Sự thật về lời đồn thức ăn màu đỏ giúp bổ máu, có món nhiều người Việt mê
Tiết canh, thịt bò, củ dền... là những thực phẩm được nhiều người lựa chọn khi bị thiếu máu thiếu sắt.
Tôi bị thiếu máu do thiếu sắt. Nhiều người khuyên nên dùng thức ăn có màu đỏ sẽ bổ máu, như tiết canh, thịt bò, củ dền… Điều này có đúng không thưa bác sĩ? (Thu Anh, Gia Lai)
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Đoan Trang, Phó khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) tư vấn:
Thiếu máu khiến cơ thể mỏi mệt, giảm khả năng lao động chân tay và trí óc, ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày. Nếu mắc bệnh lý thiếu máu có nguyên nhân bẩm sinh, người bệnh cần điều trị theo chuyên khoa huyết học. Trường hợp bị thiếu máu do thiếu sắt, axit folic và vitamin B12, bạn có thể bổ sung qua chế độ dinh dưỡng.
Những thực phẩm tốt cho quá trình tạo máu cần chứa nhiều chất sắt, axit folic, vitamin B12. Ngoài ra thực phẩm chứa vitamin C, caroten cũng giúp tăng hấp thu sắt.
Nhiều người có quan niệm ăn củ dền, tiết canh, sẽ bổ máu vì có màu đỏ, "ăn gì bổ nấy". Thực tế, hai loại này đều chứa nhiều sắt, tiết canh cũng rất phổ biến và được nhiều người yêu thích.
Tuy nhiên, do bản chất tiết canh là máu động vật chưa được chế biến, có thể có ký sinh trùng hay ấu trùng nên người sử dụng có nguy cơ nhiễm giun, sán... Nhiều trường hợp bị viêm nhiễm đường tiêu hoá, một số người nhiễm liên cầu lợn gây ra viêm não, thậm chí có thể tử vong sau khi dùng món ăn phổ biến này.
Các loại thịt đỏ, nội tạng động vật, các loại rau có màu xanh đậm, các loại đậu… cũng chứa nhiều sắt. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra ăn nhiều thịt đỏ có nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch và ung thư đại trực tràng. Vì vậy, dù thịt đỏ tốt cho người thiếu máu do thiếu sắt nhưng chỉ nên ăn 1-2 lần/tuần. Những ngày còn lại nên thay bằng thực phẩm khác như thịt gà, cá, trứng…
Ngoài ra, những loại rau củ trái cây có màu đỏ như thanh long, củ dền… cũng tốt cho quá trình hấp thu sắt vì trong thành phần có chất caroten. Trái cây giàu vitamin C cũng tốt cho quá trình này.
Lưu ý là canxi ảnh hưởng đến quá trình hấp thu sắt. Do đó, nên uống sữa cách tối thiểu 2 tiếng khi uống thuốc sắt hoặc ăn thực phẩm giàu sắt.
Đối với người không có bệnh lý đặc biệt gây ra tình trạng ứ sắt, cơ thể sẽ hạn chế hấp thu sắt qua đường tiêu hoá nếu ăn uống quá nhiều thực phẩm giàu sắt hoặc tự đào thải ra ngoài.