Siêu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 67 tỷ USD đặt ra nhiều yêu cầu cấp bách đối với các địa phương sau sáp nhập
Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, siêu đường sắt tốc độ cao sẽ đi qua 15 tỉnh/thành phố trên cả nước, đặt ra yêu cầu các địa phương cần có sự điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.
Sau sáp nhập, hệ thống quy hoạch phát triển không gian cũng thay đổi
Theo như quyết định phê duyệt, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.
Báo Lao Động cho biết, trong số các tỉnh thành của Việt Nam (trước khi sáp nhập), tỉnh Bình Định (nay là tỉnh Gia Lai) dự kiến sẽ bố trí 2 nhà ga tại Bồng Sơn và Diêu Trì.

Đây được xem là một trong những lợi thế hiếm có của địa phương, giúp mở ra cơ hội thúc đẩy phát triển mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, logistics, đô thị cũng như du lịch khi dự án đi vào hoạt động.
Mặc dù vậy, sau khi tiến hành rà soát, tỉnh này phát hiện vị trí quy hoạch ga Diêu Trì có nguy cơ chồng lấn với tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam hiện hữu đi qua địa bàn xã Phước An.
Trong khi đó, đoạn tuyến từ xã Hoài Sơn đến phường Hoài Hỏa cũng xác định sẽ tác động đến các khu dân cư hiện hữu, khu tái định cư đã đưa vào sử dụng cũng như một số di tích lịch sử như Ngã Ba Đình...
Ngoài ra, việc triển khai dự án sau khi tỉnh Bình Định và Gia Lai sáp nhập đã đặt ra không ít thách thức, trong đó liên quan đến yếu tố quy hoạch.

Khi địa giới hành chính thay đổi, toàn bộ hệ thống quy hoạch phát triển không gian vùng, đô thị, công nghiệp và giao thông của khu vực này buộc phải điều chỉnh và làm mới, tránh lỗi thời. Nếu quy hoạch không được điều chỉnh, dự án có thể ảnh hướng đến tiến độ, quy mô cũng như chi phí thực hiện.
Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng cũng được xem là một trong những thách thức lớn của dự án.
Trước thời điểm sáp nhập, tỉnh Bình Định cũ đã nhìn ra được những bất cập này và kịp thời kiến nghị Bộ Xây dựng tiến hành tháo gỡ tình trạng chồng lấn giữa vị trí nhà ga và đường bộ cao tốc Bắc - Nam; đồng thời đánh giá cụ thể mức độ ảnh hưởng của dự án đến các di tích lịch sử. Địa phương trước khi sáp nhập với tỉnh Gia Lai cũng đã kiến nghị Chính phủ cho áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù như đã áp dụng với Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông nhằm đảm bảo tiến độ triển khai dự án.
Khẩn trương cắm mốc chỉ giới cho siêu dự án 67 tỷ USD
Trong diễn biến mới nhất liên quan đến siêu dự án này, báo Chính Phủ cho biết mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời kiến nghị cử tri TP. Hà Nội về công tác giải phóng mặt bằng nhằm phục vụ cho Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Trước đó, các cử tri TP. Hà Nội đã kiến nghị các Bộ, ngành chức năng liên quan lập hồ sơ cắm mốc chỉ giới tuyến đường sắt và sớm thực hiện dự án, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, đầu tư xây dựng theo quy hoạch.

Trước kiến nghị này, Bộ Xây dựng cho biết, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được lập trên cơ sở các quy hoạch của tỉnh/TP có dự án đi qua; cùng quy hoạch mạng lưới đường sắt sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch khác có liên quan.
Dự án này đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 172/2024.
Trên tinh thần của Nghị quyết số 172, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 106/NQ-CP ngày 23/4/2025, trong đó giao kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể đến từng Bộ, ngành, địa phương nhằm đáp ứng tiến độ khởi công dự án này vào cuối năm 2026.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt do Thủ tướng làm Trưởng ban để đôn đốc, chỉ đạo triển khai Dự án.
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng của dự án, TP. Hà Nội và các địa phương có dự án đi qua sẽ thực hiện, đảm bảo hoàn thành vào tháng 12/2026 để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công xây dựng.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã yêu cầu các địa phương có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua cần khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy/Thành ủy trực tiếp chỉ đạo, hoàn thành trước ngày 5/7/2025.
Theo đó, các địa phương cần tập trung chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng của dự án nhằm đảm bảo đúng tiến độ, không ủy thác toàn bộ trách nhiệm cho xã/phường.

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được xem là công trình giao thông trọng điểm của quốc gia, tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 67 tỷ USD. Do đó, việc triển khai dự án đóng vai trò ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như kết nối liên vùng.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho biết, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có chiều dài 1.541km, đoạn từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP. HCM), đi qua 15 tỉnh/thành sau khi sáp nhập.
Tuyến có 23 ga, trong đó có 5 ga hàng hóa, nhu cầu sử dụng đất khoảng 10.800ha với 120.000 hộ dân phải tái định cư. Bộ Xây dựng hiện đã bàn giao hồ sơ thiết kế sơ bộ cũng như ranh giới giải phóng mặt bằng cho các địa phương.
Hiện chỉ có Ninh Bình thành lập Ban Chỉ đạo; Vĩnh Phúc (trước khi sáp nhập), Phú Yên (trước khi sáp nhập), Hà Tĩnh, Thanh Hóa và Ninh Bình hoàn thành rà soát nhu cầu tái định cư; duy nhất TP. Huế lập kế hoạch triển khai.
Nghị quyết số 55-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã xác định thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Tuyến đường sắt tốc độ cao này không chỉ là công trình giao thông mới mà được kỳ vọng là đòn bẩy cho sự phát triển đột phá về kinh tế - xã hội.
Dự án này hứa hẹn sẽ mở ra không gian phát triển mới, góp phần hình thành hệ sinh thái công nghiệp phức hợp: Từ cơ khí chế tạo, vật liệu mới, công nghệ tự động hóa cho đến việc xây dựng, logistics cũng như phát triển các đô thị vệ tinh.
Dự kiến sau khi hoàn thành vào năm 2045, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ không chỉ là biểu tượng của giao thông hiện đại mà còn khẳng định vị thế cũng như tầm vóc của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới, là bàn đạp đưa nước ta có bước tiến dài để vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên vươn mình, sánh vai với nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.