Cỗ máy này còn được Sách Kỷ lục Guinness ghi nhận là phương tiện di chuyển trên mặt đất lớn nhất thế giới.
Được sản xuất vào năm 1995, máy xúc gầu quay Bagger 293 của Đức được Sách Kỷ lục Guinness ghi nhận là phương tiện di chuyển trên mặt đất lớn nhất thế giới.
Với chiều cao 96m, dài 225m, nặng tới 14.200 tấn, Bagger 293 là phiên bản kế thừa những "người anh em" nổi tiếng đều lọt top những cỗ máy khổng lồ nhất trên mặt đất như Bagger 281, Bagger 287, Bagger 288, Bagger 291.
Cỗ máy này cao tương đương với tháp đồng hồ Big Ben tại London và để vận hành được máy xúc Bagger 293 thì cần tới một đội gồm có 5 người.
Máy xúc Bagger 293 có thể khai quật hàng trăm nghìn tấn đất mỗi ngày. Đây là cỗ máy có thật mà không phải là tưởng tượng hay khoa học viễn tưởng.
Máy xúc gầu quay Bagger 293 |
Cỗ máy này sử dụng một bánh xe quay lớn dài 21,3m ở phía bên cánh. Bánh xe này có một loạt các gầu được gắn vào. Khi bánh quay, các gầu sẽ nhặt đất và đổ lên băng chuyền. Các băng tải sau đó sẽ vận chuyển đất đến phương tiện khác rồi di chuyển đến bãi đổ.
Cỗ máy này sử dụng một bánh xe quay lớn dài 21,3m, bánh xe này có một loạt các gầu được gắn vào |
Siêu máy xúc này có 3 cần trục với các nhiệm vụ khác nhau gồm cắt, đối trọng và trụ đỡ. Tương tự những chiếc máy xúc gầu khác của Takraft, Bagger 293 chủ yếu được sử dụng để khai thác than nâu. Bên cạnh đó, với kích thước lớn như vậy, siêu máy xúc này chỉ được sử dụng hạn chế ở những mỏ đá lớn nhất trên thế giới.
TS Thomas Adams tại Khoa Kỹ thuật Hóa học Đại học McMaster cho hay: "Cỗ máy này có thể di chuyển hơn 200.000 tấn đất một ngày, tương đương với 2.500 kg vật liệu mỗi giây". Nói một cách dễ hiểu, siêu máy xúc này có thể đào một cái hố có chiều dài bằng sân bóng đá chỉ trong một ngày.
Dù có kích thước khổng lồ và rất nặng nhưng cỗ máy này chỉ để lại vết hằn trên đường đi không sâu hơn dấu chân người. Đặc biệt, để có thể hoạt động hiệu quả, cỗ máy khổng lồ này cần nguồn điện bên ngoài cung cấp là 16,56 megawatt, tương đương với lượng điện tiêu thụ của cả một thành phố nhỏ.
Để có thể hoạt động hiệu quả, cỗ máy khổng lồ này cần nguồn điện bên ngoài cung cấp là 16,56 megawatt, tương đương với lượng điện tiêu thụ của cả một thành phố nhỏ |
Do nặng tới 14.200 tấn, khâu vận chuyển Bagger 293 rõ ràng là không dễ dàng và cực kỳ tốn kém.
Phải mất hơn 3 tuần để máy xúc này thực hiện hành trình dài 128km từ nhà máy sản xuất đến mỏ khai thác than nâu lộ thiên Garzweiler ở gần nhất, với tốc độ chỉ khoảng 0,6km/h. Cho đến nay, quãng đường xa nhất mà Bagger 293 từng đi được chỉ là khoảng 22km, từ mỏ Hambach sang mỏ Garzweiler vào năm 2001.
Các chuyên gia cho biết, để sở hữu cỗ máy Bagger 293 thì người mua cần phải bỏ ra ít nhất là 100 triệu USD. Sở dĩ Bagger 293 có giá cao như vậy là vì phải mất tới 5 năm để thiết kế, sản xuất, đồng thời chờ lắp ráp trong 5 năm nữa thì mới hoàn thành được cỗ máy này.
Ngoài ra, do không có bất kỳ loại xe nào có thể vận chuyển được cỗ máy siêu khổng lồ này mà nhà sản xuất sẽ phải vận chuyển từng bộ phận đến một nơi khác để hoàn thiện cỗ máy.
Do đó, siêu cỗ máy này được coi là yếu tố then chốt để duy trì hoạt động của các nhà máy than, với nguồn tài nguyên thường ở rất sâu dưới hàng tấn vật liệu như bùn đất và đá.