'Siêu cường' lung lay: Trung Quốc và Nga góp phần 'quật ngã' nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu

25-03-2024 14:28|Quỳnh Vân

Đây là thực tế đau đớn mà quốc gia này phải đối mặt khi ngành công nghiệp gặp khó khăn chồng chất và không thể cạnh tranh kịp với cường quốc khác.

Đóng cửa hàng loạt

Bên trong một nhà máy ở Düsseldorf (Đức) vào mùa thu năm ngoái, 1.600 công nhân đã tham gia buổi lễ kỷ niệm những hoạt động sản xuất cuối cùng của một nhà máy có tuổi đời hàng thế kỷ.

Tại đây, nhiều người trong số họ - giờ sẽ mất việc - thẫn thờ đứng nhìn sản phẩm cuối cùng của nhà máy, một chiếc ống thép được mài nhẵn thành hình trụ hoàn hảo trên máy cán.

Buổi lễ kết thúc 124 năm hoạt động của nhà máy ra đời ngay giữa thời kỳ hoàng kim của quá trình công nghiệp hóa nước Đức. Dù vượt qua 2 cuộc chiến tranh thế giới nhưng nhà máy này cuối cùng đã không thể tồn tại sau cuộc khủng hoảng năng lượng.

Trên thực tế, đã có rất nhiều buổi lễ như vậy diễn ra trong năm qua, nhấn mạnh thực tế đau đớn mà Đức đang phải đối mặt. Những ngày tháng là một siêu cường công nghiệp của họ có thể sắp kết thúc.

Sản lượng sản xuất tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu có xu hướng giảm kể từ năm 2017 và sự lao dốc này ngày càng gia tăng khi Đức dần đánh mất khả năng cạnh tranh vốn có.

'Siêu cường' lung lay: Trung Quốc và Nga góp phần 'quật ngã' nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu
Việc đóng cửa vĩnh viễn nhà máy đường ống với tuổi đời hơn một thế kỷ là một trong nhiều dấu hiệu cho thấy nền công nghiệp Đức đang đi xuống. Ảnh: Bloomberg

Giám đốc điều hành Stefan Klebert của GEA Group AG - nhà cung cấp máy móc sản xuất từ cuối những năm 1800, cho biết: “Thành thật mà nói thì không có nhiều hy vọng. Tôi thực sự không chắc liệu chúng tôi có thể ngăn chặn xu hướng này hay không. Mọi thứ sẽ phải thay đổi rất nhanh”.

Mất đi một loạt thế mạnh

Nền tảng của bộ máy công nghiệp Đức đang sụp đổ nhanh chóng. Trong khi đó, Trung Quốc dần trở thành một đối thủ “đáng gờm” và không còn là người mua hàng Đức nhiệt tình như trước. Đòn cuối cùng giáng vào một số nhà sản xuất hạng nặng là việc dòng chảy khí đốt tự nhiên giá rẻ nhập khẩu từ Nga đột ngột bị cắt đứt do xung đột Ukraine.

Bên cạnh sự biến động toàn cầu, hệ thống giáo dục - từng là thế mạnh của nước này, lại là minh chứng sắc nét cho tình trạng thiếu đầu tư lâu dài vào các dịch vụ công. Viện nghiên cứu Ifo ước tính rằng việc suy giảm kỹ năng toán học sẽ khiến nền kinh tế Đức thiệt hại khoảng 14 nghìn tỷ euro (15 nghìn tỷ USD) sản lượng vào cuối thế kỷ này.

'Siêu cường' lung lay: Trung Quốc và Nga góp phần 'quật ngã' nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu
Sản lượng của Đức có xu hướng giảm kể từ mức đỉnh năm 2017. Nguồn: Bloomberg

Trong một số trường hợp, quá trình giảm tốc công nghiệp đang diễn ra theo từng bước nhỏ như thu hẹp quy mô mở rộng và các kế hoạch đầu tư. Những vấn đề khác được thể hiện rõ hơn như chuyển đổi dây chuyền sản xuất và cắt giảm nhân sự.

Ở những trường hợp cực đoan - như nhà máy đường ống của Vallourec SACA, từng là một phần của gã khổng lồ công nghiệp Mannesmann đã sụp đổ - dẫn đến hậu quả phải đóng cửa vĩnh viễn.

Ông Wolfgang Freitag, người làm việc tại nhà máy từ khi còn là thiếu niên, chia sẻ: “Đây là cú sốc rất lớn”. Công việc của người đàn ông 59 tuổi bây giờ là tháo rời thiết bị để bán và giúp các đồng nghiệp cũ tìm công việc mới.

Dù vậy, Đức vẫn có một danh sách đáng ghen tị gồm các nhà sản xuất nhỏ, nhanh nhẹn. Thêm vào đó, ngân hàng Bundesbank cùng các tổ chức khác đều bác bỏ quan điểm cho rằng quá trình phi công nghiệp hóa toàn diện đang đến rất gần.

Nhưng với những cải cách bị đình trệ, không rõ điều gì có đủ sức mạnh để khiến sự suy giảm chậm lại.

'Siêu cường' lung lay: Trung Quốc và Nga góp phần 'quật ngã' nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu
Nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô Continental AG đang có kế hoạch đóng cửa một nhà máy sản xuất linh kiện do nhu cầu giảm. Ảnh: Bloomberg

Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner hồi đầu tháng này cho hay: “Chúng tôi không còn cạnh tranh nữa. Chúng tôi ngày càng nghèo hơn vì không có tăng trưởng và đang tụt lại phía sau”.

Theo Bloomberg, sự thất vọng đang lan rộng. Bà Maria Röttger, người đứng đầu khu vực Bắc Âu của công ty sản xuất lốp xe Michelin, khả năng cạnh tranh công nghiệp suy giảm có nguy cơ đẩy nước Đức vào vòng xoáy đi xuống.

Nhà sản xuất lốp xe của Pháp sẽ đóng cửa 2 nhà máy ở Đức và thu hẹp 1/3 quy mô vào cuối năm 2025, động thái được cho là ảnh hưởng đến hơn 1.500 công nhân.

Bà nói: “Bất chấp những vấn đề về quyền lợi nhân viên, chúng tôi đã đến điểm không thể xuất khẩu lốp xe tải từ Đức với giá cạnh tranh. Nếu xuất khẩu của Đức không có tính cạnh tranh trong bối cảnh quốc tế, nước này sẽ mất đi một trong những thế mạnh lớn nhất của mình”.

Bloomberg đưa tin, tập đoàn GEA đang đóng cửa một nhà máy bơm gần Mainz để chuyển sang địa điểm mới ở Ba Lan. Nhà sản xuất phụ tùng ô tô Continental AG đã công bố kế hoạch từ bỏ một nhà máy sản xuất các bộ phận cho hệ thống phanh và an toàn vào tháng 7/2023. Ngoài ra, đối thủ là Robert Bosch GmbH cũng trong quá trình cắt giảm hàng nghìn công nhân.

Cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa hè năm 2022 là chất xúc tác chính. Mặc dù họ tránh được những tình huống xấu nhất như đóng băng nhà ở và phân bổ khẩu phần, nhưng giá cả vẫn cao hơn ở các nền kinh tế khác. Điều này làm chi phí tăng thêm do lương cao hơn và sự phức tạp về quy định.

'Siêu cường' lung lay: Trung Quốc và Nga góp phần 'quật ngã' nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu
Các doanh nghiệp Đức phải trả hóa đơn tiền điện cao hơn ở khu vực EU. Nguồn: Bloomberg

Cú sốc từ Trung Quốc và Nga

Một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là hóa chất - hậu quả trực tiếp của việc Đức mất nguồn khí đốt giá rẻ từ Nga. Theo một cuộc khảo sát gần đây của hiệp hội ngành VCI, khi quá trình chuyển đổi sang hydro sạch vẫn chưa chắc chắn, gần 1/10 công ty đang có kế hoạch tạm dừng vĩnh viễn các quy trình sản xuất.

BASF SE, nhà sản xuất hóa chất lớn nhất châu Âu, dự định cắt giảm 2.600 việc làm trong khi Lanxess AG cắt giảm 7% nhân viên.

Việc siết chặt năng lượng diễn ra nhanh chóng sau sự gián đoạn do đại dịch dẫn đến các dây chuyền lắp ráp bị đình trệ khi các nhà sản xuất ô tô Đức phải chờ đợi nhiều tháng để có chip và các linh kiện khác. Tình hình cho thấy nguy cơ rủi ro khi Đức phụ thuộc vào mạng lưới các nhà cung cấp ở khắp nơi, đặc biệt là tại châu Á.

Trung Quốc hiện cũng gây rắc rối cho Đức bằng nhiều cách. Bên cạnh việc chuyển đổi chiến lược sang sản xuất tiên tiến, đà giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới khiến nhu cầu đối với hàng hóa Đức suy giảm.

'Siêu cường' lung lay: Trung Quốc và Nga góp phần 'quật ngã' nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu
Nhà máy BASF ở Ludwigshafen, công ty hóa chất có kế hoạch sa thải 2.600 việc làm ở Đức do mất khí đốt giá rẻ từ Nga. Ảnh: Bloomberg

Đồng thời, các mặt hàng giá rẻ từ Trung Quốc còn gây lo ngại cho các ngành công nghiệp then chốt đối với quá trình chuyển đổi khí hậu ở Đức chứ không chỉ riêng xe điện.

Các nhà sản xuất tấm pin mặt trời đều ngừng hoạt động và buộc phải cắt giảm nhân sự khi họ vật lộn để cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc được Nhà nước hỗ trợ. Những cơn gió ngược của Đức đòi hỏi phải có sự thích ứng. Đối với EBM-Papst, nhà sản xuất quạt và máy thở, cuộc khủng hoảng công nghiệp đồng nghĩa với việc thu mua một nhà cung cấp đang gặp khó khăn.

Và để giữ tiến độ kịp thời, công ty chuyển hoạt động sản xuất sang linh kiện cho máy bơm nhiệt và trung tâm dữ liệu, đồng thời tránh xa lĩnh vực ô tô. Họ cũng có kế hoạch chuyển một số nhiệm vụ hành chính sang Đông Âu hoặc Ấn Độ.

Không chỉ dừng lại ở năng lượng, vấn đề còn nằm ở nguồn nhân lực Đức - hiện đang rất căng thẳng. Giám đốc điều hành Klaus Geißdörfer dự đoán, trong vòng một thập kỷ, dân số Đức trong độ tuổi lao động sẽ quá nhỏ để duy trì nền kinh tế hoạt động như hiện nay.

>> Siêu cường châu Á xây 'đại dự án' năng lượng sạch lớn nhất hành tinh: Diện tích gấp 5 lần Thủ đô Paris, cung cấp điện cho 16 triệu ngôi nhà

Siêu cường thế giới chuẩn bị xây tuyến đường sắt trên Mặt Trăng, tham vọng đưa con người lên vũ trụ như 'đi chợ'

Anh lao đao, Đức - Nhật tụt lùi: Tượng đài suy yếu, kinh tế thế giới sẽ ra sao?

Đức vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/sieu-cuong-lung-lay-trung-quoc-va-nga-gop-phan-quat-nga-nen-kinh-te-hung-manh-nhat-chau-au-227666.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
'Siêu cường' lung lay: Trung Quốc và Nga góp phần 'quật ngã' nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu
POWERED BY ONECMS & INTECH