Sống chung với người hút thuốc cần sàng lọc ung thư phổi
Trong gia đình có người hút thuốc lá, các thành viên khác đều có nguy cơ ung thư phổi và cần khám sàng lọc bệnh định kỳ.
Mới đây, Bệnh viện K (Hà Nội) tiếp nhận nam thanh niên 24 tuổi bị ung thư phổi. Theo gia đình, người bệnh không hút thuốc, tiền sử gia đình không ai mắc ung thư.
Tuy nhiên, bố và ông nội của bệnh nhân đều hút thuốc trên 20 năm. Các bác sĩ cho rằng bản thân người bệnh không hút nhưng lại hít khói thuốc lá thụ động.
Ung thư phổi là một trong 3 bệnh ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư ở phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ 2 sau ung thư gan gan, ước tính mỗi năm có khoảng 23.000 trường hợp mắc mới, gần 21.000 ca tử vong và con số này không ngừng tăng lên.
Tiến sĩ Đỗ Hùng Kiên, Phó giám đốc Bệnh viện K, cho biết hút thuốc lá còn gây ung thư bàng quang, hạ họng, khoang miệng…
Trong gia đình có người hút thuốc lá, những người sống chung đều có nguy cơ ung thư phổi. Thực tế, Bệnh viện K ghi nhận một tỷ lệ lớn bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi mặc dù không hút thuốc lá.
Nhiều người lầm tưởng nicotine trong thuốc lá gây ung thư nhưng chất này chỉ gây nghiện. Thuốc lá có 7.000 chất gây độc và có ít nhất 69 chất được biết tới có khả năng gây ung thư như Hydrocarbon thơm đa vòng (PAH), chất benzopyzen 3-4.
Ngoài thuốc lá, ung thư phổi còn liên quan tới các yếu tố môi trường sống, khí hậu, bụi amiăng (người làm trong nghề sản xuất tấm lợp amiăng), crom, niken, bụi công nghiệp.
Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi được sàng lọc phát hiện sớm còn rất thấp. Bác sĩ Kiên khuyến cáo người hút thuốc có nguy cơ cao nên cần sàng lọc hằng năm, chụp phổi bằng CT liều thấp. Nếu trong gia đình có người hút thuốc lá trên 20 năm, các thành viên khác nên khám sàng lọc, kiểm tra định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Ung thư phổi ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng hoặc rất mờ nhạt. Khi có triệu chứng, bệnh đã ở giai đoạn muộn. Dưới đây là những dấu hiệu của ung thư phổi không thể bỏ qua: ho khan kéo dài, ho ra máu, đau ngực âm ỉ, khó thở, khó nuốt, sút cân không rõ nguyên nhân.
Khi có một số biểu hiện trên, người dân cần đến cơ sở y tế để kiểm tra và tìm ra nguyên nhân cụ thể, nếu phát hiện sẽ được can thiệp sớm, giảm nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Bác sĩ khuyến cáo người chưa hút thuốc lá, hãy chủ động tránh sử dụng. Người đã hút thuốc, hãy bỏ càng sớm càng tốt vì sức khỏe của chính mình, gia đình và những người xung quanh.
>>Tìm thấy hợp chất chống ung thư có trong nhiều món ăn quen thuộc của người Việt
Tìm thấy hợp chất chống ung thư có trong nhiều món ăn quen thuộc của người Việt
Loại quả nhỏ nhưng giàu vitamin C gấp 10 lần táo, giúp giảm nguy cơ tiểu đường, chống ung thư