Sống giữa kho ‘vàng xanh’, người dân vùng cao Thanh Hóa vẫn nghèo

08-12-2023 07:07|PV

Thanh Hóa là địa phương có diện tích trồng tre, luồng nhiều nhất cả nước. Kinh tế từ cây lâm sản này chỉ giải quyết được cái khó khăn trước mắt, người dân vẫn chưa thể làm giàu.

Cật lực mới kiếm được 200 nghìn/ngày

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 78.000ha diện tích trồng tre, luồng, chiếm hơn 50% diện tích luồng của cả nước, tập trung ở các huyện miền núi, như: Ngọc Lặc, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa…

Lang Chánh được xem là “thủ phủ” của cây tre, luồng với diện tích gần 14.000ha, 80% người dân sinh sống bằng nghề này. Mặc dù cây luồng ở Thanh Hóa được ví như “vàng xanh”, tuy nhiên người dân nơi đây lại vẫn đang rất khó khăn. Cây luồng cũng chỉ mới dừng ở việc mang lại thu nhập tức thời.

W-1hhhhhhhhhhh.jpg
Ông Nghị bên rừng luồng của gia đình

Ông Vi Hồng Nghị (63 tuổi) ở thôn Tân Thủy, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh đã gắn bó với cây luồng hơn 40 năm qua. Nhà ông Nghị có hơn 7ha rừng luồng. Trước đây diện tích rừng này cũng chỉ thu hoạch manh mún, hàng ngày vợ chồng ông lên rừng chặt 5-7 cây về bán đong gạo và mua thức ăn trong ngày. Nhất là vào mùa giáp hạt, cây luồng được xem là “cứu cánh” cho người dân nơi đây.

Những năm gần đây, nhà máy chế biến lâm sản nhiều nên cây luồng cũng có giá hơn. Chính vì vậy, với diện tích rừng luồng của nhà ông, mỗi năm cũng cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Cũng nhờ có cây luồng mà vợ chồng ông Nghị có tiền nuôi được 5 đứa con ăn học.

Cũng theo ông Nghị, mặc dù cây luồng là chủ lực ở địa phương, nhưng nó chưa thể là cây làm giàu. Bởi, hầu hết các rừng luồng đều có diện tích lớn, rừng có độ dốc cao không có đường lâm nghiệp lên để khai thác, nên người dân chỉ khai thác được bằng phương pháp thủ công, nhỏ lẻ.

Đơn cử như ông, mỗi buổi lên núi ông cũng chỉ chặt và kéo xuống được vài ba cây mỗi lần. Mỗi ngày may ra cũng chỉ được khoảng chục cây luồng. Không chỉ khó khăn trong quá trình khai thác, nhà máy chế biến lâm sản lại ít, nên vùng nguyên liệu thừa rất nhiều, người dân trồng luồng lại bị ép giá rất thấp. Làm cật lực cả ngày, thu nhập từ luồng cũng chỉ được 150.000-200.000 đồng.

W-2hhhhhhhhhhhh.jpg
Thanh Hóa có diện tích trồng tre, luồng lớn nhất cả nước

Ông Lê Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tân Phúc, cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 2.000ha rừng tre, luồng, hơn 90% người dân chủ yếu sống dựa vào loại cây này.

“Mặc dù xã có diện tích rừng luồng lớn, nhưng thu nhập của bà con cũng không cao. Xã tuy không còn hộ đói, nhưng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao”, ông Phú nói.

Theo ông Phú, có năm người dân chặt luồng bán lấy tiền tiêu Tết nhưng sản phẩm không bán được nên luồng chất đầy ven đường. "Chúng tôi mong muốn nhà máy chế biến tre, luồng sớm phát huy hiệu quả hoạt động để doanh nghiệp thu mua sản phẩm cho dân với giá cao hơn, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, người dân mới có hy vọng cải thiện thu nhập", ông bày tỏ.

W-3hhhhhhhhhhhh.jpg
Một ngày làm cật lực người dân cũng chỉ kiếm được 200 nghìn đồng/ngày nhờ vào luồng.

Cần liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất

Ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh, thông tin, luồng được trồng trên địa bàn huyện từ năm 1960. Hiện toàn huyện có gần 14.000ha tre, luồng, chủ yếu ở các xã Tân Phúc, Tam Văn, Lâm Phú, Trí Nang, Giao An, Giao Thiện, Đồng Lương và thị trấn Lang Chánh.

Theo ông Tiến, trong những năm qua, cây luồng góp phần nâng cao cơ cấu kinh tế của ngành nông - lâm nghiệp, góp phần tăng tỷ trọng kinh tế của huyện Lang Chánh. Tuy nhiên, hiệu quả từ cây luồng chưa thực sự cao. Nguyên nhân chủ yếu do việc khai thác luồng còn theo kiểu rải rác, các sản phẩm luồng bán ra chủ yếu ở dạng thô, manh mún.

W-4hhhhhh.jpg
Việc khai thác, thu mua còn manh mún khiến người dân chưa thể giàu lên nhờ luồng.

“Cây tre, luồng mới chỉ giúp các địa phương trong huyện xóa đói, giảm nghèo. Thực chất, người dân chưa thể giàu vì cây luồng. Muốn người dân giàu lên được thì cây tre, luồng phải trở thành hàng hóa quy mô lớn”, ông Tiến chia sẻ.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Thanh Hóa, mặc dù là địa phương có diện tích rừng tre, luồng lớn nhưng mới có 7 cơ sở chế biến sâu (7/57 cơ sở chế biến, chiếm 12%) do còn có nhiều hạn chế trong sản xuất. Hình thức liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất chưa phát triển, các nhà máy chế biến chưa gắn kết với vùng nguyên liệu. Việc ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu.

W-5hhhhhhhhhh.jpg
Nhà máy chế biến lâm sản từ tre, luồng còn hạn chế, chưa chuyên sâu

Ngoài ra, sản phẩm làm từ cây luồng chủ yếu là sản phẩm thô hoặc làm nguyên liệu trung gian, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, giá trị hàng hóa sau chế biến chưa cao. Tỷ lệ nguyên liệu đưa vào chế biến còn thấp (ước đạt 40%), sản phẩm chế biến mới chỉ ở dạng sơ chế nên giá trị sản xuất thấp, gây lãng phí tài nguyên.

“Để phát triển tre, luồng trở thành vùng hàng hóa tập trung, nâng cao thu nhập cho bà con, ngoài các giải pháp thâm canh, tăng năng suất, các địa phương trong tỉnh cần thúc đẩy việc cấp chứng chỉ rừng FSC gắn chế biến với xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu trong nước và thế giới, góp phần nâng cao giá trị cây luồng.

Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh hoạt động thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, công nghệ sản xuất hiện đại gắn với chế biến. Hạn chế việc chế biến thô, giá trị thấp, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập của người dân”, lãnh đạo Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết.

Một huyện miền núi được phê duyệt dự án nhà máy 3.200 tỷ đồng

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/song-giua-kho-vang-xanh-nguoi-dan-vung-cao-thanh-hoa-van-ngheo-2223619.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Sống giữa kho ‘vàng xanh’, người dân vùng cao Thanh Hóa vẫn nghèo
    POWERED BY ONECMS & INTECH