Sở hữu chéo ngân hàng đang là vấn đề nóng ở Nghị trường Quốc hội khi nhiều đại biểu kiến nghị cần phải có giải pháp căn cơ để chấm dứt tình trạng này.
Chống tình trạng sở hữu chéo
Sở hữu chéo ngân hàng không phải tình trạng diễn ra mới đây, mà thực tế đã tồn tại từ nhiều năm trước đây. Ngành ngân hàng cũng đã có nhiều giải pháp để chống sở hữu chéo nhưng tình trạng tập trung sở hữu cổ phần, góp vốn, đầu tư chồng chéo, chuyển nhượng cổ phần để chi phối, thâu tóm ngân hàng… vẫn diễn ra.
Và điều quan trọng nhất là theo như GS.TS Trần Ngọc Thơ, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, “nhóm lợi ích ngân hàng và các vấn đề kinh tế - chính trị quá lớn” khiến ít ai dám thách thức.
Dự án sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng, đang được xem xét tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, với thông điệp mạnh mẽ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ “T.Ư yêu cầu là chấm dứt sở hữu chéo giữa các NH, mạnh như thế chứ không phải nói hạn chế nữa đâu", được kỳ vọng sẽ bàn thảo để đưa ra các quy định, khung pháp lý, giải pháp nhằm xử lý triệt để vấn đề này.
Qua đó, chặn những rủi ro tiềm ẩn cho ngành ngân hàng, cho cả nền kinh tế và chống mối nguy từ thao túng vốn, lợi ích vào nhóm “sân sau”.
Tuy nhiên, trước hết vẫn phải về thực trạng cụ thể của sở hữu, đầu tư ngân hàng - gồm cả những tình huống sở hữu “có thể nhìn thấy”, đầu tư lành mạnh; lẫn những tình huống đầu tư dẫn đến chồng chéo hay những tình huống sở hữu chéo “không thể/ khó nhìn thấy”.
Nhóm đầu tư DNNN với ngân hàng
Đầu tiên là hoạt động đầu tư, sở hữu của Tập đoàn và tổng công ty Nhà nước (DNNN) đối với ngân hàng. Trước khi Chính phủ yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp phải quyết liệt triển khai thoái vốn ngoài ngành, thì cách đây khoảng 1 thập kỉ, có thể thấy đây gần như là một xu hướng khi bóng dáng DNNN rất đông ở việc thành lập, góp vốn, sở hữu “bank”.
Chẳng hạn như Tổng công ty Lương thực miền Bắc trước khi thoái vốn (2015), đã góp vốn cổ phần tới tận 3 ngân hàng là Vietcombank, Vietinbank, Eximbank.
Tổng Công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines, nay là VIMC) có sở hữu chi phối tại ngân hàng Maritime Bank (nay là MSB; VIMC đã hoàn tất thoái vốn năm 2014).
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trước đây có vốn góp ở cả OceanBank và GPBank. Cả 2 ngân hàng này do hoạt động âm vốn, đã bắt buộc thành ngân hàng 0 đồng thuộc sở hữu NHNN và hiện đang là đối tượng tái cơ cấu, chuyển giao bắt buộc theo đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025" được Thủ tướng phê duyệt vào giữa năm 2022.
Ngoài ra, trong giai đoạn tái cơ cấu lần 1 (tới 2015), PVN vẫn chưa thoái vốn khỏi PVcomBank. Đến 2016, có thông tin PVN sẽ chuyển giao vốn Nhà nước tại PVComBank cho NHNN quản lý. Song, theo BCTN PVcomBank tại 31/12/ 2022, PVN vẫn đang là Tập đoàn Nhà nước (trừ NHNN) có vốn sở hữu chi phối lớn nhất tại 1 nhà băng (52% tại PVComBank).
Một trường hợp khác là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng chỉ mới hoàn tất thoái vốn, chuyển nhượng hơn 40% cổ phần tại Ngân hàng Xăng dầu (PG Bank) vào tháng 4 năm nay.
Trong khi đó, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) lại đang liên tục thất bại trong nỗ lực thoái vốn khỏi Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBank), trước đây là LienVietPostBank). VNPost đã góp vốn vào ngân hàng này kể từ năm 2011, đến nay vẫn còn nắm 8,13% dù đã liên tục thực thi các đợt chào bán đấu giá cổ phần LPB, chuyển nhượng vốn của VNPost đầu tư tại LPBank nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc cơ cấu lại khoản vốn góp của VNPost trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông về triển khai thực hiện thoái vốn tại đây.
Nhắc đến các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước tham gia góp vốn ngân hàng, dĩ nhiên không thể thiếu sự hiện diện của các đơn vị như Tập đoàn công nghiệp Viễn thông quân đội Viettel, SCIC, Tổng công ty trực thăng, các doanh nghiệp Quân đội khác… đang có mặt trong cơ cấu sở hữu vốn góp MBBank. Đây là một ngân hàng mà cơ cấu đầu tư sở hữu phần nào được xem “có tính đặc thù”.
Như vậy, chiếu theo một thống kê từ năm 2017 nhận định, hầu hết các tập đoàn và tổng công ty nhà nước đều có dính dáng, sở hữu ngân hàng, thì cho đến nay sau những chỉ đạo, yêu cầu về tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước từ Chính phủ, NHNN, cùng xu hướng đại chúng hóa khi tiến đến có mặt trên sàn niêm yết và UpCOM của các ngân hàng, bức tranh sở hữu, góp vốn ngân hàng từ nhóm DNNN đã có những thay đổi nhất định.
Dù vậy, hành trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng (trừ các trường hợp đầu tư đặc thù), thực tế chưa thể hoàn toàn 100% “đúng ngành” và vẫn còn đang tiếp tục.
Ngân hàng có vốn của chính quyền, doanh nghiệp địa phương
Ở luồng đầu tư góp vốn được đề cập tiếp sau góp vốn đầu tư của nhóm Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, nhiều ngân hàng còn được xây dựng bởi chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước do địa phương thành lập.
Khá tương tự như luồng sở hữu đầu tiên, chúng ta thấy điều này khá rõ qua làn sóng ngân hàng nông thôn lên đời đô thị trước đây (giai đoạn trước 2010).
Sau thời gian dài và 2 giai đoạn tái cơ cấu ngành ngân hàng từ 2011-2020, đến nay, vẫn còn lại một số ngân hàng có vốn góp của chính quyền địa phương và doanh nghiệp địa phương. Có thể kể đến điển hình như Ngân hàng TMCP Công Thương Sài Gòn (SaigonBank). Đây là ngân hàng thành lập từ năm 1987. Cơ cấu sở hữu của Saigonbank hiện nay bao gồm 4 cổ đông lớn chiếm hơn 65% vốn điều lệ là Văn phòng Thành ủy TP.HCM, Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM, Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận.
Triệt phá đường dây làm giả ‘thẻ ngành’ công an, quân đội để lập hồ sơ lừa đảo vay tiền ngân hàng
Mốc 1.230 điểm cản bước VN-Index, khối ngoại mua ròng trở lại