Tăng trưởng GRDP đạt kỷ lục, Nam Định được quy hoạch thế nào trong tương lai?

23-01-2024 01:00|Yên Hoàng

Năm 2023, tăng trưởng GRDP của Nam Định đứng thứ 6 cả nước.

Ngày 19/1/2024, Tỉnh ủy Nam Định tổ chức gặp mặt báo chí thông tin kết quả về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Nam Định, trong năm 2023, Nam Định đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, các chỉ tiêu cơ bản phát triển kinh tế, xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Cụ thể, tổng sản phẩm GRDP tăng 10,19% (cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 6 cả nước). Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,58%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 17%; tổng thu ngân sách đạt 10.400 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XX đề ra.

Tăng trưởng GRDP đạt kỷ lục, Nam Định được quy hoạch thế nào trong tương lai?
Năm 2023, tổng sản phẩm GRDP của Nam Định tăng 10,19%, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 6 cả nước

Năm 2023, Nam Định đã khởi công và triển khai xây dựng khu công nghiệp Mỹ Thuận, nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nghĩa Hưng, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, cụm công nghiệp Yên Bằng…

Về thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, trong năm 2023, Nam Định đã thu hút được nhiều dự án trọng điểm như ba dự án của Tập đoàn Xuân Thiện với tổng mức đầu tư là 98.000 tỷ đồng, dự án của Tập đoàn Quanta với tổng mức đầu tư 120 triệu USD, ký kết thỏa thuận phát triển dự án đầu tư với Tập đoàn Sunrise Material…

Về quy hoạch tỉnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

> > Lộ diện quy hoạch 26 đô thị tại Cà Mau đến năm 2025

Theo nội dung quyết định, phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ tỉnh Nam Định với diện tích tự nhiên 1.668,8km2; 10 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố, 9 huyện) và phần không gian biển được xác định.

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Nam Định trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; là tỉnh phát triển khá của cả nước, một trong những trung tâm phát triển quan trọng của vùng nam đồng bằng sông Hồng.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Nam Định phấn đấu tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 khoảng 9,5%/năm.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đến năm 2030, tỷ trọng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 12%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 50%; dịch vụ chiếm khoảng 38%.

GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 160-180 triệu đồng.

Tỉnh tập trung phát triển 4 trung tâm đô thị động lực chủ đạo gồm TP. Nam Định mở rộng và các đô thị đối trọng (thị trấn Nam Giang và đô thị Cao Bồ); Thịnh Long - Rạng Đông (gồm thị trấn Rạng Đông, Quỹ Nhất, Thịnh Long, khu kinh tế Ninh Cơ); Cao Bồ (thị trấn Lâm, đô thị 4 xã và thị trấn Bo thuộc huyện Ý Yên); Giao Thủy (thị trấn Quất Lâm, Giao Thủy, đô thị Đại Đồng).

5 hành lang kinh tế động lực bao gồm quốc lộ 10 (TP. Nam Định - Cao Bồ); cao tốc Bắc Nam nối dài (Hà Nội - Cao Bồ - Rạng Đông); kinh tế ven biển (Nghĩa Hưng - Hải Hậu - Giao Thủy); quốc lộ 21 và tuyến đường từ TP. Nam Định - Xuân Trường - Giao Thủy; tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng.

Tăng trưởng GRDP đạt kỷ lục, Nam Định được quy hoạch thế nào trong tương lai?
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Nam Định phấn đấu tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 khoảng 9,5%/năm

Tỉnh cũng phát triển theo hướng hình thành các đô thị lớn, có mối liên kết mạnh với nhau, trong đó ưu tiên phát triển TP. Nam Định (mở rộng) trở thành đô thị xanh, thông minh, đạt tiêu chí đô thị loại I vào giai đoạn năm 2030, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với đô thị hóa nông thôn.

Quy hoạch cũng thiết lập hệ thống đô thị và các khu công nghiệp tập trung quy mô lớn, kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng đồng bằng sông Hồng, cả nước và khu vực.

Về phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, Nam Định chú trọng phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế động lực chủ đạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm công nghiệp của vùng nam đồng bằng sông Hồng. Đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GRDP của tỉnh Nam Định chiếm trên 50%.

Về du lịch, Nam Định phát triển du lịch theo hướng bền vững và đa dạng hóa sản phẩm, phấn đấu năm 2030 trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, điểm đến an toàn, hấp dẫn của vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Bộ.

Tỉnh cũng từng bước khẳng định một số thương hiệu đặc thù như khu du lịch biển Quất Lâm, Thịnh Long, Rạng Đông..., các di tích lịch sử, văn hóa như khu di tích thời Trần, Phủ Dầy..., du lịch văn hóa, tín ngưỡng, du lịch cộng đồng.

> > 'Thủ phủ' cà phê Việt Nam sẽ được quy hoạch có 31 đô thị

Tuyến cao tốc gần 20.000 tỷ đi qua Nam Định và Thái Bình: Sẽ sở hữu 9 cây cầu, 5 nút giao dự kiến hoàn thành trong năm 2027

Thành phố phía Bắc vừa được Chính phủ công nhận đạt đô thị loại II: 'Đất học' hơn 760 tuổi từng lớn thứ 3 miền Bắc, là trung tâm của tiểu vùng Nam Đồng bằng sông Hồng

Sáp nhập 1 huyện vào thành phố, Nam Định sẽ lên đô thị loại II

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tang-truong-grdp-dat-ky-luc-nam-dinh-duoc-quy-hoach-the-nao-trong-tuong-lai-220851.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Tăng trưởng GRDP đạt kỷ lục, Nam Định được quy hoạch thế nào trong tương lai?
POWERED BY ONECMS & INTECH