Sinh viên không đi học vẫn được tốt nghiệp
TRUNG QUỐC - Chi từ 9.900 NDT đến 20.000 NDT (khoảng 34,4 - 69,5 triệu đồng), một số sinh viên Trung Quốc không cần đi học vẫn nhận bằng tốt nghiệp sau 3 năm kể từ ngày đăng ký.
Hiện nay, ở Trung Quốc đang nở rộ dịch vụ đăng ký không đi học vẫn nhận bằng tốt nghiệp dành cho sinh viên nghề. Các cơ sở kinh doanh trái pháp luật tồn tại dưới dạng công ty tư vấn giáo dục. Mới đây, CCTV đã thực hiện phóng sự điều tra vạch trần chiêu thức của 5 công ty tư vấn giáo dục đăng ký bất hợp pháp cho người học và 6 trường nghề cung cấp dịch vụ không đến lớp.
Cụ thể, công ty TNHH Tư vấn Giáo dục Khoa Văn Trịnh Châu (Trung Quốc) đã hoạt động trong lĩnh vực này hơn 10 năm. Công ty khẳng định có thể giúp học viên không cần đến lớp, với chi phí 20.000 NDT (khoảng 69,5 triệu đồng). Để tránh bị phát hiện, công ty yêu cầu khách hàng giao dịch bằng tiền mặt.
4 công ty khác cũng kinh doanh bất hợp pháp tương tự bao gồm: Trung tâm Dịch vụ Kinh doanh Sướng Hàng (Vũ Hán), Công ty TNHH Công nghệ Ích Thác (Vũ Hán), Công ty TNHH Thương mại Sơ Phái (Hà Nam) và Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Giáo dục Tập Phong (Vũ Hán).
Điểm chung các công ty đều yêu cầu phụ huynh đóng 20.000 NDT, đây được gọi là "phí quan hệ". Cả 5 cơ sở tư vấn giáo dục khẳng định không có rủi ro, người học đóng phí xong sẽ được cung cấp giấy tờ liên quan, sau 3 năm kể từ ngày đăng ký có thể tốt nghiệp.
Nhân viên một công ty tư vấn tự tin nói, không cần đi học sinh viên vẫn có thể tốt nghiệp. Một tư vấn viên khác cũng khẳng định, chỉ cần thông tin cá nhân và ảnh thẻ nền xanh của người học có thể xử lý toàn bộ.
Điểm Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Thông tin Vũ Hán (Trung Quốc) có hành vi gian lận cao cấp hơn. Nhân viên tư vấn cho biết, học viên chỉ cần đăng ký dịch vụ điểm danh có mặt 1 lần/kỳ. Để đối phó với cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường chuẩn bị sẵn hồ sơ bệnh án, thủ tục xin nghỉ điều trị bệnh và giấy tờ bảo lưu cho học sinh. Bằng cách này sinh viên không cần đến trường cả kỳ.
Rẻ hơn công ty tư vấn giáo dục, Trường Cao đẳng nghề Thiên Công Vũ Hán đưa ra phí cửa sau là 9.900 NDT (khoảng 34,4 triệu đồng) dành cho học viên đăng ký dịch vụ không đến lớp. Trường khẳng định không phát sinh khoản khác vì sinh viên không đến trường.
Còn Trường Trung cấp Bổ túc nghề Hà Nam (Trung Quốc) đăng ký dịch vụ không đi học có giá 12.600 NDT/kỳ (khoảng 43,7 triệu đồng). Để thuyết phục phụ huynh, nhân viên nhà trường cam kết giảm một phần học phí bằng cách xin trợ cấp nhà nước.
Ba trường Trung cấp chuyên nghiệp Công nghệ Hàng không (Tân Trịnh), Cao đẳng nghề Ô tô (Trịnh Châu) và Trường Trung cấp chuyên nghiệp Thông tin Lục Nghiệp (Trịnh Châu) cũng có dịch vụ thuê người học hộ điểm danh bằng thẻ, sinh viên không cần lên lớp.
Để tránh sự nghi ngờ của cơ quan quản lý giáo dục, các trường này đề nghị sinh viên tối thiểu lên lớp điểm danh một lần/kỳ. Thậm chí, trường còn bày cách cho sinh viên điền giả thời gian đi học trên ứng dụng.
Nhận thấy đây là hành vi bất hợp pháp, các công ty tư vấn giáo dục và trường dạy nghề giới hạn số lượng đối tượng đặc biệt từ 3 đến 5 sinh viên/lớp. Hiện tại, phóng sự này nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận cả nước. Không ít người bày tỏ bức xúc về tính công bằng trong môi trường giáo dục nghề hiện nay.
Tỷ lệ ly hôn tăng: cơ hội kinh doanh béo bở tại Trung Quốc
Trung Quốc tính bỏ quy định 'có hộ khẩu mới được mua nhà' tại các thành phố lớn