STAPIMEX: 18 năm chưa niêm yết và 'cuộc chơi không kèn trống' nhưng vẫn vươn lên top 1 xuất khẩu ngành tôm
Khởi đầu từ một xưởng sơ chế tôm nhỏ, sau nhiều năm hoạt động, STAPIMEX đã trở thành doanh nghiệp đầu tàu ngành tôm Việt Nam đi ra thế giới.
Khởi đầu khiêm tốn
CTCP Thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) được thành lập từ năm 1978, là một trong những đơn vị chế biến tôm xuất khẩu đầu tiên tại Việt Nam. Từ những bước đi sơ khai, STAPIMEX đã phát triển vượt bậc, trở thành cái tên quen thuộc trên bản đồ xuất khẩu thủy sản quốc tế.
Khởi đầu là một xưởng sơ chế tôm nhỏ, STAPIMEX được thành lập với mục tiêu đáp ứng nhu cầu xuất khẩu tôm nguyên liệu tự nhiên. Năm 1993, công ty đổi tên thành Công ty Thủy sản Xuất nhập khẩu Tổng hợp Sóc Trăng, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng sau khi tỉnh Sóc Trăng được tách từ Hậu Giang. Với thị trường xuất khẩu ban đầu là Nhật Bản, công ty dần đưa sản phẩm vào Mỹ sau khi hai quốc gia bình thường hóa quan hệ kinh tế.
Đến năm 1998, kim ngạch xuất khẩu của Stapimex đạt gần 40 triệu đô la Mỹ, gấp 10 lần năm 1992. 3 năm sau khi áp dụng hệ thống truy xuất nguyên liệu đến ao nuôi, Stapimex được cổ phần hóa từ năm 2006 và bước vào giai đoạn chuyển đổi khi phần vốn sở hữu Nhà nước giảm dần.
Lặng lẽ từng bước đặt chân lên vị trí top 1 xuất khẩu tôm Việt Nam
Trong hơn 15 năm tiếp theo, STAPIMEX không ngừng khẳng định vị thế khi liên tục góp mặt trong danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam (top 3 trong các năm 2013, 2015, 2016). Tới năm 2020, doanh nghiệp tiếp tục trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ 2 của năm (lần đầu vào năm 2014).
Đáng chú ý, STAPIMEX vượt mặt Tập đoàn Minh Phú của ông Lê Văn Quang để trở thành doanh nghiệp tôm báo lãi lớn nhất năm 2020 với lãi ròng đạt 757 tỷ đồng cao gấp 1,2 lần "vua tôm" Minh Phú (617 tỷ đồng) và 3,3 lần Thực phẩm Sao Ta (225 tỷ đồng).
Các chỉ số tài chính của STAPIMEX đều vượt trội so với cùng ngành (Nguồn: Forbes Việt Nam) |
Ở thời điểm đó, hiệu quả kinh doanh của STAPIMEX vượt trội so với các đối thủ cùng ngành. Mỗi 100 đồng vốn chủ sở hữu đầu tư của công ty tạo ra gần 55 đồng lợi nhuận sau thuế, gấp hơn 4 lần Minh Phú. EPS (thu nhập trên mỗi cổ phiếu) của STAPIMEX năm 2020 đạt mức kỷ lục 108.042 đồng/cp, một con số vượt xa các doanh nghiệp niêm yết.
Trong năm 2021, tình hình kinh doanh của công ty chịu sự ảnh hưởng nặng nề của COVID-19 nên dẫn tới sản lượng sản xuất không đạt kế hoạch, lợi nhuận sau thuế theo đó giảm gần 1 nửa xuống 414 tỷ đồng. Mặc dù vậy, doanh nghiệp vẫn vững vàng giữ vị trí top 2 xuất khẩu tôm với doanh số 317 triệu USD, chiếm 3,5% thị trường.
Kết quả kinh doanh của STAPIMEX liên tục tăng trưởng kể cả trong giai đoạn COVID-19 |
Bước sang năm 2022, ngành thủy sản chịu ảnh hưởng kép từ suy giảm đơn hàng xuất khẩu và sự bất thường của nguồn nguyên liệu. Trong khi Ecuador và Ấn Độ có lợi thế về sản lượng và chi phí thấp, STAPIMEX phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn. Tuy nhiên, với chiến lược quản lý tài chính thận trọng và chính sách bảo toàn lực lượng lao động, STAPIMEX vẫn mang về hơn 570 tỷ đồng lợi nhuận.
Đặc biệt, trong năm 2023, giá trị xuất khẩu của STAPIMEX (hơn 276 triệu USD) đã vượt Minh Phú (hơn 224 triệu USD) để trở thành top 1 doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam. Cũng trong năm này, Stapimex vẫn giữ vững vị trí thứ 10 trên thị trường xuất khẩu tôm sang Mỹ (thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam) với khoảng 10.000 tấn trong khi Minh Phú đã bị rời khỏi danh sách 15 nhà cung cấp hàng đầu.
STAPIMEX đứng vị trí thứ 10 trong top 15 nhà cung cấp hàng đầu tôm tại Mỹ năm 2023 |
Nối tiếp thành công, lũy kế 9 tháng năm 2024, STAPIMEX tiếp tục giữ vững vị trí quán quân xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam.
Điều gì đã giúp STAPIMEX thành công?
Không giống các đối thủ như Minh Phú, STAPIMEX không sở hữu vùng nuôi lớn, nhà máy thức ăn hay cơ sở sản xuất giống. Thay vào đó, công ty tập trung vào chế biến, tận dụng nguồn nguyên liệu từ các hộ nuôi nhỏ lẻ và hợp tác xã. Hiện tại, 40% nguyên liệu đầu vào của STAPIMEX đến từ 6 hợp tác xã trên diện tích hợp tác 500ha, phần còn lại được thu mua linh hoạt theo đơn đặt hàng.
STAPIMEX cũng đặc biệt chú trọng vào các tiêu chuẩn quốc tế như BAP, GlobalGAP và ASC, giúp sản phẩm của công ty đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ thị trường Mỹ, EU và Canada. Nhờ đó, Mỹ hiện chiếm khoảng 40% doanh thu của STAPIMEX, tiếp theo là châu Âu và Canada.
Ngoài hiệu quả kinh doanh, STAPIMEX cũng nổi bật với chính sách cổ tức hấp dẫn. Trong giai đoạn 2016-2022, công ty duy trì tỷ lệ cổ tức trên 50%, riêng 3 năm gần nhất là 100%. Chính sách cổ tức ổn định đã góp phần gia tăng lòng tin của cổ đông và sự gắn bó của đội ngũ nhân viên.
STAPIMEX tối ưu những thế mạnh của mình để dẫn đầu |
Tuy nhiên, sau 18 năm trở thành công ty đại chúng, Stapimex vẫn chưa niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Mục tiêu niêm yết ở HoSE đã được nhắc đến trong hầu hết các báo cáo thường niên những năm gần đây của công ty, nhưng không cho thấy thời điểm cụ thể.
Nếu niêm yết, công ty có thể huy động vốn cho dự tính đầu tư rộng hơn vào chuỗi giá trị như mở rộng vùng nuôi, xây nhà máy sản xuất thức ăn – yếu tố có thể chiếm hơn 50% giá tôm thương phẩm. Đây sẽ là bước tiến quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
>> 2 trụ cột chính giúp xuất khẩu thủy sản tự tin cán mốc 10 tỷ USD
Đại gia thủy sản miền Tây vốn nghìn tỷ bị ngân hàng rao bán tài sản
Cú nhảy vọt xuất khẩu nông lâm thuỷ sản Việt Nam: Thặng dư tăng 53% trong 11 tháng đầu năm