Sống tạm trong các tòa nhà tróc lở, rác bủa vây giữa ‘đất vàng’ Thủ đô
Nhà ẩm thấp, từ trong ra ngoài tróc lở nhiều mảng, sân chơi biến thành bãi đậu xe chật kín... là hiện trạng tại nhiều khu tái định cư với hàng nghìn căn hộ ở Hà Nội, khiến người dân sống trong nỗi bất an.
Nhếch nhác, ngày càng xuống cấp
Khu tái định cư A6 Nam Trung Yên (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) gồm 4 tòa nhà cao 11 tầng với 440 căn hộ, được đưa vào sử dụng từ năm 2010.
Khu nhà này tọa lạc ở vị trí “đất vàng” trên địa bàn quận Cầu Giấy, là nơi sinh sống của hàng trăm hộ dân sau khi bàn giao giải phóng mặt bằng tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài, dự án mở rộng đường Ô Chợ Dừa, khu vực giãn dân hồ Hoàn Kiếm (quận Ba Đình), mở rộng tuyến đường Trường Chinh thuộc phường Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng (quận Thanh Xuân).
Đến nay, cả 4 tòa nhà đều xuống cấp nghiêm trọng. Phía ngoài, nhìn bằng mắt thường có thể thấy rất nhiều mảng tường bong tróc, lộ ra phần gạch và bê tông bên trong.
Năm 2012, gia đình anh Nguyễn Đức Hiệp nhận bàn giao 2 căn hộ tại khu A6 Nam Trung Yên, thuộc diện nhà tái định cư, phục vụ cho dự án giải phóng mặt bằng tại Ô Chợ Dừa. Căn hộ rộng 42,5m2 của gia đình anh hiện có 5 người sinh sống.
Anh Hiệp cho biết, đường ống nước chạy qua tường nhà đã hỏng nhiều năm, nước thấm khiến tường ẩm mốc, bong tróc lớp vữa. Gia đình nhiều lần kiến nghị lên ban quản lý tòa nhà nhưng kết quả báo lại là khó khắc phục vì đường ống nằm sâu trong tường, nếu muốn sửa chữa buộc phải đập phá.
Trong nhà ẩm mốc, tường nhà chằng chịt những miếng xốp dán tạm. Đồng hồ nước cài lại bằng thanh tre tạm bợ.
Ở ngay tầng 1, khu vực cầu thang ngoài trời, rác thải ngổn ngang bốc mùi hôi thối.
Còn khu vực sân chơi, tập thể dục nay trở thành bãi đỗ xe máy, ô tô. Anh Hiệp chia sẻ, các tòa nhà ở đây không có hầm để xe. Nơi để xe tại tầng 1 chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu của cư dân, vì vậy đã "mọc" ra bãi đỗ xe ngay dưới sân nhà.
Trong khi đó, Khu tái định cư Thành phố Giao lưu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) gồm 3 khối nhà CT1 A, B, C; được đưa vào sử dụng từ năm 2014. Sau 10 năm sử dụng, nhiều hạng mục trong các khối nhà xuống cấp nhanh chóng.
Phía hành lang, cầu thang thoát hiểm... trở thành kho chất đồ của nhiều hộ gia đình. Trần Thùy T. (cư dân tại đây) cho biết, trước đó gia đình cô sống trong căn tập thể xuống cấp thuộc diện nguy hiểm cần di dời tại đường Ngọc Khánh (quận Ba Đình). Sau khi có thông báo, gia đình được cấp 1 căn hộ rồi chuyển về đây ở.
"Nhiều lần cư dân bỏ tiền ra sơn sửa lại toàn bộ hành lang của tầng hoặc sửa đường nước, sửa thang máy... vì tự làm còn nhanh hơn", T. nói.
Tường nhà phía trong ẩm mốc, tróc lở. Khu vực để xe nước nhỏ lênh láng xuống các phương tiện.
Khu vực dưới sân ô tô đỗ tràn lan. Các tấm biển cấm đỗ xe lâu ngày hoen rỉ, chữ mờ gần như vô tác dụng và chẳng mấy ai để ý.
Chung cư tái định cư Đồng Tàu bao gồm 10 tòa nhà (N1-N10), nằm trên địa bàn phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Nơi này được đưa vào sử dụng từ năm 2006 nhằm phục vụ tái định cư cho dự án nút giao thông Ngã Tư Sở và cải tạo bờ sông Tô Lịch.
Khu tái định cư Đồng Tàu có diện tích gần 10ha, với gần 700 căn hộ, phục vụ hàng nghìn người dân sinh sống. Tuy nhiên đến nay, những khối nhà ở đây cũng trong tình trạng xuống cấp.
Bên dưới sân chung, rác thải ngổn ngang, nhếch nhác. Người dân tại đây cho biết các bình cứu hỏa ngoài trời đã trống không từ lâu.
Trong 3 năm gần đây, các ki-ốt bán hàng ở toà nhà N1, N4, N9, N10 bị bỏ trống sau khi cưỡng chế thu hồi, gây lãng phí. Hiện những ki-ốt này đóng cửa kín mít, trở thành nơi chất đồ.
Khó bảo trì nhà ở tái định cư
Trao đổi với VietNamNet, lãnh đạo một doanh nghiệp tại Hà Nội nói cho rằng chất lượng nhà tái định cư là vấn đề tồn tại khá lâu. Rất nhiều nhà tái định cư bị xuống cấp nhanh, thậm chí vừa bàn giao đã xuống cấp.
“Đó là sự bất cập ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người tái định cư, khiến người dân không sẵn sàng với việc nhận và an cư ở dự án tái định cư” - vị này nói.
Đại diện Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội - đơn vị được giao quản lý gần 170 nhà tái định cư ở Thủ đô - cho hay, các tòa nhà công ty tiếp nhận được xây dựng từ năm 2015 trở về trước, nhiều khu xây từ những năm 2000. Các căn hộ công ty bàn giao cho hộ dân tái định cư gần như đã lấp đầy, số căn hộ trống không đáng kể.
Tuy nhiên, đại diện công ty thừa nhận, do các tòa nhà được xây dựng từ lâu nên tình trạng xuống cấp là phổ biến, đặc biệt là khu Đền Lừ, Đồng Tàu. Việc sửa chữa, bảo trì thường nhỏ lẻ, theo vụ việc, chủ yếu là sửa chữa các hạng mục cấp bách như thang máy, hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Liên quan đến công tác bảo trì nhà tái định cư, trả lời PV VietNamNet, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện quỹ nhà này đang thực hiện bảo trì theo quyết định số 18 năm 2018 của UBND TP. Trong đó quy định hỗ trợ bảo trì phần diện tích, thiết bị thuộc sở hữu chung của nhà chung cư tái định cư bao gồm các hạng mục thang máy, hệ thống PCCC, máy bơm nước, máy phát điện, hệ thống chống sét, mặt ngoài.
Đối với các phần diện tích sở hữu riêng và các hạng mục khác (ngoài 6 hạng mục trên), toà nhà lấy từ nguồn kinh phí bảo trì 2% (nếu có) hoặc chủ căn hộ đóng góp thực hiện.
Theo Sở Xây dựng, năm 2024, Sở đã phê duyệt kế hoạch bảo trì quỹ nhà tái định cư trên địa bàn thành phố.
Đại diện Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội cho biết, sau khi UBND TP phê duyệt dự toán thu chi quản lý vận hành quỹ nhà, công ty sẽ triển khai các thủ tục để bảo trì.
Vị này cũng cho hay, do phát sinh vướng mắc liên quan đến các quy định, đến nay công ty chỉ được UBND TP phê duyệt dự toán các hạng mục cấp bách, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc đảm bảo thực hiện duy trì hoạt động thường xuyên đối với các quỹ nhà như thang máy, máy phát điện, PCCC, chống sét, máy bơm nước.
“Để giải quyết vướng mắc, chúng tôi đề nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh các quy định phù hợp quỹ nhà, hoặc cơ chế đặc thù đối với công tác bảo trì quỹ nhà” - vị này nêu ý kiến.
Ngoài ra, việc tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị, quản lý, cung cấp dịch vụ quản lý vận hành cũng gặp nhiều khó khăn.
Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội đang thực hiện việc thu phí dịch vụ nhà chung cư, mức giá tối thiểu 1.200 đồng/m2/tháng để tránh thất thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, đơn vị này đánh giá, mức thu như vậy không đảm bảo chi phí hoạt động quản lý vận hành theo Thông tư 02 năm 2016 của Bộ Xây dựng.
“Công ty đã xây dựng phương án quản lý vận hành và giá dịch vụ nhà chung cư, được Sở Xây dựng xem xét và cho ý kiến vào tháng 9/2022. Sau đó, chúng tôi đã tổ chức họp mời UBND các phường, ban quản trị, ban đại diện khu dân cư để công khai thông báo phương án này đến các chủ sở hữu, người sử dụng. Tuy nhiên, phần lớn ban quản trị không thống nhất với giá dịch vụ nhà chung cư và cũng không lựa chọn đơn vị quản lý vận hành khác - vị đại diện thông tin.
Trước thực tế trên, công ty đề xuất Sở Xây dựng báo cáo UBND TP chấp thuận cho công ty ngừng cung cấp dịch vụ quản lý vận hành với các tòa nhà không thống nhất về giá dịch vụ mà Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội đưa ra, không ký hợp đồng với công ty và cũng không lựa chọn đơn vị quản lý vận hành khác.
Phương thức được công ty đề xuất là công ty sẽ một lần nữa tổ chức hội nghị nhà chung cư để thông báo giá dịch vụ quản lý vận hành. Sau 15 ngày kể từ ngày thông báo giá nếu ban quản trị không có phản hồi thì công ty ra thông báo ngừng cung cấp dịch vụ quản lý vận hành đối với toà nhà đó.
Trường hợp không chấp thuận việc ngừng cung cấp dịch vụ, công ty đề xuất có phương án cấp bù kinh phí thiếu hụt để công ty hoàn thành nhiệm vụ được giao và đảm bảo cân đối thu chi.
Bài sau: Sở Xây dựng Hà Nội nói gì về việc hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang?
>>Hé lộ quy hoạch hai khu 'đất vàng' chuẩn bị đấu giá tại tỉnh nhỏ nhất Đông Nam Bộ
Sau khi hoàn thiện, khu tái định cư tại sân bay lớn nhất Việt Nam vẫn còn dư 1.800 lô đất
Tỉnh có thành phố án ngữ ở nút giao của 7 con kênh sắp có khu tái định cư 461 tỷ đồng