Sốc: Phát hiện mỏ vàng chứa hơn 200 tấn chất độc có thể xóa sổ nhân loại
Bên dưới lớp đất đóng băng là hàng vạn địa điểm ô nhiễm - từ bùn độc do hoạt động khai thác dầu khí, trại quân sự bỏ hoang, đến chất thải từ các mỏ khoáng.
Mỏ vàng bỏ hoang
Một mỏ vàng bỏ hoang ở Canada - Giant Mine, gần thành phố Yellowknife thuộc Vùng Lãnh thổ Tây Bắc - được cộng đồng người bản địa gọi là “quái vật đang ngủ”. Và lý do thật sự rùng mình: Nó chứa đến 237 tấn arsen trioxide - đủ khiến 1,7 nghìn tỷ người thiệt mạng.
Theo The Wall Street Journal, đây từng là một trong những mỏ vàng lớn nhất khu vực Northwest Territories. Sau khi đóng cửa vào năm 2004, 20.000 cư dân của Yellowknife hy vọng chất thải arsen độc hại sẽ được niêm phong trong các hang động dưới lòng đất và lớp băng vĩnh cửu sẽ giữ chúng mãi mãi an toàn.
Nhưng biến đổi khí hậu và hoạt động khai khoáng đã khiến lớp băng tan chảy, đe dọa đẩy chất độc vào hồ nước ngọt gần đó, tràn qua sông và đổ ra Bắc Băng Dương - đầu độc đất, nước và sinh vật hoang dã trên đường đi.
Và Giant Mine không phải là trường hợp cá biệt. Nó chỉ là một trong hàng chục nghìn điểm nóng ô nhiễm đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát chất độc khi băng tan - một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ với những ai đang khao khát khai thác tài nguyên từ vùng Bắc Cực giàu khoáng sản này.
“Người ta thường hình dung Bắc Cực là vùng đất hoang sơ với những dòng sông trong vắt và động vật chưa từng bị con người xâm phạm. Nhưng thực tế phía sau lại u ám hơn nhiều”, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) nhận định.
Bên dưới lớp đất đóng băng là hàng vạn địa điểm ô nhiễm - từ bùn độc do hoạt động khai thác dầu khí, trại quân sự bỏ hoang, đến chất thải từ các mỏ khoáng. Trong nhiều trường hợp, các đơn vị khai thác chỉ đơn giản tin rằng băng vĩnh cửu sẽ giữ an toàn mọi thứ và phớt lờ biện pháp xử lý triệt để.
Nay, khi Bắc Cực đang nóng lên gấp bốn lần tốc độ toàn cầu, các chất độc này đang bắt đầu rò rỉ. Ở Alaska, nhiều con sông từng trong xanh giờ chuyển sang màu cam gỉ sắt do các kim loại nặng như sắt, kẽm, đồng, niken và chì - trước đây bị chôn sâu trong băng - nay đã tràn ra ngoài.

Thảm họa thủy ngân và sự nguy hiểm vĩnh viễn
Không chỉ kim loại công nghiệp, một lượng lớn các chất độc như thủy ngân cũng tồn tại tự nhiên trong đất băng vĩnh cửu. Các nhà khoa học gọi mức thủy ngân được phát hiện là “đáng lo ngại”, nhất là khi nó có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho hệ thần kinh - đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.
“Đất băng vĩnh cửu chứa nhiều thủy ngân hơn toàn bộ lượng đất khác trên hành tinh này, cộng thêm cả lượng trong đại dương và bầu khí quyển. Nó như một quả bom sắp phát nổ”, nhà nghiên cứu Josh West cảnh báo.
Cơn sốt khai thác khoáng sản tại Bắc Cực
Theo The Wall Street Journal, những phát biểu gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc “thâu tóm Greenland” và “sáp nhập Canada” đã góp phần thúc đẩy cơn sốt khai thác khoáng sản tại Bắc Cực.
Giới khai khoáng đang đổ xô tới các vùng đất từng bất khả xâm phạm để giành giật các nguyên tố đất hiếm - nguồn tài nguyên thiết yếu cho điện thoại thông minh, xe điện và công nghệ năng lượng sạch. Tuy nhiên, đi kèm với tiềm năng kinh tế là những rủi ro và chi phí khổng lồ về môi trường, kéo dài hàng thế kỷ.
Chi phí khắc phục hậu quả môi trường tại mỏ vàng Giant Mine hiện đã vượt mốc 3,2 tỷ USD (tương đương 2,4 tỷ bảng Anh) - trở thành một trong những dự án xử lý mỏ đắt đỏ nhất trong lịch sử Canada. Đây không phải là nhiệm vụ ngắn hạn: Chính phủ Canada dự kiến phải bảo trì hệ thống ngăn độc này trong ít nhất 100 năm. Nhiều nhà hoạt động và nhà khoa học lo ngại rằng mối hiểm họa từ mỏ sẽ không bao giờ biến mất.
Và Giant Mine chỉ là một trong số hàng 24.000 địa điểm ô nhiễm lâu dài được Chính phủ Canada thống kê. Năm ngoái, một mỏ khác tại vùng Yukon đã gây ra thảm họa tràn chất độc gồm kẽm và cyanide ra môi trường tự nhiên và nguồn nước lân cận.
Tại Giant Mine, các đội thi công đã tháo dỡ thiết bị nhiễm arsen, ổn định cấu trúc hầm mỏ và đang chuẩn bị xây dựng nhà máy xử lý nước. Một trong những biện pháp then chốt là “đóng băng trở lại” chất độc: Khoan sâu các ống kim loại xuống lòng đất, rút nhiệt bằng khí CO2 và bơm luồng khí lạnh để giữ arsen trong các khối băng. Những khối băng này được kỳ vọng sẽ mất nhiều năm mới tan chảy.
Chính phủ Canada đánh giá đây là cách “hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất” để đối phó với khối chất độc khổng lồ. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời bởi arsenic không phân hủy theo thời gian. Mỏ Giant sẽ mãi mãi mang tính độc hại.
Tham khảo The Week