Startup thịt trâu gác bếp Huho khiến Shark Bình 'bật ngửa' vì số liệu kinh doanh quá ấn tượng

18-01-2024 06:06|Mai Chi

Võ Hà Linh – KOC nổi tiếng được mệnh danh là "chiến thần review" từng chấm 9,5 điểm cho sản phẩm này.

Tập cuối Shark Tank Việt Nam mùa 6 có sự xuất hiện của thương hiệu Huho - với đại diện là nhà sáng lập kiêm Giám đốc Hoàng Chung Học cùng đồng sáng lập Ngọc Huyền.

Huho mang tới sản phẩm là thịt gác bếp từng rất thành công khi bán online, doanh số một tháng lên tới 1 triệu USD - theo lời nhà sáng lập. Năm 2022, startup này đạt doanh thu 60 tỷ đồng với lãi ròng chiếm 20%. Ước hết năm 2023, doanh nghiệp này sẽ cán mốc doanh số 150 tỷ đồng.

Cái tên "Huyền Huho" không còn xa lạ với những người thường xuyên mua sắm trên TikTok. Khởi đầu với những video hướng dẫn làm các món đặc sản Tây Bắc như lạp xưởng, thịt trâu gác bếp, bò khô… và chia sẻ về cuộc sống tại SaPa, Huyền Huho chính thức bán hàng từ tháng 5/2022, thông qua livestream trên TikTok và các sàn thương mại điện tử (TMĐT) khác.

Startup Huho bán thịt trâu gác bếp
Thương hiệu Huho gọi vốn tại tập cuối Shark Tank Việt Nam mùa 6

>> Lên Shark Tank gọi vốn cho mạng xã hội bất động sản, Chủ tịch Hội môi giới Hải Phòng 'thắng lớn'

Chiến lược tận dụng tâm lý “đắt xắt ra miếng của khách hàng”

Dự kiến năm 2024, thương hiệu này sẽ tăng trưởng 53%, đạt doanh số 230 tỷ. Từ năm 2024 đến năm 2028, mức tăng trưởng mỗi năm sẽ là 30% và sẽ đạt doanh thu 657 tỷ vào năm 2028.

Shark Bình nhận định những con số Huho đưa ra khiến ông "sững sờ, ngơ ngác, bật ngửa vì số liệu kinh doanh quá tốt" đồng thời thắc mắc về động cơ gọi vốn của dự án này.

Đáp lại, Chung Học cho biết startup nuôi tham vọng đưa sản phẩm ra toàn cầu, nhưng mới chỉ có kinh nghiệm bán hàng online nên muốn có Shark đồng hành, "chứ thực sự công ty không thiếu vốn".

Điểm nhấn của Huho chính chiến lược giá, nhà sáng lập Chung Học cho biết từng tiến hành một chiến dịch nhằm truyền đi thông điệp: "Thịt trâu Huho đắt nhất TikTok".

Với mức giá bị so sánh là đắt hơn so với các đối thủ, Huho quyết định thuê đội ngũ KOL để truyền thông cho toàn bộ cộng đồng TikTok rằng sản phẩm của họ là đắt nhất, từ đấy tạo ra làn sóng quay lại ủng hộ bởi lòng tin vào chất lượng sản phẩm. Theo lý giải của Chung Học, họ đang tận dụng tâm lý "đắt xắt ra miếng" của người Việt.

Từ đó, Huho tập trung xây dựng thương hiệu qua truyền thông, tiếp thị chứ không cạnh tranh về giá. Tất cả các sản phẩm của Huho được định vị bán giá đắt nhất thị trường.

Đối với thị trường nước ngoài, Startup đã thuê dàn KOL người nước ngoài tại Việt Nam review sản phẩm, sau đó để mẫu chụp ảnh với sản phẩm tại các địa danh nổi tiếng toàn cầu ở Anh, Pháp, Mỹ…

Về giá thành cụ thể, mỗi kilogram thịt trâu gác bếp của Huho đang có giá khoảng 1,2 triệu đồng trên Shopee và 1,4 triệu đồng trên Lazada và TikTok Shop, còn thịt lợn gác bếp có giá 990.000 đồng/kg trên tất cả các nền tảng. Về chất lượng, thương hiệu này cũng tự tin khi đối với mỗi đơn hành đều kèm theo một thẻ bảo hành. Khẳng định startup của mình là thương hiệu đầu tiên bảo hành đối với mặt hàng thực phẩm cho người mua “trong trường hợp khách ăn cảm thấy không hợp khẩu vị cũng được quay đầu hàng” – Huyền Huho cho biết.

Startup Huho bán thịt trâu gác bếp
Thẻ bảo hành của thương hiệu Huho

>> Dự án lần đầu tiên áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để trồng nấm, gọi vốn thành công trên Shark Tank?

Điểm mấu chốt khiến các Shark do dự “xuống tiền”

Đánh giá sản phẩm của Huho thú vị nhưng chưa thấy được khả năng tồn tại bền vững trên thị trường nên Shark Minh Beta đã từ chối đầu tư.

Không phù hợp chuyên môn và chiến lược đầu tư nên Shark Tuệ Lâm và Shark Hùng Anh cũng quyết định rời khỏi thương vụ.

Còn lại Shark Hưng và Shark Bình là hai nhà đầu tư có hứng thú với mô hình kinh doanh của Huho.

Bức tranh tài chính quá tốt của Huho khiến cho Shark Bình có phần thắc mắc, vì trước đó từng có trường hợp startup "bùng kèo" ở Shark Tank sau khi chương trình được phát sóng.

Theo Chủ tịch NextTech, sau khi đã giành được deal thì starup "giả vờ" hợp tác tận dụng việc lên sóng để quảng bá thương hiệu, nhưng chần chừ không gửi số liệu kết quả kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục viện lý do cho đến khi nhà đầu tư tự nản và bỏ cuộc.

Với Huho hiện tại, ông Bình nêu rõ: “Nếu số liệu đúng như các bạn đã chia sẻ trên sóng thì chắc chắn chúng tôi sẽ đầu tư. Nếu sau này deal không thành chỉ rơi vào hai khả năng, thứ nhất những gì bạn cung cấp là không đúng, khả năng thứ hai là các bạn cố tình bùng deal”.

Trong khi đó, Shark Hưng yêu cầu sẽ tiến hành thẩm định doanh nghiệp và ký hợp đồng trước khi phát sóng, nếu deal không thành công thì sẽ đề nghị nhà sản xuất không phát sóng màn gọi vốn của startup.

Chung Học và Ngọc Huyền đồng ý không một chút do dự, khép lại màn gọi vốn thành công từ Shark Bình và Shark Hưng với con số 25 tỷ cho 20% cổ phần.

>> Một sản phẩm ưu việt khiến Shark Minh Beta phải rút Golden Ticket đầu tiên tại Shark Tank mùa 6

Lên Shark Tank gọi vốn cho mạng xã hội bất động sản, Chủ tịch Hội môi giới Hải Phòng 'thắng lớn'

Dự án lần đầu tiên áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để trồng nấm, gọi vốn thành công trên Shark Tank?

“Cá mập” Shark Tank giành giật startup máy chiếu Make in Viet Nam

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/startup-thit-trau-gac-bep-huho-khien-shark-binh-bat-ngua-vi-so-lieu-kinh-doanh-qua-an-tuong-220228.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Startup thịt trâu gác bếp Huho khiến Shark Bình 'bật ngửa' vì số liệu kinh doanh quá ấn tượng
POWERED BY ONECMS & INTECH