Tàn tích của khải hoàn môn 800 năm tuổi được khai quật ở Serbia

20-02-2024 07:10|Quỳnh Vân

Việc tìm thấy khải hoàn môn La Mã tại vùng Đông Nam châu Âu được cho là khá hiếm gặp.

Bất chấp cái lạnh và gió buốt, các nhà khảo cổ học ở Serbia đã khảo sát địa điểm của một khải hoàn môn La Mã cổ đại, có niên đại từ thế kỷ thứ III. Đây là một trong số ít khải hoàn môn được tìm thấy ở vùng Balkan.

Công trình này được phát hiện vào tháng 12/2023 tại Viminacium, một thành phố La Mã cổ gần thị trấn Kostolac, cách thủ đô Belgrade (Serbia) 70km về phía Đông.

Nhà khảo cổ học Miomir Korac tiết lộ khải hoàn môn này được phát hiện trong quá trình khai quật con đường chính của Viminacium.

Tàn tích của khải hoàn môn 800 năm tuổi được khai quật ở Serbia
Nhà khảo cổ học Miomir Korac bên cạnh mô hình của khải hoàn môn La Mã cổ đại. Ảnh: Reuters

Korac nói: “Đây là một công trình không phổ biến lắm ở khu vực phía Đông Nam châu Âu. Chỉ có khoảng 20 khải hoàn môn La Mã ở Rome nhưng tại khu vực này thì đây là khải hoàn môn đầu tiên”.

Viminacium, hay còn gọi là Viminatium, nổi tiếng là một thành phố và thủ phủ quan trọng của tỉnh Moesia (La Mã), nằm ở Serbia ngày nay.

Theo Reuters, nơi rộng lớn này từng có khoảng 45.000 dân cư sinh sống với trường đua ngựa, cung điện, đền thờ, nhà hát, cống dẫn nước, nhà tắm và nhà xưởng. Ước tính thành phố tồn tại từ giữa thế kỷ thứ I và thứ VI.

Tàn tích của khải hoàn môn 800 năm tuổi được khai quật ở Serbia
Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra khải hoàn môn này khi khai quật Viminacium. Ảnh: Reuters

Dựa trên những hiện vật đã phát hiện, các nhà khảo cổ học kết luận khải hoàn môn được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ II hoặc muộn nhất là những năm đầu thế kỷ thứ III sau Công nguyên.

Nó được xây dựng theo phong cách của một khối tứ tháp, với một tượng đài hình chữ nhật cùng nhiều lối đi hình vòm.

Một mảnh đá cẩm thạch với dòng chữ “CAES/ANTO” ngụ ý rằng phần vòm này được dành riêng cho Hoàng đế Marcus Aurelius Antoninus (còn được biết đến với cái tên Caracalla), người trị vì từ năm 198 đến năm 217 sau Công nguyên.

Tàn tích của khải hoàn môn 800 năm tuổi được khai quật ở Serbia
Tàn tích được khai quật tại Serbia. Ảnh: Viện khảo cổ Serbia

Khải hoàn môn là ví dụ mang tính biểu tượng và có ảnh hưởng của kiến trúc La Mã cổ đại. Những công trình kiến trúc này được người La Mã thiết kế một cách khéo léo, thành thạo và nhằm kỷ niệm các sự kiện quan trọng trong xã hội La Mã.

Tàn tích của khải hoàn môn 800 năm tuổi được khai quật ở Serbia
Những tuyệt tác kiến trúc này đóng vai trò là biểu tượng lâu dài của quyền lực, chiến thắng và niềm tự hào của người dân La Mã. Ảnh: Viện khảo cổ Serbia

Những cuộc khai quật Viminacium đã diễn ra từ năm 1882, nhưng các nhà khảo cổ tin rằng họ chỉ mới khai quật được 5% diện tích của khu vực rộng 450ha.

Những hiện vật được khai quật cho đến nay bao gồm 2 con tàu La Mã, gạch vàng, tiền xu, tác phẩm điêu khắc bằng ngọc bích, vật phẩm tôn giáo, tranh khảm, bích họa, vũ khí và hoá thạch của 3 con voi ma mút.

>> ‘Pháo đài’ khổng lồ 4.000 năm tuổi được phát hiện giữa hoang mạc, bên trong là khu định cư rộng 1.100ha

'Pháo đài' cổ được xây dựng từ 10.000 tấn đá, nằm trên đầm lầy hơn 100 năm mà không sụt lún

Pháo đài 500 năm tuổi ‘bất khả xâm phạm’, bất tử suốt trăm năm giữa biển khơi

'Pháo đài' khổng lồ 900 năm tuổi được mệnh danh 'hóa thạch sống', UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tan-tich-cua-khai-hoan-mon-800-nam-tuoi-duoc-khai-quat-o-serbia-223500.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Tàn tích của khải hoàn môn 800 năm tuổi được khai quật ở Serbia
POWERED BY ONECMS & INTECH