Thế lực ngầm lặng lẽ thâu tóm các mỏ vàng trên khắp thế giới
Trong bối cảnh giá vàng biến động mạnh do căng thẳng thương mại toàn cầu, một trong những công ty khai thác vàng tư nhân lớn nhất Trung Quốc cho biết đang chủ động tìm kiếm cơ hội mua lại các mỏ vàng trên thế giới, song sẽ không vội vã xuống tiền.
“Hiện có rất nhiều dự án trên thị trường mà chủ sở hữu sẵn sàng bán”, bà Lydia Yang, CEO của Chifeng Jilong Gold Mining Co., cho biết trong cuộc phỏng vấn trực tuyến từ Bắc Kinh hôm thứ Năm. “Năm nay dường như còn có nhiều cơ hội M&A hơn so với các năm trước”.

Chifeng Gold – tên gọi phổ biến của doanh nghiệp này – đã mở rộng sản lượng khai thác nhanh chóng cả ở Trung Quốc và nước ngoài, trở thành nhà sản xuất vàng không thuộc sở hữu nhà nước lớn nhất Trung Quốc. Tổng sản lượng hàng năm của công ty đã tăng vọt từ khoảng 2 tấn (năm 2019) lên 15,2 tấn vào năm ngoái, nhờ khai thác tại năm mỏ trong nước cùng hai mỏ ở Ghana và Lào, trong đó mỏ Ghana được mua lại năm 2021.
Trước làn sóng tăng giá kỷ lục của vàng trong ba năm gần đây, các công ty khai thác vàng Trung Quốc – quốc gia sản xuất vàng lớn nhất thế giới – đang ngày càng cạnh tranh quyết liệt với các “ông lớn” quốc tế để mở rộng hiện diện toàn cầu thông qua các thương vụ M&A.
Như một phần trong chiến lược toàn cầu hóa, Chifeng Gold đã niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hồng Kông hồi tháng 3, huy động được 2,82 tỷ đô la Hồng Kông (tương đương 361 triệu USD) – và cổ phiếu công ty đã tăng tới 80% kể từ đó.
“Hồng Kông giúp chúng tôi tiếp cận nguồn vốn trực tiếp – một lợi thế lớn khi chúng tôi phát hiện ra cơ hội đầu tư hấp dẫn và cần hành động nhanh,” bà Yang nói.
Trong bối cảnh sản lượng vàng toàn cầu gần như đi ngang ở mức tương đương năm 2018, trong khi hoạt động khai thác mới (greenfield exploration) trì trệ, nhiều doanh nghiệp sở hữu các tài sản đã cũ coi M&A là con đường hiệu quả nhất để duy trì tăng trưởng.
Theo tính toán, giá trị các thương vụ vàng (đã hoàn tất và đang đề xuất) trong năm 2024 tăng gần 25%, chiếm hơn một nửa tổng giá trị giao dịch của toàn bộ ngành kim loại.
Tuy nhiên, bà Yang nhấn mạnh rằng Chifeng đang theo đuổi một chiến lược thận trọng trong ngắn hạn, giữa lúc giá vàng biến động mạnh. Sau khi chạm mức kỷ lục 3.500 USD/ounce vào tháng trước, giá vàng đã giảm khoảng 8% khi kỳ vọng cải thiện quan hệ Mỹ-Trung khiến nhu cầu trú ẩn vào kim loại quý suy yếu.
“Khi giá đang ở mức cao, rất khó xác định mức định giá hợp lý vì người bán thường có kỳ vọng cao hơn,” bà Yang nói. “Tốt hơn hết là nên chờ thị trường ổn định trở lại”.
Bà cũng cho biết Chifeng không có kế hoạch mở rộng sang các loại tài nguyên khác, đồng nghĩa công ty sẽ tiếp tục tập trung thuần túy vào vàng, ít nhất trong thời gian tới.