Vĩ mô

Suy thoái kinh tế ở TP.HCM – Những diễn biến trái chiều

Nhóm Phóng viên 23/11/2023 11:43

Dù kinh tế TP.HCM trong cơn suy thoái nhưng vẫn không ngăn được dòng người đến các Trung tâm mua sắm sang trọng và sức mua ở các chợ truyền thống lại giảm rõ rệt.

Dòng người mua sắm tại Trung tâm thương mại Vincom Đồng Khởi vào trưa 21/11.
Dòng người mua sắm tại Trung tâm thương mại Vincom Đồng Khởi vào trưa 21/11.

Câu chuyện kinh tế thế giới suy thoái đang diễn ra từ sau cơn đại dịch Covid-19 và cho đến nay, TP.HCM bị tác động ít nhiều từ cuộc khủng hoảng nói trên. Có điều lạ, dù hàng chục ngàn lao động tại thành phố lớn nhất nước mất việc nhưng nhu cầu mua sắm hàng xa xỉ không hề giảm.

Trung tâm mua sắm đông đúc

Ghi nhận tại Trung tâm thương mại Vincom Đồng Khởi, lượng khách đến mua sắm khá đông. Nhất là các gian hàng ẩm thực, hầu như không còn chỗ ngồi nếu khách không đặt trước. Thoạt nhìn không khí nhộn nhịp ở Vincom Đồng Khởi trái với dự đoán người dân sẽ hạn chế chi tiêu hồi đầu năm.

Suy thoái kinh tế ở TP.HCM – Bài 1: Những diễn biến trái chiều ảnh 1
Dù là buổi trưa giữa tuần, nhưng khách nước ngoài và người dân đến mua sắm tại Trung tâm thương mại Vincom Đồng Khởi khá đông.

Không những vậy, các gian hàng mua sắm những mặt hàng xa xỉ phẩm luôn có khách ghé đến. Họ là khách du lịch nội địa và có cả những vị khách người nước ngoài đang tìm mua một số sản phẩm của các quốc gia khác ở Việt Nam. Tại cửa hàng nước hoa nổi tiếng của Pháp, nhân viên bán sản phẩm cho biết, càng dần về cuối năm, lượng khách mua sắm vẫn giữ tăng trưởng đều và không tăng đột biến.

Một số thương hiệu nổi tiếng Chanel, Dior, Lancôme… vẫn luôn là sự lựa chọn của khách hàng sành điệu vì khó bị làm giả nhãn hiệu. Hơn nữa, các vị khách có nhu cầu tiêu dùng thật, có khả năng tài chính vẫn luôn tìm đến các Trung tâm thương mại như sự cam kết về chất lượng. Nhân viên này không đưa ra con số doanh thu cụ thể nhưng khẳng định rằng, với đà mua sắm có xu hướng tăng dần như hiện tại, đến cuối năm nay là sẽ đủ chỉ tiêu về doanh số được giao.

Suy thoái kinh tế ở TP.HCM – Bài 1: Những diễn biến trái chiều ảnh 2
Buổi trưa tại Trung tâm thương mại Diamond Plaza vắng khách.

Hơn 1 tháng trước, nhiều nhân viên tiếp thị có lúc muốn xin nghỉ vì áp lực doanh số. Tuy vậy, mọi người vẫn cố cầm cự và hy vọng sẽ có những chuyển biến vào những tháng còn lại của năm.

Tại một gian hàng thời trang giày dép, nhân viên tại đây đang tất bật với từng tốp khách hàng ra vào để chọn lựa sản phẩm. Sau một lúc quan sát, chúng tôi ghi nhận lượng khách hàng đến mua là có thật. Từng tốp đến xem mẫu mã giày dép rồi ướm thử và thanh toán. Những cuộc mua bán diễn ra chóng vánh không chút lưỡng lự.

Cùng thời điểm, Trung tâm thương mại Diamond Plaza trông vắng vẻ hơn. Lượng khách ra vào thưa thớt trái với cảnh nhộn nhịp tại Vincom Đồng Khởi. Giá niêm yết cho một suất ăn tại nhà hàng với đầy đủ các món dao động từ 100 ngàn đến 200 ngàn đồng. Khách đi theo đoàn có thể đặt bàn từ 1,6 triệu đồng.

Suy thoái kinh tế ở TP.HCM – Bài 1: Những diễn biến trái chiều ảnh 3
Các gian hàng tại Trung tâm thương mại Diamond Plaza.

Nhân viên tên là Phương cho biết, do đặc thù của nơi đây, lượng khách chỉ bắt đầu đông sau giờ tan tầm cho đến tận khuya. Vào thời điểm buổi trưa, các nhân viên chuẩn bị sẵn thực đơn, món ăn để chuẩn bị đón khách. Do nhân viên này mới vào phục vụ tại nhà hàng nên không so sánh được lượng khách trước đây với thời điểm hiện tại. Nhưng nghe kể lại, chỉ giảm hơn so với thời điểm trước đại dịch Covid-19. Đặc biệt, khách tại Diamond Plaza thường đông về buổi chiều và vào các ngày cuối tuần.

Chợ truyền thống ế ẩm

Ghi nhận của Ngày Nay tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) vào những ngày cuối năm, người dân mua sắm tại chợ không nhiều như mọi năm. Chị Hoa, chủ cửa hàng quần áo tại chợ Bà Chiểu cho biết, khi dịch Covid-19 đi qua, hoạt động của người dân trở lại bình thường, sức mua tại chợ giảm nhiều.

Suy thoái kinh tế ở TP.HCM – Bài 1: Những diễn biến trái chiều ảnh 4
Chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đóng cửa không hoạt động và khung cảnh vắng bóng người dân đến chợ.

So với đầu năm, doanh thu của cửa hàng giảm đến gần 50%. Chị Hoa cho rằng, có thể thu nhập người dân giảm sút mà phần lớn, lượng khách là người lao động bị cắt giảm lương và sa thải nên kéo theo doanh thu của tiểu thương giảm. Một vấn đề nữa, nhiều kênh bán hàng qua mạng xã hội đang phát triển, người dân hay đặt mua qua Facebook ở các kênh live-stream và giao hàng tận nơi.

Trong khi đó, người dân đi làm về sau một ngày mệt mỏi, cần nghỉ ngơi và chỉ việc nằm ở nhà để xem trực tiếp và mua hàng. Chị Hoa khẳng định, với tình hình này, chợ truyền thống đang trên bờ vực khó có khả năng cạnh tranh được với kênh bán hàng qua mạng xã hội hay sàn thương mại điện tử.

Suy thoái kinh tế ở TP.HCM – Bài 1: Những diễn biến trái chiều ảnh 5
Bên trong chợ Bến Thành.

Tại chợ truyền thống lâu đời nhất ở TP.HCM là chợ Bến Thành cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Chị Loan, chủ cửa hàng mỹ nghệ tại chợ Bến Thành nói, kinh tế đang trong ở giai đoạn khó khăn, khách đến với chợ Bến Thành để chi tiêu có vẻ dè dặt hơn. Nhiều lượt khách ghé chợ như chỉ để tham quan chứ không có ý định mua sắm.

Thông thường, khách ghé chợ luôn mua một ít hàng về làm quà cho người thân nhưng chủ sạp chợ phải cạnh tranh giá cả với bên ngoài chợ. Dù chợ Bến Thành luôn được xem là điểm đến, là nơi mua sắm khi đặt chân đến TP.HCM nhưng chủ yếu là tham quan và tham khảo giá cả. Chị Loan nhận định, so với năm ngoái, lượng hàng hóa nhập về đã giảm hơn một nửa nhưng doanh số bán ra vẫn không đáng kể.

Suy thoái kinh tế ở TP.HCM – Bài 2: Những hàng quán vắng khách

Suy thoái kinh tế ở TP.HCM: Bài 3- Bức tranh sáng tối do chênh lệch giàu – nghèo

Đấu giá biển số sáng 23/11: Biển "thần tài" của TP.HCM giá 2,59 tỷ đồng

Một doanh nghiệp tặng TP.HCM cầu đi bộ nghìn tỷ bắc qua sông Sài Gòn

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/suy-thoai-kinh-te-o-tphcm-bai-1-nhung-dien-bien-trai-chieu-post140522.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Suy thoái kinh tế ở TP.HCM – Những diễn biến trái chiều
POWERED BY ONECMS & INTECH