ShopeePay chính thức thu phí duy trì tài khoản không hoạt động từ ngày 16/5
Theo thông báo trên Trung tâm trợ giúp ShopeePay, chính sách áp dụng cho các tài khoản không phát sinh bất kỳ giao dịch chủ động thành công nào trong 24 tháng liên tiếp, tính đến ngày 15 của tháng thu phí.
Bắt đầu từ hôm nay (16/5/2025), ShopeePay – ví điện tử thuộc hệ sinh thái Shopee – sẽ chính thức áp dụng chính sách thu phí duy trì đối với các tài khoản không hoạt động, với mức thu tối đa 5.000 đồng/tháng (đã bao gồm thuế GTGT). Đây là ví điện tử đầu tiên tại Việt Nam triển khai hình thức thu phí này.
Theo thông báo trên Trung tâm trợ giúp ShopeePay, chính sách áp dụng cho các tài khoản không phát sinh bất kỳ giao dịch chủ động thành công nào trong 24 tháng liên tiếp, tính đến ngày 15 của tháng thu phí. Giao dịch chủ động bao gồm: nạp tiền, chuyển/rút tiền, thanh toán đơn Shopee, ShopeeFood, thanh toán hóa đơn, mua hàng qua các đối tác như Apple, Google, BE, Xanh SM, quét mã QR, gửi lì xì… Nếu tài khoản có số dư lớn hơn 0 đồng nhưng không có hoạt động trong khoảng thời gian trên, hệ thống sẽ tự động trừ phí trực tiếp từ ví, không ảnh hưởng đến tài khoản ngân hàng liên kết.
Ví dụ, vào tháng 5/2025, ShopeePay sẽ thu phí từ các tài khoản không có bất kỳ giao dịch chủ động nào kể từ 16/5/2023 đến 15/5/2025. Thời điểm thu phí hàng tháng sẽ thực hiện trước ngày 26.
Đáng chú ý, nếu tài khoản vẫn không có giao dịch chủ động sau 6 tháng kể từ thời điểm bắt đầu thu phí, ShopeePay sẽ tiến hành đóng tài khoản và chấm dứt cung cấp dịch vụ cho người dùng đó.
![]() |
ShopeePay chính thức thu phí duy trì tài khoản không hoạt động từ ngày 16/5. Ảnh minh hoạ |
>> Ngành học ‘vàng’ thời 4.0: Thu nhập 150 triệu/tháng, Việt Nam khát 50.000 nhân sự
ShopeePay cho biết động thái này nhằm "tối ưu vận hành và đảm bảo chất lượng dịch vụ", đồng thời khẳng định chính sách sẽ được duy trì cho đến khi có thông báo thay thế.
Trong bối cảnh thanh toán không tiền mặt tăng trưởng mạnh, đặc biệt tại các đô thị và nền tảng số, thị trường ví điện tử tại Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt. Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2024, cả nước có 50 tổ chức trung gian thanh toán được cấp phép, trong đó 48 đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử.
Tổng số ví đã kích hoạt lên tới 58 triệu, nhưng chỉ hơn 34 triệu ví đang hoạt động thực sự – tương đương khoảng 59%. MoMo hiện đang dẫn đầu thị trường với hơn 30 triệu người dùng, theo sau là ZaloPay và ShopeePay.
Giữa làn sóng khuyến mãi, chiêu hút người dùng và mở rộng hệ sinh thái, việc ShopeePay triển khai thu phí duy trì tài khoản không hoạt động được đánh giá là bước đi kiểm soát chi phí và sàng lọc người dùng "thụ động" – vốn chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng số tài khoản đã kích hoạt.
Việc này cũng đặt ra câu hỏi về chiến lược dài hạn của ShopeePay trong cuộc đua ví điện tử, đặc biệt trong bối cảnh người dùng ngày càng kỳ vọng nhiều hơn về sự tiện lợi, ưu đãi và minh bạch trong chính sách sử dụng.
Chỉ với một video viral, TikTok Shop khiến Shopee ‘lép vế’ trong cuộc chiến mỹ phẩm
4 tài khoản bán mỹ phẩm giả trên Shopee, thu lợi bất chính hơn 6 tỷ đồng