Siêu dự án đường sắt tốc độ cao: Trung Quốc mất 3 năm mới có lãi, VinSpeed chấp nhận lỗ lớn để làm nên lịch sử?
VinSpeed đã đề xuất triển khai tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam với cam kết rút ngắn tiến độ, chấp nhận rủi ro thua lỗ để làm nên kỳ tích chưa từng có tại Việt Nam.
Thời gian qua, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã thu hút sự quan tâm lớn của người dân Việt Nam, với kỳ vọng trở thành tuyến giao thông huyết mạch kết nối Hà Nội - TP. HCM chỉ trong vài giờ thay vì mất đến 30 tiếng như trước đây. Dự án không chỉ mang ý nghĩa về mặt hạ tầng mà còn là biểu tượng cho bước chuyển mình mạnh mẽ của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Hưởng ứng tinh thần đó, một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam - CTCP Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed (doanh nghiệp thuộc sở hữu của gia đình tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Tập đoàn Vingroup) đã đề xuất xây dựng toàn tuyến đường sắt tốc độ cao dài 1.541km trong vòng 5 năm, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1,56 triệu tỷ đồng (tương đương hơn 61 tỷ USD), chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Đặc biệt, doanh nghiệp này cam kết sẽ tự thu xếp 20% tổng vốn đầu tư (hơn 300.000 tỷ đồng), còn phần vốn còn lại sẽ kiến nghị Nhà nước hỗ trợ theo hình thức cho vay không lãi suất trong 35 năm. Đây là một đề xuất chưa từng có tiền lệ, thể hiện quyết tâm tham gia sâu rộng vào công cuộc kiến thiết quốc gia của khu vực tư nhân Việt Nam.
Bài học từ Trung Quốc: Không chỉ là bài toán lãi - lỗ
Nhiều ý kiến lo ngại về tính khả thi của dự án, đặc biệt khi nhìn vào hiệu quả tài chính của các tuyến đường sắt tốc độ cao (HSR) trên thế giới. Theo nhận định của lãnh đạo VinSpeed, có tới 98% dự án toàn cầu đang thua lỗ, chỉ khoảng 2% có lãi. Dù vậy, thực tế đã cho thấy, đầu tư hạ tầng không chỉ là câu chuyện lỗ - lãi trong ngắn hạn, mà là bài toán dài hạn về nâng cao năng lực vận tải, phát triển kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường cũng như tiết kiệm thời gian xã hội.
Tại Trung Quốc, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Kinh - Thượng Hải dài 1.318km, vận tốc thiết kế 350 km/h, được xem là bước đột phá lớn trong giao thông vận tải của quốc gia này khi rút ngắn thời gian di chuyển, giảm áp lực giao thông và mở đường cho mạng lưới đường sắt cao tốc rộng khắp trên cả nước.
Dự án được khởi công tháng 4/2008 và và vận hành vào tháng 6/2011. Chỉ mất 38 tháng để hoàn thành, tuyến này bắt đầu vận hành từ năm 2011 và có lãi chỉ sau 3 năm. Theo thống kê của Market Screener, đến năm 2016, doanh thu của công ty vận hành dự án đạt 26,6 tỷ nhân dân tệ (tương đương 3,6 tỷ USD), mang về lợi nhuận ròng khoảng 7,9 tỷ nhân dân tệ (1,13 tỷ USD).
Đến năm 2019, công ty ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng với doanh thu vọt lên 32,94 tỷ nhân dân tệ (4,78 tỷ USD) và lợi nhuận ròng đạt 11,94 tỷ nhân dân tệ (1,73 tỷ USD). Dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, doanh nghiệp đã nhanh chóng phục hồi trong những năm sau đó. Đặc biệt, năm 2024, công ty mang về doanh thu 42,16 tỷ nhân dân tệ (5,94 tỷ USD) và lợi nhuận ròng 12,77 tỷ nhân dân tệ (1,80 tỷ USD), vượt mức trước đại dịch.
![]() |
Nguồn: Market Screener |
Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng), kinh nghiệm quốc tế cho thấy khi quyết định đầu tư đường sắt cao tốc, các nước thường đánh giá hiệu quả tổng thể mà dự án mang lại cho nền kinh tế, thay vì chỉ xét riêng lẻ tính hiệu quả tài chính khó đạt mức dương.
Nhìn từ bài học của tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải, GRDP của các địa phương dọc tuyến đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm, bình quân đạt mức tăng trưởng 11% mỗi năm. Đây cũng là phương thức vận tải xanh, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Ngoài ra, việc đầu tư vào đường sắt cao tốc còn tạo ra cú hích mạnh cho nền kinh tế, thúc đẩy du lịch, đô thị hóa và hội nhập toàn cầu, đồng thời phát triển các ngành công nghiệp liên quan như xây dựng và vật liệu xây dựng.
![]() |
VinSpeed đề xuất xây dựng toàn tuyến đường sắt tốc độ cao dài 1.541km trong vòng 5 năm |
VinSpeed có tạo nên kỳ tích chưa từng có tại Việt Nam?
Trở lại Việt Nam, đại diện VinSpeed thừa nhận tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án “rất khó khăn và đầy thách thức”, song cũng nhấn mạnh: “Đây là thời điểm lịch sử để khối doanh nghiệp tư nhân phát huy vai trò, hưởng ứng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân và đổi mới sáng tạo”.
Theo đó, VinSpeed cam kết tự chịu lãi suất phần vốn tự có và không tạo áp lực tài chính cho ngân sách Nhà nước. Mục tiêu của dự án được xác định là "cống hiến" chứ không đặt nặng lợi nhuận, với khát vọng xây dựng ngành công nghiệp đường sắt cao tốc cho Việt Nam, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao đời sống nhân dân.
Chia sẻ với Báo Thanh Niên, TS. Lê Xuân Nghĩa bày tỏ sự tin tưởng rằng VinSpeed sẽ mang trong mình “mã gen kỳ tích” của Vingroup - điều đã được minh chứng qua hàng loạt công trình hạ tầng đạt kỷ lục về tốc độ thi công lẫn chất lượng.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ không chỉ là một hành lang vận tải, mà còn là trục phát triển động lực, mở rộng cơ hội kinh tế xã hội cho hàng chục tỉnh, thành dọc theo hình chữ S. Việc một doanh nghiệp tư nhân như VinSpeed đề xuất tham gia đầu tư không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông, mà còn mở ra khả năng nội địa hóa một phần ngành công nghiệp đường sắt, tạo hiệu ứng lan tỏa sang các lĩnh vực liên quan như sản xuất, công nghiệp hỗ trợ và công nghệ trong nước.