Ngoài kết quả kinh doanh, điều nhà đầu tư quan tâm nhất hiện tại là trạng thái nợ nần của Novaland đang như thế nào.
Novaland (mã chứng khoán NVL) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 và cả năm 2022. Ngoài thông tin kết quả kinh doanh, điều nhà đầu tư quan tâm nhất hiện tại là trạng thái nợ nần của doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam hiện nay đang như thế nào.
Tổng nợ phải trả vẫn ở mức cao 212 nghìn tỷ đồng, cơ cấu nợ dịch chuyển
Theo báo cáo tài chính kết thúc năm 2022, dư nợ phải trả của Novaland hiện còn hơn 212 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng so với cuối quý 3/2022. So với tổng dư nợ, mức giảm nợ trong quý cuối cùng năm 2022 của Novaland chỉ chiếm tỷ trọng rất thấp chỉ đạt 1,2%.
Tuy nhiên, xét kỹ cơ cấu nợ của Novaland có thể thấy sự chuyển dịch đáng kể. Cụ thể:
Hạng mục tín dụng của người bán (phải trả người bán ngắn hạn) tăng từ 6.268 tỷ đồng cuối quý 3 lên 10.453 tỷ đồng cuối quý 4/2022. Tức, người bán đã cho Novaland nợ thêm 4.185 tỷ đồng.
Hạng mục người mua trả tiền trước cũng tăng thêm gần 1.100 tỷ lên mức 15.963 tỷ đồng.
Chi phí phải trả ngắn hạn cũng tăng thêm 1.255 tỷ đồng lên mức 8.118 tỷ đồng.
2 hạng mục giảm sâu dư nợ là “Phải trả ngắn hạn khác" và “vay ngắn hạn” với mức giảm lần lượt là 3.636 tỷ đồng và 4.600 tỷ đồng.
Các số liệu kể trên cho thấy, trong quý 4/2022, dù tổng dư nợ của Novaland giảm không đáng kể so với cuối quý 3/2022 nhưng cơ cấu nợ đã chuyển dịch khoảng 8.000 tỷ từ việc tăng thêm 3 hạng mục “Phải trả người bán ngắn hạn”, “người mua trả tiền trước ngắn hạn” và “chi phí phải trả ngắn hạn” và giảm ở hạng mục phải trả ngắn hạn khác và vay ngắn hạn. Điều này phần nào giúp Novaland giảm bớt áp lực lãi suất khi thông thường tín dụng từ người bán và người mua sẽ ít/không phải chịu nhiều chi phí lãi suất trong khi đó, nợ vay ngân hàng/tổ chức tín dụng phải chịu áp lực trả lãi.
Các ngân hàng thương mại đang cho NovaLand vay hơn 11.000 tỷ đồng và mua hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu Novaland
Trong tổng số 25.500 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và hơn 39.000 tỷ đồng vay dài hạn của Novaland, hệ thống ngân hàng đang là chủ nợ lớn khi cho vay ngắn hạn 3.388 tỷ đồng và cho vay dài hạn 7.631 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cũng cho Novaland vay mạnh thông qua kênh trái phiếu.
Credit Suisse là chủ nợ cho vay ngắn hạn lớn nhất với dư nợ 1.905 tỷ đồng.
Tuy nhiên, áp lực lớn nhất cho việc trả nợ của Novaland trong ngắn hạn lại là trả nợ trái phiếu. VPBank là chủ nợ trái phiếu lớn nhất của Novaland trong ngắn hạn. Theo dữ liệu báo cáo tài chính, Novaland sắp sửa phải trả trong năm 2023 cho VPBank khoản nợ trái phiếu 7.000 tỷ đồng và đây là trái phiếu được đảm bảo bằng quyền tài sản liên quan đến một dự án tại Quận 2, TP.HCM. Ngoài ra, Novaland cũng nợ 1.100 tỷ đồng trái phiếu đối với VPBank chi nhánh TP.HCM với đảm bảo bằng quyền sử dụng đất và tài sản của một phần dự án tại Biên Hòa, Đồng Nai.
Không chỉ ngân hàng thương mại, Novaland hiện còn nợ trái phiếu rất nhiều công ty chứng khoán và đa phần trái phiếu do công ty chứng khoán thu xếp được đảm bảo bởi cổ phần Công ty sở hữu bởi cổ đông.
Hiểu đúng về khoản 'hợp đồng hợp tác đầu tư' của Novaland (NVL) sau quý III
Kiểm toán PwC bị Novaland chấm dứt hợp đồng sau gần 10 năm hợp tác: Lý do là gì?