Sau siêu dự án đường sắt 62 tỷ USD, VinSpeed bất ngờ đề xuất làm metro TP. HCM - Cần Giờ bằng 100% vốn tư nhân
VinSpeed sẽ tham gia nghiên cứu, triển khai các dự án đường sắt do Tập đoàn Vingroup (VIC) đề xuất.
Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) cùng gia đình tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa góp vốn thành lập CTCP Đầu tư và Phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed với vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng.
Theo Vingroup, việc thành lập VinSpeed nhằm tập trung nguồn lực, tối ưu hiệu quả đầu tư và tham gia phát triển hệ thống đường sắt quốc gia, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông theo tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về thúc đẩy kinh tế tư nhân.
Mới đây, VinSpeed đã đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam với tổng mức đầu tư khoảng 1.562 nghìn tỷ đồng (tương đương 61,35 tỷ USD), chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ di dời và tái định cư. Doanh nghiệp cam kết tự thu xếp 20% nguồn vốn, phần còn lại được đề xuất vay từ Nhà nước với lãi suất 0%, thời hạn hoàn trả 35 năm kể từ ngày giải ngân.
Thông tin từ Báo Tuổi Trẻ, Tập đoàn Vingroup vừa có văn bản gửi đến UBND TP. HCM đề xuất đầu tư tuyến đường sắt đô thị TP. HCM - Cần Giờ. Theo đó, VinSpeed sẽ đóng vai trò là đơn vị triển khai các dự án đường sắt do Tập đoàn đề xuất, trong đó có tuyến metro này.
Vingroup kiến nghị thực hiện dự án theo hình thức đầu tư trực tiếp, sử dụng nguồn vốn tư nhân do VinSpeed thu xếp, không dựa vào ngân sách Nhà nước. Doanh nghiệp bày tỏ mong muốn UBND TP. HCM xem xét, chấp thuận chủ trương và chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp hỗ trợ triển khai.
![]() |
Tuyến metro TP. HCM - Cần Giờ (Ảnh minh họa) |
Cách đây ít ngày, UBND TP. HCM đã thống nhất chủ trương cho phép Vingroup nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Theo chỉ đạo, VIC sẽ tự cân đối kinh phí thực hiện nghiên cứu và lập hồ sơ, không sử dụng ngân sách thành phố. Trường hợp hồ sơ không được chấp thuận, doanh nghiệp sẽ phải tự chịu toàn bộ chi phí và rủi ro liên quan.
Tuyến metro TP. HCM - Cần Giờ lần đầu được nhắc đến trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Vingroup hồi tháng 1/2025. Khi đó, Thủ tướng chia sẻ: "Tôi đã trao đổi với ông Phạm Nhật Vượng về việc xây dựng hệ thống tàu điện ngầm từ trung tâm TP. HCM đến huyện Cần Giờ. Ông Vượng đồng tình và bày tỏ sự hứng thú với ý tưởng này".
Sau cuộc gặp, Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ. Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương hồi tháng 2 và phiên họp Ban Chỉ đạo vào tháng 3/2025, người đứng đầu Chính phủ giao nhiệm vụ cho Vingroup triển khai tuyến metro này.
Theo đề xuất, tuyến đường sắt đôi khổ 1.435mm sẽ được điện khí hóa, chiều dài khoảng 48,5km, tốc độ thiết kế tối đa 250km/h, tải trọng trục 17 tấn/trục. Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 102.370 tỷ đồng (tương đương 4,09 tỷ USD). Tuyến bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (đoạn giữa nút giao Nguyễn Thị Thập và Lý Thục Mạn, quận 7) và kết thúc tại khu đất rộng 39ha giáp Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (xã Long Hòa, huyện Cần Giờ).
Đáng chú ý, huyện Cần Giờ là nơi triển khai siêu dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ do CTCP Đô thị Du lịch Cần Giờ - công ty con của Vingroup làm chủ đầu tư. Dự án nằm trên địa bàn xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh với diện tích 2.870ha, quy mô dân số tối đa hơn 228.000 người. Khu đô thị này đã chính thức khởi công vào ngày 19/4 vừa qua.