Xe

Ô tô điện Trung Quốc “giảm giá đến chết” và câu hỏi về chất lượng?

Trần Thủy 20/09/2024 12:45

Hàng triệu ô tô điện Trung Quốc đã tràn ra thế giới, với những sản phẩm giá rẻ, đi kèm theo đó là những câu hỏi nghi ngờ về chất lượng.

Theo công ty tư vấn tại Thượng Hải Suolei, có hơn 50 mẫu xe điện và hybrid ra mắt trên thị trường Trung Quốc trong năm nay. Thế nhưng sẽ chỉ có một số ít mẫu xe có doanh số đủ để bù đắp chi phí phát triển.

Những mẫu xe mới có thể thúc đẩy doanh số bán hàng, nhưng điều quan trọng hơn hết là chính việc giảm giá mới thật sự thu hút người mua. Tuy nhiên, giá xe giảm thấp sẽ tạo áp lực cho các công ty sản xuất.

xe3.jpg
Nhiều nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc đang gặp khó khăn. (Ảnh minh họa)

Thời điểm hiện tại chỉ có hãng xe BYD và Li Auto là có lãi từ việc bán xe điện. Trong khi đó, khoảng 50 nhà sản xuất xe điện còn lại của Trung Quốc đang gặp khó khăn.

Chẳng hạn như thương hiệu Nio trong 2023 có doanh số bán xe tăng 12,9% với doanh thu 7,6 tỷ USD, nhưng đã thua lỗ tới 2,85 tỷ USD; bình quân mỗi chiếc xe điện của Nio lỗ 13.750 USD. Thương hiệu Xpeng cũng tương tự, trong 2023, doanh số bán tăng với doanh thu đạt 4,2 tỷ USD nhưng vẫn lỗ ròng 1,4 tỷ USD. Zeekr, nhà sản xuất xe điện cao cấp thuộc sở hữu của Geely Auto, đã ghi nhận khoản lỗ ròng 1,81 tỉ nhân dân tệ trong quý 2/2024, mặc dù doanh thu đạt mức kỷ lục là 20 tỉ nhân dân tệ…

Dòng xe điện Xiaomi SU7 của nhà sản xuất Xiaomi là ví dụ, được đánh giá là một trong những sản phẩm thành công nhất trong thời gian gần đây, với 27.307 chiếc được bán cho khách hàng ở Trung Quốc trong quý 2/2024. Tuy nhiên, Xiaomi cho biết rằng họ sẽ cần thời gian để tạo ra lợi nhuận vì chi phí nghiên cứu và phát triển cũng như tiếp thị là rất lớn. Một báo cáo độc lập tiết lộ, mỗi chiếc Xiaomi SU7 bán ra chịu lỗ khoảng 68.000 tệ, tương đương với 235 triệu VND.

Theo Công ty tư vấn tài chính toàn cầu Alixpartners, “cuộc chiến” giá xe điện Trung Quốc kéo dài 2 năm qua, đã gây áp lực lớn lên nhiều nhà sản xuất. Ngay sau khi BYD châm ngòi cho “cuộc chiến” giảm giá, giá của 50 mẫu xe điện hóa thuộc nhiều thương hiệu khác nhau tại Trung Quốc đã giảm 10%. Trong năm 2023, giá bán ô tô trung bình tại Trung Quốc giảm 13,4%. Hầu hết các công ty đều sẵn sàng giảm giá mạnh tay để đạt được mục tiêu về doanh số bán hàng.

Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán, khả năng sinh lời của toàn ngành xe điện Trung Quốc có thể trở nên âm trong năm nay, nếu BYD cắt giảm thêm 7% giá bán, tương đương 10.300 nhân dân tệ, trên mỗi chiếc xe của mình.

Ông Stephen Dyer, giám đốc điều hành của Alixpartners cho biết, chừng nào các công ty lớn như BYD vẫn còn tỷ suất lợi nhuận gộp thì sẽ luôn có chỗ cho một “cuộc chiến” giá cả tiếp theo. Ông dự đoán, “cuộc chiến” về giá xe điện tại Trung Quốc sẽ kéo dài khoảng 3 - 4 năm nữa.

Như vậy cũng có nghĩa là các doanh nghiệp ô tô Trung Quốc còn tiếp tục phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Hoặc mất thị phần nếu không tham gia vào cuộc cạnh tranh về giá với đối thủ; hoặc phải vật lộn với những khó khăn về tài chính khi giảm giá. “Cuộc chiến” giá cả dường như gây bất lợi cho tất cả các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.

Câu hỏi về chất lượng?

Giá giảm và chỉ coi trọng về doanh số bán, sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của ô tô. Để cắt giảm chi phí, quá trình sản xuất sẽ bị rút ngắn và sử dụng vật liệu rẻ tiền… Nhiều doanh nghiệp ô tô Trung Quốc không thể sáng tạo, họ cắt ngắn quá trình chế tạo xe hơi bằng cách sao chép lại những sản phẩm của hãng xe khác. Một số nguồn tin cho biết, nhiều hãng xe do cắt giảm chi phí, nên một mẫu xe mới thay vì được thử nghiệm tới 150 lần, giảm xuống còn từ 20-25 lần. Chính vì thế mà chất lượng và độ an toàn của ô tô Trung Quốc đang bị đặt câu hỏi.

xe1.jpg
Hàng triệu xe điện Trung Quốc đã tràn ra thế giới. (Ảnh minh họa)

Ngay sau khi chính thức mở bán, Xiaomi SU7 đã gặp vấn đề. Đã có xe bị tai nạn do mất lái, được quy cho hệ thống kiểm soát độ bám hoạt động chưa chính xác. Rồi hệ thống kiểm soát lực kéo cũng hay bị trục trặc, hoạt động không ổn định…

Robin Zeng, người sáng lập và Chủ tịch của Contemporary Amperex Technology Ltd (CATL), đã kêu gọi các nhà sản xuất xe điện và nhà sản xuất linh kiện ô tô Trung Quốc sớm chấm dứt “cuộc chiến” giá cả, đang “nhấn chìm” lĩnh vực này và tập trung vào việc đảm bảo độ tin cậy của sản phẩm.

Cạnh tranh trong ngành xe điện là cạnh tranh với nhau về công nghệ, giá trị lâu dài, tính bền vững cũng như độ an toàn và độ tin cậy. Suy cho cùng, đó là một cuộc đua xuyên suốt vòng đời của sản phẩm. Một cuộc cạnh tranh về giá một lần là điều không mong muốn, theo ông chủ của nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới.

Tại Diễn đàn xe điện thường niên China EV100 tổ chức ở Bắc Kinh vào giữa tháng 3/2024, các lãnh đạo ngành xe cùng quan chức Chính phủ Trung Quốc có mặt đã yêu cầu các hãng xe điện nâng cao chất lượng; nhanh chóng cải thiện chất lượng sản phẩm, để đảm bảo không chỉ duy trì ưu thế về mặt "lượng" mà còn cả mặt "chất". “Cuộc chiến” giá cả leo thang không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc mà còn làm giảm uy tín của họ.

Dư thừa và ế ẩm tại thị trường nội địa, hàng triệu xe điện Trung Quốc đã tràn ra thế giới. Những sản phẩm giá rẻ đang làm náo loạn thị trường ô tô nhiều quốc gia, đi kèm theo đó là những câu hỏi nghi ngờ về chất lượng.

Ông lớn ô tô Việt ế ẩm và lỗ nặng vì bán ô tô điện Trung Quốc

Ô tô điện Trung Quốc 'tấn công' châu Âu, biến những cảng đông đúc nhất thành... bãi đỗ xe

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/o-to-dien-trung-quoc-giam-gia-den-chet-va-cau-hoi-ve-chat-luong-2324095.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ô tô điện Trung Quốc “giảm giá đến chết” và câu hỏi về chất lượng?
    POWERED BY ONECMS & INTECH