỉ đạo này nhằm uốn nắn, khắc phục tiêu cực có thể xảy ra là nhiều người lợi dụng việc sáp nhập, hợp nhất để trục lợi, biến đất công, tài sản công thành đất tư, tài sản tư hoặc nhóm lợi ích chia nhau đất đai, tài sản công trước khi sáp nhập, hợp nhất.

Quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư cũng nhằm khắc phục một thực tế là khi sáp nhập, hợp nhất thì một số địa phương để lãng phí, thất thoát đất đai, tài sản công do tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Do tình trạng sắp sáp nhập, hợp nhất nên cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, cũng có tình trạng cán bộ, công chức lo lắng về vị trí công tác sau sáp nhập, hợp nhất nên lơ là, thiếu trách nhiệm trong công việc...

W-A58I6398.jpg
"Sau sáp nhập, cấp tỉnh, cấp xã phải hình thành tỉnh mới, xã mới có sức mạnh lớn hơn nhiều so với sức mạnh các tỉnh, các xã cộng lại", PGS.TS Vũ Văn Phúc nhấn mạnh. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Vì vậy, trong quá trình sáp nhập, hợp nhất, cần bảo đảm quản lý đất đai và tài sản công một cách công khai, minh bạch và chuyên nghiệp; đặc biệt lưu ý các khu vực có tiềm năng phát triển lớn, nhằm tránh thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm.

8 việc cần làm ngay

Yêu cầu đặt ra sau sáp nhập là tổ chức bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực, hiện đại, thấm nhuần phương châm "của dân, do dân, vì dân", đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhân dân trong bối cảnh phát triển mới. Đâu là giải pháp để đáp ứng yêu cầu đặt ra?

Để đạt được mục tiêu, yêu cầu cao như vậy, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Một là, tăng cường tuyên truyền sâu đậm, có căn cứ thuyết phục nhằm tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Hai là, chuẩn bị thật tốt cả về văn kiện và nhân sự để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ cấp xã, cấp tỉnh theo đúng chỉ đạo trong Chỉ thị số 45–CT/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội 14 của Đảng.

Ba là, sàng lọc, lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, cấp xã, nhất là người đứng đầu, thật sự có tâm, có tầm, có phẩm chất chính trị tốt, kiên định lập trường tư tưởng, không dao động trong mọi tình huống. Cán bộ phải có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sáng, không vụ lợi, đặt lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của nhân dân lên trên hết, trước hết, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Cán bộ phải thật sự có trình độ năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao, ngày càng nặng nề của thời kỳ phát triển mới, đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Cán bộ được chọn phải thật sự có uy tín trong Đảng, trong nhân dân; thực sự dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, đột phá, chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và không cục bộ địa phương, phe cánh, lợi ích nhóm...

Bốn là, tỉnh mới, xã mới sau sáp nhập, hợp nhất phải đi vào hoạt động ngay, không để gián đoạn việc phục vụ người dân, doanh nghiệp..., đảm bảo mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước và xã hội diễn ra bình thường, trôi chảy, có chất lượng, hiệu quả hơn, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Năm là, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, các cấp ủy Đảng, của tất cả cán bộ, đảng viên nhằm xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự đạo đức, là văn minh.

Sáu là, nâng cao tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp thật sự hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Bảy là, thực sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dân là chủ, dân là gốc của mọi quyết sách phát triển đất nước, địa phương.

Tám là, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng để giữ chân người tài, người làm việc tốt và người bị ảnh hưởng do sắp xếp, tinh gọn bộ máy...

>> "Không lo thừa, chỉ sợ thiếu trách nhiệm' khi sắp xếp trụ sở công sau sáp nhập tỉnh

Chính phủ đề xuất dành thêm 54.000 tỷ đồng cho tinh gọn bộ máy, miễn học phí

Tổng Bí thư: Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy rất khẩn trương, được nhân dân ủng hộ

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/sau-sap-nhap-tranh-bien-tai-san-cong-thanh-tu-cha-chung-khong-ai-khoc-2397585.html
Bài liên quan
  • Kinh nghiệm tinh gọn bộ máy cải cách hành chính của Nhật Bản
    Nhật Bản đã có nhiều nỗ lực trong việc tinh gọn bộ máy hành chính. Quốc gia này tập trung vào tái cấu trúc các cơ quan và quy trình quản lý để cải thiện hiệu quả và khả năng lãnh đạo.
  • Tinh gọn bộ máy sẽ giúp hạn chế, kéo giảm các hành vi tham nhũng, tiêu cực
    "Chúng ta đang làm một việc quan trọng - tiền đề để nâng lương cho cán bộ, công chức, là việc tinh gọn bộ máy. Bộ máy khi tinh gọn lại thì mức lương trả cho cán bộ, công chức sẽ rất cao", Đại tá, Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an Phan Văn Bé nói, đồng thời cho rằng, khi đó sẽ kéo giảm, hạn chế các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
  • Thực hiện mạnh mẽ cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy từ Trung ương đến cơ sở
    Đây là thời điểm tiến hành mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy từ Trung ương đến cơ sở nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị - Tổng Bí thư nói.
  • Đề xuất mới về số lượng cấp phó tối đa phù hợp với tinh gọn bộ máy
    Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; số lượng cấp phó tối đa của tổ chức, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ.
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Sau sáp nhập, tránh biến tài sản công thành tư, ‘cha chung không ai khóc’
    POWERED BY ONECMS & INTECH