Đồng hành cùng Jack Ma từ những ngày đầu của Alibaba, ít ai biết vị tân Chủ tịch của ông lớn thương mại điện tử này ban đầu chỉ nhận mức lương 50 USD/tháng.
Ông Joseph Tsai. |
Ngày 20/6, tập đoàn Alibaba thông báo Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Daniel Zhang sẽ từ chức để tập trung vào bộ phận đám mây. Phó Chủ tịch điều hành Joseph Tsai sẽ đảm nhận vị trí Chủ tịch Alibaba từ 10/9.
Tsai vốn là người đồng đội thân cận với Jack Ma, cùng đồng sáng lập Alibaba và là cổ đông cá nhân lớn thứ hai tại gã khổng lồ thương mại điện tử này.
Bên cạnh đó, ông còn là chủ sở hữu của một đế chế thể thao tại Mỹ, một nhà đầu tư công nghệ blockchain và một ông trùm khét tiếng trong thị trường bất động sản thương mại Manhattan. Những điều này khiến Tsai khá nổi tiếng tại Wall Street – một điều rất khác biệt so với những doanh nhân gốc Trung Quốc thông thường.
Từ mức lương 50 USD/tháng
Joseph Tsai sinh ra ở Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 1/1964. Cha ông là một luật sư doanh nghiệp. Năm 13 tuổi, ông được cha mẹ cho sang Mỹ để theo học trường Lawrenceville, ngôi trường tư thục hàng đầu ở New Jersey.
Ông tốt nghiệp Đại học Yale với bằng cử nhân kinh tế và nghiên cứu Đông Á năm 1986. Ông tiếp tục theo học luật tại Yale. Năm 1990, ông nhận bằng của Trường Luật Yale, đồng thời vượt qua kỳ thi luật sư bang New York.
Sau khi tốt nghiệp, Tsai đã làm việc làm cộng tác viên thuế tại công ty luật Sullivan & Cromwell ở New York. Sau đó, ông đã tham gia vào thương vụ mua lại công ty Rosecliff với tư cách là cố vấn chung.
Ông tiếp tục chuyển tới Hong Kong làm vị trí Quản lý đầu tư vốn tư nhân cho Investor AB – một cỗ máy đầu tư chính cho gia tộc Wallenberg tại Thuỵ Điển.
Tsai hiểu tường tận hoạt động kinh doanh của Alibaba. Thông qua lời giới thiệu của một người bạn, Tsai đã gặp gỡ Jack Ma tại một căn hộ ven hồ ở Hàng Châu, Trung Quốc – nơi ra đời Alibaba vào năm 1999.
Ban đầu, Tsai làm việc với mức lương 50 USD/tháng tại Alibaba, thấp hơn rất nhiều con số 700.000 USD mà ông nhận được khi làm ở Investor AB.
Cho tới năm 2013, Tsai vẫn đảm nhiệm vị trí Giám đốc tài chính của Alibaba và sau đó là Phó chủ tịch trong cùng năm.
Ông cũng là người phụ trách đợt IPO của Alibaba, đợt chào bán cổ phiếu lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
Ngoài Alibaba.com, một sàn thương mại điện tử B2B trực tuyến, doanh nghiệp mà Tsai và Jack Ma gầy dựng còn vận hành Taobao, trang bán lẻ hàng đầu của Trung Quốc và Alipay.com, dịch vụ thanh toán trực tuyến phổ biến nhất tại quốc gia này.
Đến tỷ phú Hong Kong
Theo Forbes, với khối tài sản ròng trị giá 7,8 tỷ USD, Tsai hiện đang là tỷ phú giàu thứ 290 trên toàn cầu và lọt top 50 người giàu nhất Hong Kong (số liệu năm 2023).
Phần lớn tài sản của Tsai đến từ 1,3% cổ phần mà ông nắm giữ trong tập đoàn Alibaba. Theo Bloomberg, tập đoàn này có doanh thu 853 tỷ nhân dân tệ (133 tỷ USD) và 1 tỷ khách hàng hoạt động trong năm tính đến ngày 31/3/2022, theo báo cáo thường niên của công ty.
Ngoài ra, tỷ phú Tsai nắm giữ 1,4% cổ phần trực tiếp và thông qua các công ty có trụ sở tại Bahamas và Quần đảo Virgin thuộc Anh, theo Bloomberg.
Đến tháng 9/2019, ông đã mua 51% cổ phần còn lại của Nets và nắm toàn quyền sở hữu Barclays Center. Theo báo cáo của New York Post, Tsai đã trả 3,4 tỷ USD cho cả cổ phần và sân vận động.
Ngoài ra, Tsai cũng sở hữu New York Liberty, một đội bóng rổ nữ chuyên nghiệp, và San Diego Seals, đội bóng vợt nam chuyên nghiệp. Tsai cũng đã đầu tư vào thế giới thể thao điện tử, mua lại một phần G2 Esports vào năm 2019.
Người ủng hộ tiền mã hóa
Việc Tsai được Alibaba bổ nhiệm làm Chủ tịch công ty cũng cho thấy tập đoàn này có xu hướng “thân thiện” hơn về tiền số bởi Tsai vốn công khai là người ủng hộ tài sản kỹ thuật số lâu năm.
Tsai từng viết trên Twitter rằng “Tôi thích tiền mã hóa” vào cuối năm 2021 và từng vài lần đầu tư vào tài sản kỹ thuật số.
Văn phòng gia đình của ông, Blue Pool Capital, nằm trong số những người ủng hộ FTX. Tài liệu cho thấy, Blue Pool cũng đã đầu tư vào Polygon, nền tảng hỗ trợ mã thông báo kỹ thuật số cùng tên.
Bitcoin và nhiều hoạt động liên quan tới tiền mã hóa hiện vẫn là bất hợp pháp ở Trung Quốc, nhưng Hong Kong mới đây đã bắt đầu mời gọi các công ty tiền mã hóa trong bối cảnh Mỹ đang siết chặt quản lý ngành này sau hàng loạt cú sập đình đám trong năm 2022.
Theo Bloomberg, các nhà phân tích phần lớn hoan nghênh những thay đổi về bộ máy quản lý của Alibaba vừa được thông báo, nhưng cổ phiếu của hãng giao dịch tại Mỹ lại giảm 4,7% vào giữa buổi sáng ngày hôm qua trên sàn New York.
Nguyên nhân là bởi, một số người cho rằng các nhà đầu tư trước tiên muốn thấy sự tăng trưởng của công ty. Các nhà phân tích Fawne Jiang và Long Lin đến từ Benchmark Co. nói họ “tin rằng việc Tsai đảm nhiệm vị trí chủ tịch sẽ giúp tăng cường lòng tin của giới đầu tư”.