Cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn còn nhiều điều khó lường và được dự đoán sẽ chưa thể kết thúc trong năm 2023.
Năm 2022, chiến dịch quân sự giữa Nga và nước láng giềng Ukraine đã tạo ra áp lực mới đối với nguồn cung dầu khí toàn cầu vốn đã căng thẳng sau đại dịch. Các công ty năng lượng hàng đầu thế giới đã vội vàng rút khỏi Nga dù phải thiệt hại hàng chục tỉ USD trong quá trình này.
Giá khí đốt tự nhiên đạt mức cao nhất trong nhiều năm và giá dầu gần đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử. Điều đó đã đẩy nhanh một vòng xoáy lạm phát và khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nhiều quốc gia.
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ngày 29/1 đã bày tỏ lo ngại về tình trạng thiếu nguồn lực của chính phủ để giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội mà quốc gia này đối mặt, đặc biệt là cuộc khủng hoảng năng lượng đang gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động phát triển và đầu tư.
Các quốc gia phương Tây đã chật vật để duy trì nguồn cung điện và năng lượng. Các chính phủ đã đẩy nhanh việc triển khai năng lượng mặt trời và gió, nhưng cũng gấp rút đảm bảo mua được thêm khí tự nhiên hóa lỏng và than. Đến thời điểm hiện tại, khi mùa Xuân tới có thể nói rằng châu Âu đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng năng lượng.
Các nhà phân tích và người trong ngành năng lượng cảnh báo rằng mọi người cần sẵn sàng chuẩn bị vì vẫn còn nhiều khó khăn trong năm 2023 và có thể cả trong nhiều năm tới.
Theo ông Fatih Birol - Giám đốc cơ quan năng lượng quốc tế, thị trường năng lượng có thể thắt chặt hơn vào năm 2023, đồng thời hy vọng giá sẽ không tăng thêm nữa để giảm bớt áp lực đối với các nước đang phát triển nhập khẩu năng lượng.
Ông Fatih Birol - Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết: "Tôi sẽ không quá lạc quan về thị trường năng lượng và năm 2023 có thể là một năm mà chúng ta thấy thị trường năng lượng sẽ thắt chặt hơn".
Hiện giá hợp đồng tương lai dầu thô Brent đang giao động ở quanh mức 80 USD/thùng. Theo 2 đại diện của nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC là Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất và Công ty Dầu Saudi Arabia giá dầu đang ở mức cân bằng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, kịch bản năng lượng 2023 vẫn bị chi phối bởi 2 điều không chắc chắn đó là nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc và nguồn cung dầu mỏ của Nga.
Thị trường dầu thô thắt chặt đã làm hồi sinh các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân với Iran - nhà sản xuất dầu thô lớn với khả năng xuất khẩu dự phòng. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán được dự đoán sẽ khó có triển vọng trong năm 2023 khi Iran và phương Tây vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề ngoại giao.
Năm 2023 dự báo là một năm triển vọng hơn cho phân ngành năng lượng tái tạo so với nhiên liệu hóa thạch. Ước tính tiêu thụ năng lượng mặt trời và năng lượng gió sẽ tăng 11% trong năm 2023.
Tuy nhiên, thách thức mà phân ngành năng lượng này hiện nay phải đối mặt là làm thế nào để thiết kế lại toàn bộ hệ thống trong khi vẫn duy trì nguồn cung cấp ổn định, giá cả phải chăng và bền vững cho hành tinh.