Tỷ lệ ly hôn tăng: cơ hội kinh doanh béo bở tại Trung Quốc
Xu hướng ly hôn ngày càng phổ biến đã tạo ra cơ hội kinh doanh mới, đồng thời phản ánh sự thay đổi trong quan niệm hôn nhân của xã hội Trung Quốc.
Là nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh cưới, phần lớn thu nhập của Tan Mengmeng đến từ việc ghi lại những khoảnh khắc hạnh phúc của các cặp đôi.
Tuy nhiên, trước tỷ lệ ly hôn ở Trung Quốc ngày càng tăng, Tan đã quyết định mở rộng dịch vụ. Thay vì chỉ tập trung vào những lễ cưới, cô đã cung cấp thêm dịch vụ chụp ảnh ly hôn, giúp các cặp đôi lưu giữ những khoảnh khắc cuối cùng bên nhau, dù trong hoàn cảnh không mấy vui vẻ.
Theo số liệu chính thức, tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đã giảm xuống mức đáng báo động trong những năm gần đây, từ mức cao kỷ lục 13 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn, xuống dưới 7 triệu cặp vào năm 2022 - mức thấp nhất kể từ năm 1985. Mặc dù có sự tăng nhẹ lên 8 triệu cặp vào năm 2023, nhưng tình trạng này vẫn đang gây lo ngại cho chính quyền Trung Quốc.
Trong khi đó, số vụ ly hôn lại tăng mạnh, đạt mức kỷ lục 4,7 triệu vào năm 2019, gấp gần bốn lần so với hai thập kỷ trước.
Nhằm hạn chế tình trạng này, năm 2021, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một luật mới, yêu cầu các cặp đôi phải xem xét thận trọng trong 30 ngày trước khi chính thức quyết định ly hôn. Biện pháp này đã giúp giảm bớt số vụ ly hôn trong thời gian ngắn, song con số này đã tiếp tục tăng ngay sau đó, đạt mức tăng 25% vào năm 2023 so với năm trước.
Tỷ lệ kết hôn giảm cùng với tỷ lệ ly hôn tăng cao đang làm trầm trọng thêm tình trạng già hóa dân số và ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Bên cạnh đó, chính sách một con trước đây cũng khiến ngày càng nhiều phụ nữ ngại sinh con.
Tan cho biết, trong năm qua, cô đã chụp ảnh cho khoảng 30 cặp đôi ly hôn.
Trước đây, ly hôn thường bị xã hội kỳ thị và coi là điều đáng xấu hổ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người trẻ chọn cuộc sống độc thân hoặc sẵn sàng chia tay nếu hôn nhân không hạnh phúc.
Điều này phản ánh sự thay đổi tích cực trong quan niệm hôn nhân của người Trung Quốc, họ không còn khắt khe nữa mà cởi mở và sẵn sàng chấp nhận sự đổ vỡ trong hôn nhân.
Thậm chí, các cặp đôi không ngại ghi lại khoảnh khắc ly hôn và thoải mái chia sẻ những bức ảnh này lên mạng xã hội.
Sự thay đổi này đã tạo ra một thị trường tiềm năng cho ngành nhiếp ảnh. Giờ đây, nhiều công ty còn cung cấp dịch vụ giúp các cặp đôi ly hôn loại bỏ những kỷ vật cũ trong cuộc hôn nhân.
Theo Peng Xiujian, chuyên gia nghiên cứu nhân khẩu học Trung Quốc, việc ưu tiên sự tự do và phát triển sự nghiệp khiến nhiều người trẻ không còn mặn mà với việc níu giữ và vun vén cho những cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Sự giảm sút tỷ lệ kết hôn này đến từ cả yếu tố kinh tế và xã hội như: áp lực công việc và chi phí sinh hoạt cao.
Tan cho rằng: “Can đảm ly hôn không có gì là xấu hổ. Chụp ảnh là cách để cả hai có thể lưu giữ kỷ niệm cuối cùng về mối quan hệ đã từng có”.
Một cặp đôi đã thuê Tan đến ghi lại khoảnh khắc chia tay ở một nhà hàng, nơi họ từng hẹn hò lần đầu. Trong buổi chụp hình, hai người đã gọi một số món ăn quen thuộc và ngồi đối diện, im lặng nhìn nhau.
Khi kết thúc buổi chụp, cả hai đều không kìm được nước mắt. Dù vẫn còn nhiều tình cảm dành cho nhau, nhưng cuộc sống hôn nhân mâu thuẫn đã khiến họ đưa ra quyết định khó khăn này. Người vợ không thể hòa hợp với gia đình chồng, trong khi người chồng quá bận rộn với công việc và không thể giải quyết những xung đột ấy, khiến khoảng cách giữa hai người ngày càng lớn.
Trong buổi chụp hình cho một cặp đôi khác, người chồng chỉ dán mắt vào màn hình điện thoại trong suốt buổi chụp. Người vợ đã khóc và khi nhận được bộ ảnh, cô thất vọng khi thấy rất ít hình ảnh của chồng mình. Tan chia sẻ: “Tôi không thể nói với cô ấy rằng chính người đàn ông đã yêu cầu tôi không chụp ảnh cận mặt của anh ta”.
Không lâu sau đó, Tan phát hiện ra người đàn ông này đã thuê một nhiếp ảnh gia khác để chụp ảnh cưới với người yêu mới. Mặc dù phần lớn khách hàng của Tan là phụ nữ, nhưng cô luôn đảm bảo rằng nam giới cũng phải chia sẻ chi phí cho buổi chụp hình.
Cách thủ đô Bắc Kinh 60 dặm, có một nhà máy đặc biệt cung cấp dịch vụ khá độc đáo: giúp những cặp đôi đã ly hôn xóa bỏ dấu vết của cuộc hôn nhân cũ. Tại đây, nụ cười hạnh phúc trên bức ảnh cưới sẽ được phủ sơn để che đi khuôn mặt trước được đưa vào máy nghiền cùng với những kỷ vật khác. Toàn bộ quá trình này sẽ được ghi lại và gửi cho khách hàng.
Liu Wei, chủ tịch nhà máy, chia sẻ rằng ông cảm thấy công việc của mình như một bác sĩ tâm lý, người giúp đỡ khách hàng vượt qua giai đoạn đau buồn sau ly hôn.
“Ly hôn không phải lúc nào cũng tiêu cực, đôi khi nó lại là một sự giải thoát. Vì vậy, không cần phải quá đau buồn về điều đó” - ông chia sẻ.
Với mức giá từ 8 đến 28 USD, dịch vụ kinh doanh của ông ngày càng trở nên phát đạt. Từ khi nhà máy đi vào hoạt động vào năm 2021, ông đã giúp hơn 2.500 cặp vợ chồng “tiêu hủy” những kỷ niệm cũ.
Gary Ng, chuyên gia kinh tế tại Pháp, nhận định rằng mặc dù khó dự đoán quy mô của thị trường này, nhưng với tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng ở Trung Quốc, chắc chắn sẽ có thêm nhiều dịch vụ tương tự xuất hiện trong tương lai.
Về phía Tan, cô đã lên kế hoạch mở rộng dịch vụ kinh doanh. Ý tưởng mới của cô là thu hút lại những khách hàng cũ. Nếu những cặp đôi này tái hôn và muốn cô chụp ảnh lại, cô sẽ giảm giá 18%.
>> Trung Quốc tính bỏ quy định 'có hộ khẩu mới được mua nhà' tại các thành phố lớn