Bất động sản

VinSpeed đề xuất làm siêu đường sắt Bắc - Nam hơn 67 tỷ USD, Phó Thủ tướng ra chỉ đạo nóng

Việt Hoàng 15/05/2025 14:15

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành rà soát kỹ lưỡng các đề xuất của VinSpeed.

Ngày 15/5, Văn phòng Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về đề xuất đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam do CTCP Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed trình bày.

Trước đó tại cuộc họp ngày 12/5 với sự tham gia của đại diện Công ty Vinspeed cùng các Bộ, ngành liên quan, Phó Thủ tướng kết luận, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra chủ trương khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia cùng Nhà nước thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược, trong đó có đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị và công nghiệp mũi nhọn.

Trên tinh thần đó, các Bộ, ngành đều bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam của VinSpeed. Tuy nhiên, việc chuyển đổi hình thức đầu tư và áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án là vấn đề lớn, cần được báo cáo cấp có thẩm quyền và trình Quốc hội xem xét.

duong-sat.jpg
Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành rà soát kỹ lưỡng các đề xuất của VinSpeed.

Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong đầu tư, phát triển hệ thống đường sắt, đảm bảo các chính sách áp dụng chung và trình Quốc hội trước ngày 20/5.

>> Tỉnh được đặt tới 2 nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chuẩn bị khai thác gần 2.000ha đất dọc đường ven biển

Riêng với đề xuất cụ thể về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ Xây dựng có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan. Kết quả sẽ được báo cáo Thường trực Chính phủ, Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi của việc chuyển hình thức đầu tư từ công sang tư, khả năng cân đối nguồn vốn cho vay theo đề xuất của doanh nghiệp. Đồng thời, xem xét các chính sách đặc thù như cho vay không lãi suất với thời hạn 35 năm, thời gian hoạt động dự án lên tới 99 năm, cơ chế giá vé tối thiểu và các ưu đãi đầu tư khác.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao nhiệm vụ rà soát, đánh giá tác động của chính sách không tính tổng dư nợ vay của dự án vào dư nợ vay của Tập đoàn Vingroup, đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Các Bộ, ngành khác như Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Công an, Quốc phòng, Công Thương, Khoa học và Công nghệ sẽ rà soát, đánh giá tác động đối với các cơ chế chính sách do VinSpeed đề xuất, theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

>> Tập đoàn Cao su Việt Nam cùng Becamex, VSIP muốn đầu tư loạt dự án tại tỉnh giàu nhất Việt Nam

Công ty VinSpeed chịu trách nhiệm phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ, phương án đầu tư. Doanh nghiệp phải lập báo cáo so sánh hai phương án đầu tư công và tư nhân, làm rõ các yếu tố như tiến độ, chi phí, hiệu quả đầu tư, để chứng minh ưu thế khi doanh nghiệp tư nhân tham gia.

Bên cạnh đó, VinSpeed cần làm việc với các Bộ, ngành để cụ thể hóa, hoàn thiện các cơ chế chính sách đặc thù, đảm bảo cơ sở pháp lý trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Phó Thủ tướng yêu cầu VinSpeed thực hiện đầy đủ các cam kết, đồng thời nghiên cứu xây dựng hệ thống công nghiệp đường sắt, đóng vai trò dẫn dắt, thúc đẩy phát triển chuỗi công nghiệp hỗ trợ nếu dự án được chấp thuận.

Các Bộ, ngành liên quan phải khẩn trương gửi ý kiến về Bộ Xây dựng trước ngày 19/5. Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp, báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Xây dựng trước ngày 22/5 và trình Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ. Sau đó, sẽ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV khi được cấp có thẩm quyền cho phép.

Trước đó, ngày 14/5/2025, CTCP Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed (doanh nghiệp thuộc sở hữu của gia đình tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Tập đoàn Vingroup) đã chính thức đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 172/2024/QH 15 quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.541km, điểm đầu ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM).

Dự án có quy mô đầu tư mới toàn tuyến đường khổ đôi 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; phương tiện, thiết bị; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết; áp dụng công nghệ đường sắt chạy trên ray, điện khí hóa nhằm đảm bảo hiện đại và đồng bộ.

Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là 67,34 tỷ USD từ ngân sách Nhà nước, bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư trung công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác; sử dụng khoảng 10.827ha, gồm 3.655ha đất trồng lúa, 2.567ha đất lâm nghiệp và 4.605ha các loại đất khác theo quy định của Luật Đất đai 2024.

>> Việt Nam sắp có thêm khu công nghệ cao 1.300ha, tọa lạc tại ‘thủ phủ resort’ của cả nước

Sếp VinSpeed nói gì trước hoài nghi Vingroup 'gom đất vàng' để phát triển BĐS mới là động cơ thực sự khi tham gia vào đường sắt cao tốc Bắc - Nam?

Chỉ nửa tháng nữa, siêu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 67 tỷ USD sẽ đạt dấu mốc quan trọng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vinspeed-de-xuat-lam-sieu-duong-sat-bac-nam-hon-67-ty-usd-pho-thu-tuong-ra-chi-dao-nong-289789.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    VinSpeed đề xuất làm siêu đường sắt Bắc - Nam hơn 67 tỷ USD, Phó Thủ tướng ra chỉ đạo nóng
    POWERED BY ONECMS & INTECH