‘Siêu quái vật’ đào đất lớn nhất thế giới, có trọng lượng lên tới 13.500 tấn và mức tiêu thụ lượng điện ngang một thành phố 20.000 dân
Cỗ máy khổng lồ này có 18 gầu xúc, mỗi gầu xúc nặng 3.500kg, cao 22m tương đương một tòa nhà 7 tầng.
Cỗ máy đào đất Bagger 288 do công ty Krupp của Đức chế tạo vào năm 1978 trở thành cỗ máy bánh xích tự hành lớn nhất thế giới. Cỗ máy khổng lồ này có chiều dài 220m, cao 96m và trọng lượng 13.500 tấn.
Theo đó, Bagger 288 là đơn đặt hàng của công ty khai mỏ Rheinbraun. Các kỹ sư phải mất 5 năm để lên kế hoạch thiết kế và sản xuất. Đồng thời, thời gian lắp ráp cỗ máy khổng lồ này cũng mất thêm 5 năm nữa. Tuy nhiên, do khá cồng kềnh và rất nặng nên dù được trang bị động cơ có công suất lớn nhưng Bagger 288 chỉ có tốc độ tối đa là 10m/phút để đảm bảo an toàn. Tốc độ này thua xa so với những cỗ máy khổng lồ khác.
Bagger 288 làm việc trong các mỏ lộ thiên. Cỗ máy này sử dụng 18 gầu xúc xoay tròn như một chiếc xẻng đào đất đá liên tục. Mỗi gầu xúc nặng 3.500kg, cao 22m, tương đương một tòa nhà 7 tầng. Đặc biệt, cỗ máy này có thể di chuyển 240.000m3 đất đá mỗi ngày và chỉ cần 3 - 4 công nhân vận hành để có thể thu thập 265.000 tấn nhiên liệu một ngày.
Bên cạnh đó, Bagger 288 có 4 băng chuyền vận, mỗi cái rộng 3,2m vận chuyển vật liệu với tốc độ 18 km/h và tổng độ dài dây điện sử dụng trên cỗ máy này là 1.700m đồng nghĩa với việc nó tiêu thụ lượng điện ngang một thành phố 20.000 dân.
Được biết, việc tháo rời cỗ máy ra và vận chuyển từng bộ phận gặp rất nhiều khó khăn do chi phí đắt đỏ nên đến nay Bagger 288 mới chỉ 1 lần phải di chuyển từ mỏ này sang mỏ khác vào năm 2001.