Siêu cường châu Á thống trị chuỗi cung ứng kim loại quan trọng bậc nhất thế giới, hoàn toàn không thể thay thế
Công ty nghiên cứu thị trường này cho rằng việc các nền kinh tế phương Tây chuyển hướng khỏi chuỗi cung ứng đồng của Trung Quốc có thể làm tăng chi phí và trì hoãn quá trình chuyển đổi năng lượng.
Việc các nước phương Tây tìm cách đa dạng hóa khỏi sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực đồng có thể dẫn đến sự chậm trễ trong quá trình chuyển đổi năng lượng và làm tăng chi phí, theo công ty nghiên cứu thị trường Wood Mackenzie.
Họ đánh giá rằng việc thay thế Trung Quốc hoàn toàn là "không khả thi".
Quốc gia này đã dẫn đầu thế giới trong các phân khúc chính của chuỗi cung ứng đồng. Kim loại này đóng vai trò là thành phần quan trọng trong những lĩnh vực công nghệ mới nổi như năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng và xe điện.
Trong khi Mỹ, Canada, Australia và các nước châu Âu tìm cách thay thế vị thế của Trung Quốc đối với đồng thông qua trợ cấp và đầu tư, Wood Mackenzie cảnh báo rằng mục tiêu kép về phi carbon hóa và giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh đang mâu thuẫn với nhau.
"Chúng ta sẽ cần hàng trăm tỷ USD cho năng lực chế biến và chế tạo đồng mới để thay thế Trung Quốc", công ty phân tích dữ liệu tài nguyên thiên nhiên cho biết trong một báo cáo được công bố vào ngày 15/8. Đồng thời, họ nói thêm rằng nhu cầu về kim loại này có thể tăng 75% lên 56 triệu tấn vào năm 2050.
"Điều này sẽ tạo ra tình trạng kém hiệu quả, dẫn đến giá thành sản phẩm cao hơn đáng kể và làm tăng chi phí cũng như thời gian của quá trình chuyển đổi năng lượng", công ty nhận xét.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các mỏ và dự án hiện có đang được xây dựng sẽ chỉ đáp ứng 80% nhu cầu đồng vào năm 2030, cho thấy khả năng thiếu hụt kim loại này.
Wood Mackenzie tiết lộ, hầu hết hoạt động khai thác nguyên liệu thô ban đầu của thế giới chủ yếu diễn ra ở châu Mỹ và châu Phi, trong khi sản lượng khai thác trong nước của Trung Quốc chỉ chiếm 8% sản lượng toàn cầu.
Mặc dù tỷ lệ đó tăng gần 20% sau khi tính đến tài sản khai thác ở nước ngoài của Trung Quốc, nhưng quốc gia này vẫn cần đảm bảo nguồn cung bổ sung để đáp ứng nhu cầu của mình. Báo cáo cho biết phần còn lại của thế giới có đủ nguồn cung cấp từ các mỏ chính để đáp ứng nhu cầu hiện tại.
Không chỉ dừng lại ở việc khai thác, đồng cần phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp như luyện kim, tinh chế, chế tạo và sản xuất thành các sản phẩm cuối cùng.
Trong đó, Trung Quốc hiện đang nắm giữ vị trí độc tôn trong các giai đoạn chế biến và sản xuất hạ nguồn.
Nick Pickens, Giám đốc nghiên cứu khai thác toàn cầu tại Wood Mackenzie, bình luận: "Khi các Chính phủ và nhà sản xuất hướng tới đa dạng hóa khỏi Trung Quốc, điều quan trọng là phải xem xét toàn bộ chuỗi cung ứng, không chỉ các hoạt động khai thác. Mặc dù rủi ro về nguồn cung đồng có thể được giảm thiểu và một số hoạt động tái cân bằng đã bắt đầu ở nhiều quốc gia, nhưng quy mô thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng có nghĩa là việc thay thế hoàn toàn không khả thi".
Báo cáo nêu rõ rằng 80% hoạt động khai thác đồng sản xuất ra tinh quặng đồng, phải được xử lý tại các nhà máy luyện và tinh chế để sản xuất ra đồng cathode (dạng đồng có độ tinh khiết 99.95%). Sau đó, các nhà sản xuất sử dụng loại đồng để chế tạo các thành phẩm cuối cùng.
Dữ liệu của Wood Mackenzie chỉ ra, kể từ năm 2000, Trung Quốc đã chiếm 75% mức tăng trưởng công suất luyện kim của thế giới.
CEO Pickens nhận định: “Một kịch bản không có Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng đồng sẽ đòi hỏi phải gia tăng đáng kể năng lực chế biến để đáp ứng các mục tiêu chuyển đổi năng lượng”. Ông cho rằng việc nới lỏng các hạn chế thương mại toàn cầu có thể là cần thiết.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng chiếm khoảng 80% công suất chế tạo đồng và hợp kim đồng bổ sung trên toàn cầu kể từ năm 2019. Hiện tại nước này chiếm một nửa công suất chế tạo của thế giới.
Theo CNBC
>> Các khoản vay mới tháng 7 bất ngờ chạm đáy gần 15 năm, siêu cường số 1 châu Á đã 'lung lay'?