Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Cân nhắc các trường hợp cần áp dụng "can thiệp sớm"

05-06-2023 10:00|GIA NGUYỄN

Xoay quanh nội dung Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), bên cạnh những mặt tích cực đã được tiếp thu, chỉnh lý, nhiều ý kiến cho rằng, cần cân nhắc lại quy định về can thiệp sớm…

Theo đó, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia, trong đó có trường hợp xử lý khủng hoảng của Silicon Valley Bank và Signature Bank (Mỹ), hoặc trường hợp Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ) và để đảm bảo có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống. Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đề xuất bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt.

du-thao-luat-cac-to-chuc-tin-dung-sua-doi-23.6.1.jpg
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đề xuất bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt - Ảnh minh họa: ITN

Cụ thể, tại Điều 144 Dự thảo Luật (sửa đổi) quy định cụ thể các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm khi thuộc một trong các trường hợp sau: Xếp hạng dưới mức trung bình trở xuống theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; Có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; Bị rút tiền hàng loạt khi có nhiều người gửi tiền cùng đến rút tiền dẫn đến tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả và không tự khắc phục được theo quy định của Ngân hàng Nhà nước…

Dự thảo Luật (sửa đổi) cũng kế thừa quy định về áp dụng can thiệp sớm tại Luật hiện hành và có sửa đổi, bổ sung để giải quyết những bất cập thời gian qua.

Trong đó, quy định liên quan đến khoản vay đặc biệt, Dự thảo Luật (sửa đổi), bổ sung quy định về trường hợp tổ chức tín dụng được vay đặc biệt trước và sau khi được kiểm soát đặc biệt để giải quyết kịp thời sự cố khách hàng rút tiền hàng loạt tại tổ chức tín dụng thời gian qua; Bổ sung quy định cụ thể về tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt, lãi suất khoản vay đặc biệt, các biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng cho vay đặc biệt; Bổ sung quy định về việc Ngân hàng Nhà nước chỉ định cho vay đặc biệt, qua đó thêm công cụ cho cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình xử lý, cơ cấu lại tổ chức tín dụng.

du-thao-luat-cac-to-chuc-tin-dung-sua-doi-23.6.2.jpg
Góp ý Dự thảo Luật (sửa đổi), nhiều ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc các quy định về can thiệp sớm - Ảnh minh họa: ITN

Trước đề xuất đã nêu, góp ý Dự thảo, nhiều ý kiến cho rằng, việc can thiệp sớm theo quy định của Dự thảo Luật thực chất là xử lý tổ chức tín dụng đã lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Đặc biệt, Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng, các yếu tố kích hoạt can thiệp sớm tại Điều 144 là quá muộn để có thể hỗ trợ.

Bởi, theo quy định hiện hành, tùy theo mức độ của từng tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp phù hợp như khuyến nghị, cảnh báo, giám sát tăng cường, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật chưa đánh giá thực trạng thực hiện giám sát tăng cường, những khó khăn, bất cập khi thực hiện biện pháp này để đề xuất đưa vào Dự thảo luật; cũng chưa đánh giá, làm rõ được sự tương quan giữa các biện pháp từ giám sát tăng cường đến can thiệp sớm và kiểm soát đặc biệt dẫn đến không làm rõ được bản chất của việc “can thiệp sớm” để có những biện pháp, công cụ tương ứng phù hợp.

Xoay quanh nội dung đã nêu, cho ý kiến thẩm tra Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trong Báo cáo thẩm tra mới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị rà soát, quy định các trường hợp cần áp dụng can thiệp sớm phù hợp hơn, theo hướng luật hóa những trường hợp thực hiện giám sát tăng cường mà đã được thực hiện ổn định, có hiệu quả trong thực tiễn để thể hiện đúng bản chất của việc “can thiệp sớm”, không chuyển các trường hợp kiểm soát đặc biệt thành trường hợp can thiệp sớm.

Theo Báo cáo thẩm tra, điều chỉnh theo hướng đã nêu cũng sẽ tương thích với các biện pháp can thiệp sớm quy định tại Điều 145 Dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị làm rõ sự tương quan giữa 2 trường hợp thuộc điểm đ (có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hang Nhà nước) và điểm e khoản 1 (Bị rút tiền hàng loạt khi có nhiều người gửi tiền cùng đến rút tiền dẫn đến tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả và không tự khắc phục được theo quy định của Ngân hang Nhà nước), bởi, trường hợp quy định tại điểm e là tình trạng mất khả năng chi trả, thậm chí nghiêm trọng hơn trường hợp tại điểm đ.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật hiện nay thiết kế đối với trường hợp quy định tại điểm đ thì xây dựng phương án hỗ trợ trước kiểm soát đặc biệt (từ Điều 153 đến Điều 155); trường hợp quy định tại điểm e thì xây dựng phương án khắc phục trong khi tại chính nội dung quy định tại điểm e nêu rõ tổ chức tín dụng không tự khắc phục được.

“Đề nghị rà soát lại quy định về nội dung, các biện pháp xử lý đối với 2 trường hợp này, bảo đảm sự phù hợp, thống nhất và tương ứng với từng mức độ. Bên cạnh đó, đề nghị làm rõ tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt đến mức độ nào thì cần phải có sự can thiệp của Ngân hang Nhà nước để bảo đảm sự minh bạch cũng như cân đối kịp thời nguồn lực”, cơ quan thẩm tra kiến nghị.

Ngôi trường đào tạo khối ngành kinh tế hàng đầu Việt Nam đặt mục tiêu đạt kiểm định quốc tế vào năm 2030

Lãi suất liên ngân hàng tăng cao: Tín hiệu gì từ thanh khoản hệ thống?

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/sua-luat-cac-to-chuc-tin-dung-can-nhac-cac-truong-hop-can-ap-dung-can-thiep-som-245189.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Cân nhắc các trường hợp cần áp dụng "can thiệp sớm"
    POWERED BY ONECMS & INTECH