Bất động sản

Chính thức khai giảng lớp đào tạo kỹ sư ngành đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị

Việt Hoàng 22/12/2024 18:00

Chương trình đào tạo này được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của quốc gia, đặc biệt là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Mới đây, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã tổ chức lễ khai giảng lớp đào tạo kỹ sư ngành Kỹ thuật Xây dựng Công trình Giao thông, chuyên ngành Đường sắt tốc độ cao và Đường sắt đô thị.

Chương trình đào tạo này được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của quốc gia, đặc biệt là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Học viên tham gia khóa học là những kỹ sư đã tốt nghiệp đại học các ngành như Kỹ thuật Xây dựng Công trình Giao thông, Xây dựng cầu - đường, Kỹ thuật Xây dựng cầu đường bộ và Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng cầu đường bộ.

Phần lớn trong số họ đã có kinh nghiệm thi công tại các dự án giao thông lớn thuộc Tổng CTCP Vinaconex.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sau khi hoàn thành chương trình, các học viên sẽ được cấp bằng Đại học chính quy ngành Kỹ thuật Xây dựng Công trình Giao thông, chuyên ngành Đường sắt tốc độ cao và Đường sắt đô thị.

Đây là kết quả từ sự hợp tác chặt chẽ giữa Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và các doanh nghiệp giao thông nhằm chuẩn bị đội ngũ nhân lực đáp ứng các dự án trọng điểm quốc gia.

>> Thông tin mới về dự án cao tốc hơn 25.000 tỷ đồng do Tập đoàn Sơn Hải đề xuất đầu tư

PGS.TS. Hoàng Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ rằng, chương trình đào tạo được thiết kế với giáo trình hiện đại, kết hợp giữa lý thuyết chuyên sâu và thực hành thực tế, giúp học viên vừa nắm vững kiến thức chuyên môn vừa trang bị những kỹ năng cần thiết để tham gia ngay vào các dự án thực tế sau khi tốt nghiệp.

Ông Nguyễn Khắc Hải - Phó Tổng Giám đốc Vinaconex cũng nhấn mạnh rằng, con người chính là tài sản và sức mạnh của doanh nghiệp. Nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực cho các dự án trọng điểm, Vinaconex đã thành lập Trung tâm Đào tạo và phối hợp cùng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội triển khai chương trình chuyên sâu về đường sắt cao tốc và đường sắt đô thị.

Đồng thời, Vinaconex còn chủ động tìm hiểu, nghiên cứu các công nghệ đường sắt tiên tiến trong và ngoài nước, cũng như chuẩn bị tài chính và trang thiết bị hiện đại để đón đầu cơ hội từ các dự án hạ tầng giao thông lớn trong tương lai.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, với chiều dài toàn tuyến khoảng 1.541km, sẽ nối ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và ga Thủ Thiêm (TP. HCM).

Tuyến đường đi qua địa phận của 20 tỉnh, thành phố, bao gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, và TP. HCM.

Dự án sử dụng tổng diện tích đất khoảng 10.827ha, trong đó gồm 3.655ha đất trồng lúa, 2.567ha đất lâm nghiệp và 4.605ha đất khác. Dự kiến, khoảng 120.836 người sẽ phải tái định cư.

Tổng mức đầu tư sơ bộ lên tới 1,71 triệu tỷ đồng (tương đương 67,3 tỷ USD), được huy động từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn đầu tư công trung hạn và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Theo kế hoạch, từ năm 2025 sẽ tiến hành lập báo cáo nghiên cứu khả thi, hướng tới mục tiêu cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2035.

>> Hôm nay, tuyến metro hơn 43.000 tỷ đầu tiên tại thành phố giàu bậc nhất Việt Nam chính thức vận hành

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đạt dấu mốc quan trọng

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Công trình thế kỷ, sức bật cho kinh tế Việt Nam

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/chinh-thuc-khai-giang-lop-dao-tao-ky-su-nganh-duong-sat-toc-do-cao-va-duong-sat-do-thi-202241222003550932.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chính thức khai giảng lớp đào tạo kỹ sư ngành đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị
    POWERED BY ONECMS & INTECH