Sau Tết Nguyên đán, cần chú ý gì để lái xe về thành phố an toàn, đỡ tắc đường?

13-02-2024 06:05|Hoàng Hiệp

Ô tô nêm cứng cửa ngõ các thành phố lớn đã trở thành "đặc sản" sau mỗi kỳ nghỉ Tết. Vậy đi thế nào để đường trở lại thành phố không trở thành nỗi ám ảnh của mọi người?

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm nay kéo dài đến hết ngày 14/2 (mùng 5 Tết). Vậy nên ngay từ lúc này, nhiều gia đình đang chuẩn bị “khăn gói” quay trở lại thành phố, trở lại với sinh hoạt thường nhật. 

Trên thực tế, cửa ngõ các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. HCM sau kỳ nghỉ Tết luôn chứng kiến cảnh ùn tắc kinh hoàng nhiều giờ đồng hồ, gây ra sự mệt mỏi, ám ảnh với cả người cầm lái và những người ngồi trên xe.

tro lai thanh pho 1.jpeg
Dòng phương tiện lại chen chúc nhau đổ về các thành phố lớn sau Tết Nguyên đán (Ảnh: Phạm Hải)

Dưới đây là một số lời khuyên giúp hành trình trở về thành phố của bạn được an toàn, thuận lợi và hạn chế rơi vào cảnh tắc đường:

Chọn lộ trình thích hợp, nên xuất phát sớm

Tâm lý thông thường của nhiều gia đình là muốn hưởng trọn vẹn thời gian nghỉ Tết, do đó hầu hết đều bắt đầu xuất phát trở lại thành phố vào buổi chiều của ngày nghỉ cuối cùng (năm nay là ngày mùng 5 Tết). Lượng phương tiện ô tô, xe máy quá lớn cùng đổ về thành phố trong một thời điểm sẽ khiến các cửa ngõ kẹt cứng.

>> Tết cận kề, xe máy Honda nhập khẩu giảm giá cả chục triệu đồng

Thông thường, thời điểm từ 15h-21h ngày nghỉ cuối cùng sẽ là thời gian "nóng bỏng" nhất trên các tuyến cửa ngõ sau mỗi kỳ nghỉ dài. Do vậy, nếu không có việc gì quá cấp thiết, bạn nên thay đổi thời điểm xuất phát để chuyến đi được “dễ thở” hơn.

Có thể căn giờ trở lại thành phố từ buổi sáng hoặc "chắc ăn" hơn là từ ngày hôm trước (mùng 4 Tết). Điều này vừa giúp chúng ta tránh cảnh ùn dài hàng giờ đồng hồ trên đường, lại có nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, dọn dẹp nhà cửa, đi chúc Tết,...

Chọn lộ trình thích hợp cũng là điều rất quan trọng. Thông thường, sẽ có nhiều tuyến đường để vào được thành phố mà bạn có thể đi, không nhất thiết phải là trục đường chính và gần nhất. Khi chuẩn bị đến các điểm rẽ, lái xe có thể tham khảo thông tin trên radio hoặc sử dụng ứng dụng Google map để cập nhật, kiểm tra tình trạng ùn tắc nhằm lựa chọn cung đường hợp lý nhất.

Kiểm tra phương tiện trước khi khởi hành

Khi trở lại với thành phố sau dịp nghỉ Tết, không thể tránh được tình trạng đông xe cùng đổ dồn về các tuyến đường cửa ngõ ngay cả trong giờ thấp điểm. Việc tắc đường quá lâu có thể dẫn tới chiếc xe bị nóng máy, nặng có thể chết máy giữa đường khiến bạn phải mất rất nhiều thời gian để khắc phục. 

Không những vậy, việc chiếc xe của chúng ta không may bị trục trặc còn khiến tình hình ùn tắc giao thông càng trở nên phức tạp hơn. Do vậy, hãy dành một chút thời gian kiểm tra kỹ các chi tiết trên xe trước khi khởi hành.

kiem tra xe.jpeg
Kiểm tra tình trạng kỹ thuật của xe luôn là điều rất quan trọng trước mỗi chuyến đi. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Cũng giống như việc kiểm tra xe trước mỗi chuyến đi xa, bạn cần “soi” qua các chi tiết như: Lốp xe, phanh, ắc quy, nước làm mát động cơ, nước rửa kính, đèn xe,... nhằm đảm bảo chiếc xe của bạn đang có trạng thái hoạt động tốt nhất, giảm thiểu tối đa rủi ro không đáng có trên đường.

Bạn cũng nên đổ đầy bình nhiên liệu trước khi trở lại thành phố, tránh việc dừng chờ lâu trên các tuyến cao tốc, đường vành đai trong tình trạng bình xăng cạn kiệt. Còn nếu bạn đang sử dụng xe điện, cũng đảm bảo chiếc xe được sạc đầy đủ trước mỗi lộ trình dài.

Giữ khoảng cách an toàn, tránh phanh gấp

Nếu là người cầm lái, bạn cũng đừng nôn nóng khi không may là nạn nhân của tắc đường, bởi sự mất kiên nhẫn không làm bạn đi nhanh hơn được. Đặc biệt chú ý đó là giữ khoảng cách an toàn bởi xe phía trước có thể phanh gấp bất cứ lúc nào mà nếu không chú ý, bạn rất dễ đâm vào. Khi đó, lỗi sai hoàn toàn thuộc về bạn.

Khi đi đường tắc, bạn nên hạn chế tối đa việc phanh gấp, sẽ khiến xe phía sau đâm phải, rất mất thời gian để giải quyết và làm cảnh tắc đường thêm trầm trọng.

W-phap-van.jpg
Khi trở lại thành phố, lái xe nên đi đúng làn đường, phần đường của mình và tuân theo sự điều tiết của lực lượng chức năng. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Không lái xe kiểu "điền vào chỗ trống"

Mỗi khi đường đông, một thói xấu mà nhiều lái xe mắc phải là kiểu “điền vào chỗ trống”. Hễ thấy làn bên cạnh có khoảng trống là chuyển làn sang, tạt đầu xe phía sau để “ngoi” lên trên. Nếu chỉ vì nóng vội mà chuyển làn, tạt đầu các xe khác sẽ rất dễ xảy ra va chạm, càng khiến ùn tắc thêm khủng khiếp hơn.

Lời khuyên của những lái xe có kinh nghiệm là hãy bình tĩnh, cố gắng đi đúng là đường và chỉ chuyển làn khi thực sự cần thiết, tránh gây ức chế cho những người tham gia giao thông xung quanh. Đồng thời, tuân thủ tuyệt đối theo sự điều tiết, phân luồng của các lực lượng chức năng.

Và cuối cùng, luôn giữ cho mình tâm lý thoải mái nhất sau tay lái. Sự nóng vội, ức chế hay mất tập trung khi trở lại thành phố sau Tết vừa không giúp bạn đỡ tắc đường hơn, lại có thể làm hại bạn và những người xung quanh.

Hoàng Hiệp (ghi)

Mời bạn đọc chia sẻ bài viết, video, hình ảnh về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

>> Những mẫu ô tô được chờ đón sau Tết tại Việt Nam

Aeon Mall 5.400 tỷ đồng - TTTM lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến khởi công trước Tết Nguyên đán 2025

Một công ty ở Đồng Nai chi khoảng 500 tỷ đồng thưởng Tết cho 36.000 lao động

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/sau-tet-nguyen-dan-can-chu-y-gi-de-lai-xe-ve-thanh-pho-an-toan-do-tac-duong-2249025.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Sau Tết Nguyên đán, cần chú ý gì để lái xe về thành phố an toàn, đỡ tắc đường?
    POWERED BY ONECMS & INTECH