Đại diện các bộ, cơ quan đều nhận định cần khẩn trương hoàn thiện dự thảo sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 của Quốc hội về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để trình Quốc hội sớm ban hành.
Đây là nhận định của các bộ, cơ quan tại hội nghị Thủ tướng làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc Ủy ban về giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, góp phần thực hiện kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội sáng 18/3.
Theo đó, Bộ Chính trị đã có kết luận đồng ý chủ trương mô hình Uỷ ban là cơ quan thuộc Chính phủ, chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2022 đã đưa ra quan điểm và các nhiệm vụ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty trong phát triển kinh tế-xã hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thống nhất về xây dựng, trình Quốc hội dự án sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 để kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Từ những căn cứ trên, giải pháp căn bản, lâu dài đối với Uỷ ban là phối hợp nghiên cứu, sửa đổi quy định của Luật số 69/2014/QH13 để đẩy mạnh phân công, phân cấp cho Hội đồng thành viên, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho hoạt động của doanh nghiệp và Uỷ ban. Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cũng cho biết, Bộ đang hoàn thiện hồ sơ sửa đổi quy định của Luật số 69/2014/QH13 để trình Chính phủ xem xét, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Bùi Văn Thạch đánh giá rất cao việc Chính phủ tổ chức sớm hội nghị này để thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, đồng thời cho rằng cần triển khai càng sớm càng tốt việc sửa đổi các quy định của Luật số 69/2014/QH13 để xử lý các khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở tiếp tục phát huy hiệu quả phối hợp rất tốt thời gian qua giữa Chính phủ và Quốc hội trong việc sửa đổi nhiều luật, ban hành các nghị quyết…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá các tập đoàn, tổng công ty đã có nhiều đóng góp quan trọng để bảo đảm các cân đối lớn, đóng góp ngân sách, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội… Tuy nhiên, các doanh nghiệp này còn chưa thể hiện được nhiều vai trò dẫn dắt, định hướng các thành phần kinh tế khác, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế còn yếu…
Phân tích thêm về các nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng cần tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là Luật số 69/2014/QH13; sớm hoàn thiện mô hình Uỷ ban; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền chủ động nhiều hơn cho doanh nghiệp gắn với tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra…; xác định và làm rõ hơn nữa vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế…
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đề nghị các doanh nghiệp nhà nước phải khẩn trương, nghiêm túc triển khai chuyển đổi số, xác định rõ mục tiêu trong chuyển đổi số, cụ thể là giảm được 30% khối lượng công việc hiện hữu nhờ các nền tảng số, tiến tới 50%; đồng thời, mở rộng không gian kinh doanh mới là mục tiêu hàng đầu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Doanh nghiệp nhà nước phải đóng vai trò dẫn dắt trong ngành, lĩnh vực hoạt động, nhất là những lĩnh vực mới, khó; muốn vậy, phải mạnh dạn áp dụng cơ chế Sandbox (thể chế thử nghiệm có kiểm soát)…
Về nội dung này, trong kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, báo cáo Thường vụ Quốc hội, phấn đấu trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 5 và thông qua vào kỳ họp thứ 6 cuối năm 2023 để sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
Thủ tướng: Quản lý doanh nghiệp, không can thiệp sâu vào F3, F4