Sở hữu lợi thế độc nhất, Việt Nam có thể đưa ngành kinh tế nghìn tỷ USD thành động lực tăng trưởng mới
Sở hữu hơn 3.260 km bờ biển, gần 1 triệu km² vùng đặc quyền kinh tế và hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, Việt Nam được đánh giá nắm giữ “kho báu ngoài khơi” hiếm có, mở ra dư địa phát triển lớn nhờ ngành kinh tế quy mô nghìn tỷ USD.
Kinh tế biển đang trở thành từ khóa trọng điểm trong chiến lược phát triển dài hạn của Việt Nam. Theo báo cáo “Kinh tế - xã hội các địa phương ven biển giai đoạn 2011–2022” do Tổng cục Thống kê (GSO) công bố, GRDP của các địa phương ven biển tăng bình quân 6,12% mỗi năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước (6,06%). Không chỉ vậy, các tỉnh này hiện chiếm hơn 50% tổng GRDP, đóng góp 47,6% vào tăng trưởng kinh tế cả nước.
Tiềm năng này một lần nữa được khẳng định tại Hội thảo quốc tế về Đổi mới và phát triển biển bền vững (MSDI 2025) vừa diễn ra tại ĐH Nha Trang từ 25–27/7 khi nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã có những thảo luận sôi nổi về kinh tế biển Việt Nam.
Theo số liệu thống kê, Việt Nam có hơn 3.260 km đường bờ biển, gần 1 triệu km² vùng đặc quyền kinh tế, khoảng 3.000 hòn đảo lớn nhỏ và hàng chục vũng vịnh ven bờ có thể phát triển cảng nước sâu, du lịch, năng lượng tái tạo và logistics biển.
Ông Phạm Quốc Hoàn, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Khánh Hòa, dẫn báo cáo kinh tế đại dương toàn cầu cho biết quy mô nền kinh tế đại dương toàn cầu đạt 2.600 tỷ USD năm 2020, gấp đôi so với 1995 và vẫn tăng ổn định trung bình 3%/năm. Biển cũng là nơi vận chuyển hơn 80% hàng hóa toàn cầu và chứa 98% lưu lượng internet quốc tế nhờ hệ thống cáp ngầm.
Với lợi thế địa chính trị và địa kinh tế đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là một trong số ít quốc gia châu Á có thể tận dụng hiệu quả làn sóng đầu tư xanh, chuỗi cung ứng hàng hải, logistics và năng lượng gió ngoài khơi.
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới năm 2025, giá trị gia tăng gộp (GVA) từ các ngành kinh tế biển Việt Nam đã tăng từ 5,04% lên 5,83% GDP quốc gia trong vòng một thập kỷ. Lĩnh vực này hiện tạo ra khoảng 8% việc làm, chưa kể hệ sinh thái biển, ven biển đóng góp thêm khoảng 0,6% vào GVA.
![]() |
Kinh tế biển đang trở thành từ khóa trọng điểm trong chiến lược phát triển dài hạn của Việt Nam. (Ảnh minh họa) |
Trên phạm vi toàn quốc, Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, nước ta hướng đến mục tiêu đến năm 2030: Kinh tế biển và ngành ven biển đóng góp khoảng 10% GDP; GRDP của 28 tỉnh thành ven biển chiếm 65–70% GDP cả nước.
Tại địa phương, Khánh Hòa, một trong những địa phương có bờ biển dài nhất Việt Nam (490 km), tỉnh này đặt mục tiêu đưa tỷ trọng kinh tế biển trong GRDP vượt 10% vào năm 2030, thông qua 4 hướng ưu tiên: Phát triển nuôi trồng thủy sản biển quy mô công nghiệp; Đẩy mạnh du lịch biển cao cấp, thân thiện môi trường; Chuyển đổi số trong chế biến hải sản và quản lý tài nguyên; Ứng dụng công nghệ cao: công nghệ sinh học biển, robot dưới nước, hệ thống giám sát thông minh.
Ngoài ra, các dự án điện gió ngoài khơi với công suất hàng chục GW tại Bình Thuận, Bạc Liêu, Sóc Trăng, cùng hệ thống cảng nước sâu như Lạch Huyện, Cái Mép – Thị Vải đang tạo ra nền tảng hạ tầng vững chắc để kinh tế biển phát triển quy mô lớn và hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Với vị trí “ngã ba” của các tuyến hàng hải quốc tế, đường bờ biển trải dài và đa dạng sinh thái, Việt Nam không chỉ sở hữu “kho báu ngoài khơi” về tài nguyên mà còn đang nắm trong tay một chìa khóa tăng trưởng xanh – bền vững – dài hạn trong thập kỷ tới.