Tân Hoàng Minh bỏ cọc, số phận lô “đất vàng” Thủ Thiêm ra sao?

12-01-2022 09:16|Minh Trí

Chủ tịch Tân Hoàng Minh vừa có văn bản xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất 2,45 tỷ đồng một m2 ở Thủ Thiêm.

Bỏ cọc, đơn phương chấm dứt hợp đồng

Hôm qua (11/1/2022), thông tin từ đại diện tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết, Chủ tịch hội đồng thành viên công ty, ông Đỗ Anh Dũng, đã có tâm thư gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, UBND TP HCM… xin rút khỏi dự án Thủ Thiêm đã đấu giá thành công vào giữa tháng 12/2021.

Theo đó, ông Đỗ Anh Dũng cho biết, ngày 10/12/2021 Công ty Ngôi Sao Việt thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã tham gia và trúng đấu giá lô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP HCM) có diện tích hơn 10.000 m2 với giá 24.500 tỷ đồng (tính ra mỗi mét vuông đất trị giá 2,45 tỷ đồng).

Sau khi trúng đấu giá với mức cao như trên, các lãnh đạo tập đoàn đã thay đổi toàn bộ kế hoạch đầu tư, kinh doanh và tài chính của tập đoàn, cân đối đầy đủ tài chính để đảm bảo đóng tiền theo đúng tiến độ và quy định trong hợp đồng đã ký với Trung tâm phát triển quỹ đất và Trung tâm đấu giá của TP HCM. Đồng thời đã lên phương án thiết kế, đầu tư, kinh doanh mới phù hợp nhất để có hiệu quả, mặc dù lợi nhuận theo tính toán là khá thấp không đúng như kỳ vọng ban đầu.

Tuy nhiên, sau khi lắng nghe rất nhiều dư luận xã hội theo chiều hướng khác nhau và thấy rằng kết quả trúng đấu giá ở mức cao như vậy là có thể dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt; đặc biệt là sau khi tiếp thu ý kiến nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, tập đoàn nghiêm túc kiểm điểm và nhận thấy rằng việc trúng đấu giá với kết quả trên sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nói riêng và kinh tế nói chung.

“Chúng tôi xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, điều này đã được nêu trong quy định đấu giá và hợp đồng đã được ký kết ba bên giữa tôi với Trung tâm phát triển quỹ đất TP HCM và Trung tâm đấu giá của TP HCM và chấp nhận chịu mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định của pháp luật về việc đấu giá tài sản công”, ông Dũng viết trong tâm thư.

Tuy nhiên, Trung tâm Dịch vụ Đấu giá tài sản TP HCM cho biết, đến cuối ngày 11/1 chưa nhận được văn bản chính thức nào về việc huỷ hợp đồng từ phía Tân Hoàng Minh.

Được biết, để mua lô đất này, Công ty Ngôi Sao Việt đã đặt cọc số tiền gần 600 tỷ đồng và cũng đã ký hợp đồng với Trung tâm đấu giá của TP HCM và Trung tâm phát triển quỹ đất TP HCM.

Với lô “đất vàng” 3-12 Thủ Thiêm, ông Dũng cũng từng chia sẻ rằng, Tân Hoàng Minh sẽ xây một tòa nhà có tên D' Billionaire - tòa nhà Tỉ phú dành cho giới nhà giàu và siêu giàu với mức giá hàng triệu USD/căn hộ.

tan-hoang-minh.jpeg
 Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh từng có rất nhiều "tham vọng" khi nói về lô "đất vàng" Thủ Thiêm.

Nếu không rút, muốn chính thức sở hữu lô đất hơn 10.000 m2 tại Thủ Thiêm, Tập đoàn Tân Hoàng Minh sẽ phải tiếp tục nộp gần 24.000 tỉ đồng (đã trừ 600 tỷ đồng tiền đặt cọc). Để có đủ số tiền trên, doanh nghiệp này phải đi vay từ các ngân hàng, phát hành trái phiếu hay vay từ nhà đầu tư khác.

Theo nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết ngày 11/1/2022 chưa có ngân hàng nào cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh vay vốn liên quan đến dự án nói trên. Nhưng ngay cả trường hợp các nhà băng có cho vay, thì định giá tài sản cũng không thể căn cứ từ giá trúng đấu giá đất Thủ Thiêm lên tới 2,45 tỷ đồng/m2 của Tân Hoàng Minh.

Trước đó, ông Dũng đã chia sẻ bản thân bất ngờ về mức giá mà mình quyết định bỏ ra để trúng thầu. Theo ông kể lại, thời điểm đó, có nhiều nhà đầu tư tham gia trả giá cao đến 20.000 tỷ đồng rồi bỏ cuộc, chỉ còn một nhà đầu tư ngoại. Ông kể, lo ngại mảnh đất đẹp nhất Thủ Thiêm về tay người nước ngoài, vì "trào lên lòng tự hào dân tộc", nên quyết định trả giá cao hơn 3%, tương đương 700 tỷ đồng, để giành quyền trúng thầu.

Số phận lô đất 3-12

Liên quan đến số phận của lô "đất vàng" 3-12 sau khi bị Tân Hoàng Minh bỏ cọc; trả lời trên báo Tiền Phong, Luật sư Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng, phiên đấu giá diễn ra ngày 10/12/2021 đã xác định được đơn vị trúng đấu giá cho từng lô đất được đem ra đấu giá. Theo quy định, cuộc đấu giá được xem là kết thúc thành công khi đấu giá viên công bố người trúng đấu giá và các bên tham dự (có cả người trúng đấu giá) ký vào biên bản đấu giá.

tan-hoang-minh.jpeg
Lô đất 3-12 Tân Hoàng Minh trúng đấu giá. 

Việc đấu giá này là nhằm giao đất có thu tiền sử dụng đất, nên theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2015, phải tiến hành thủ tục phê duyệt kết quả trúng đấu giá, mà cụ thể là UBND TPHCM đã ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá vào ngày 30/12.

Theo quy định tại Điều 48 Luật Đấu giá tài sản 2016, kể từ lúc công bố kết quả trúng đấu giá thì người trúng đấu giá sẽ phải thực hiện nghĩa vụ của mình.

Tuy nhiên, trường hợp của Tập đoàn Tân Hoàng Minh cần có quyết định công nhận, nên trường hợp này, đơn vị trúng đấu giá sẽ bắt đầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo thông báo nộp tiền từ cơ quan thuế. Cụ thể là theo thông báo mà Cục thuế TP HCM ban hành vào ngày 6/1/2022.

Nếu chưa đến hạn mà công ty trúng đấu giá có thông báo về việc không tiếp tục thực hiện kết quả trúng đấu giá, thì đây được xem như là hành vi đơn phương chấm dứt của họ. Trường hợp này, bắt buộc các cơ quan có liên quan sẽ trình hồ sơ lên UBND TP HCM.

Căn cứ vào Điểm D Khoản 5 Điều 68 Nghị định 43/2014, UBND TP HCM sẽ ban hành quyết định hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá trước đó.

Như vậy, UBND TP HCM sẽ ban hành quyết định hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá trước đó của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Theo quy định, số tiền đặt trước sẽ chuyển thành tiền cọc theo quy định tại khoản 5 Điều 39 của Luật đấu giá tài sản. Vì vậy, nếu đơn vị này tiếp tục không thực hiện nghĩa vụ, xem như họ bỏ cọc và mất số tiền này.

Như vậy, phải tổ chức lại phiên đấu giá mới. Và tất nhiên, hiện nay chưa có quy định nào liên quan đến việc xác định mức giá trần cho các phiên đấu giá bằng hình thức trả giá lên. Nên dù muốn hay không muốn, thì đơn vị tổ chức phiên đấu tiếp theo cũng không thể khống chế các đơn vị tham gia đấu giá được trả mức giá cao.

“Người đấu giá luôn luôn muốn thực hiện kết quả trúng đấu giá mà mình đã đấu, không có đơn vị nào đứng bỏ ra một khoản tiền lớn để đặt trước, rồi sau đó không tiếp tục thực hiện. Nếu như chúng ta cho rằng đó là hành động PR, thì tôi cho rằng nó chưa hoàn toàn đúng”, Luật sư Phát nói.

Nói về thị trường bất động sản, luật sư Lê Trung Phát không cho rằng đây là hành vi khiến giá bất động sản khu đó tăng cao. Rõ ràng người dân chúng ta đều biết thông tin phiên đấu giá trước đã bị hủy, tức giá đấu lúc đó không phải giá thật của khu đất. Vậy đâu có lý do gì, người dân sau này tin vào giá đấu ban đầu để mua nhà đất và tài sản ở đó như thông tin của chủ đầu tư đưa ra. Nói không chừng, nếu dùng chiêu trò này, có khi chủ đầu tư lại tự làm khó mình trong mắt khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM cũng cho biết, nếu Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc thì mọi việc sẽ được xử lý theo đúng quy định của pháp luật về đấu giá.

Đại biểu Quốc hội: Tân Hoàng Minh nộp khắc phục 8.000 tỷ đồng, đáng lẽ có thể trả ngay cho bị hại nhưng phải gửi vào kho bạc

Quá khứ của hòn đảo sắp làm khu du lịch có sân golf: Chủ tịch Tân Hoàng Minh bị lừa 80 tỷ, một dòng họ từng đòi bồi thường đất

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tan-hoang-minh-bo-coc-so-phan-lo-dat-vang-thu-thiem-ra-sao-121446.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tân Hoàng Minh bỏ cọc, số phận lô “đất vàng” Thủ Thiêm ra sao?
    POWERED BY ONECMS & INTECH