Kênh đào hơn 200 năm tuổi xác lập kỷ lục ‘kênh đào thủ công dài nhất’ Việt Nam: Huy động 90.000 dân binh làm việc hơn 4 năm, giúp 'ĐBSCL khỏi lo thiếu gạo ăn'
Đây không chỉ là tuyến giao thông huyết mạch mà còn là một kỳ quan, ghi dấu ấn đậm nét về tài năng và sự cần cù của người Việt xưa.
Chiều ngày 29/10, UBND tỉnh An Giang tiến hành tổ chức cuộc họp rà soát công tác tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824-2024) và tưởng niệm 198 năm Ngày mất của bà Châu Thị Tế (1826-2024, vợ của ông Thoại Ngọc Hầu).
Các hoạt động kỷ niệm dự kiến diễn ra trong 2 ngày (14-15/11/2024) tại khu vực Núi Sam, TP. Châu Đốc. Bên cạnh lễ theo nghi thức truyền thống, bao gồm Lễ cúng Tiên, Lễ cúng Chánh Tế được tổ chức tại Di tích cấp Quốc gia Lăng Thoại Ngọc Hầu, còn có hội thảo khoa học cấp quốc gia, các hoạt động an sinh xã hội, văn hóa – văn nghệ… Đặc biệt, kênh Vĩnh Tế còn đón nhận xác lập kỷ lục Việt Nam là "Kênh đào thủ công dài nhất Việt Nam".
Kênh đào Vĩnh Tế là công trình chạy song song với đường biên giới Việt Nam - Campuchia, bắt đầu từ bờ Tây sông Châu Đốc thẳng nối giáp với sông Giang Thành, thuộc TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang ngày nay.
Theo sử sách triều Nguyễn, vào năm 1816, khi thành Châu Đốc đắp xong, vua Gia Long xem địa đồ miền đất này liền truyền: “Xứ này nếu mở đường thủy thông với Hà Tiên thì hai đàng nông thương đều lợi. Trong tương lai, dân đến ở làng đông, đất mở càng rộng, sẽ thành một trấn to vậy”. Nhưng nhà vua chưa ra lệnh cho đào ngay vì ngại đây là vùng đất mới mở, nhân dân còn cơ cực, lòng dân sẽ không yên.
Năm 1819, vua Gia Long ra lệnh đào kênh và kéo dài đến năm 1824 thì hoàn thành. Theo Cổng TTĐT tỉnh Vĩnh Long, lúc đầu, số lượng quân và dân phu người Việt và người Khmer được huy động khoảng 10.500 người. Về sau công việc khó nhọc, số quân và dân phu được huy động lên đến hơn 55.000 người. Nếu tính trong hơn 4 năm đào kênh các quan phụ trách đã huy động đến hơn 90.000 dân binh.
Trong sách "Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang", quan trấn thủ trấn Vĩnh Thanh, Nguyễn Văn Thoại (tức Thoại Ngọc Hầu) là người trực tiếp chỉ huy việc đào kênh Vĩnh Tế.
Sau này, khi kênh hoàn thành, vua Minh Mạng rất mãn nguyện, liền ban thưởng, cho dựng bia ở Núi Sam (Châu Đốc) ghi nhớ thành quả đào kênh. Để ghi nhận công lao của quan Thoại Ngọc Hầu, tên phu nhân của ông là bà Châu Thị Vĩnh Tế được vua đặt làm tên kênh.
Chuyển đổi theo hệ đo lường ngày nay, kênh Vĩnh Tế có chiều dài là 87km, độ rộng trung bình 30m, độ sâu trung bình khoảng 2,55m. Tuy nhiên, trừ những đoạn sông rạch sẵn có thì phần phải đào mới chỉ là 37km.
Suốt hai thế kỷ qua, kênh Vĩnh Tế dẫn nước từ sông Châu Đốc, chạy dọc miền biên viễn Tây Nam, thông qua các kênh đào đan xen tống phèn ra biển, cung cấp nước ngọt, phù sa cho ruộng đồng. Ngay đầu kênh Vĩnh Tế, nơi hợp lưu với sông Châu Đốc là trung tâm TP. Châu Đốc (An Giang), đô thị vùng biên sầm uất và đông khách du lịch bậc nhất miền Tây.
Từ Châu Đốc xuôi dòng Vĩnh Tế xuống hạ lưu sông Giang Thành (Kiên Giang), một bên là biên giới Việt Nam - Campuchia, một bên là Quốc lộ N1 lúc nào cũng tấp nập xe cộ qua lại, dưới kênh ghe thương hồ chở lúa, nông sản cũng qua lại dập dìu quanh năm.
Sau nhiều lần khảo sát, vào tháng 7/1996, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quyết định phóng tuyến kênh T5 – Tuần Thống (ngày nay là kênh Võ Văn Kiệt). Theo Báo Tuổi Trẻ, chỉ trong 4 tháng thi công (từ tháng 4-8/1997), tuyến kênh đào đã hoàn thành. Kênh T5 dài 48km xuyên qua vùng Tứ giác Long Xuyên ra biển Tây.
Sau đó, từ năm 1997-1999, ba tuyến kênh T4, T5, T6 đã hoàn thành nối vào kênh Vĩnh Tế, băng vào vùng Tứ giác Long Xuyên chảy qua hai tỉnh An Giang và Kiên Giang.
Kể từ đó, chương trình khai thác Tứ giác Long Xuyên sau 10 năm (1989-1999) cũng thành công vang dội. Sản lượng lúa của tỉnh An Giang cũng tăng từ 600.000 tấn lên hơn 4 triệu tấn, đứng hàng đầu cả nước (theo Cổng TTĐT tỉnh An Giang).
Lúc sinh thời, Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng từng chia sẻ nhận định về kênh Vĩnh Tế. Chia sẻ với Báo Thanh niên, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng: "Có kênh Vĩnh Tế, ĐBSCL khỏi lo thiếu gạo ăn. Vì phía sông Hậu, kênh Vĩnh Tế dẫn nước ngọt từ Châu Đốc xuống tận Hà Tiên. Còn phía sông Tiền, kênh Trung Ương dẫn nước ngọt từ sông Tiền xuyên qua Đồng Tháp Mười đến Long An. Từ 2 trục nước này, hệ thống kênh thủy lợi đan xen gần như kiện toàn, tạo nên vựa lúa Đồng Tháp Mười - Tứ giác Long Xuyên, là vùng sản xuất lúa lớn nhất miền Tây".