Tập đoàn CMC ra mắt AI University, từ đại học số đến đại học AI
AI University sẽ là một bước chuyển có tính lịch sử của Trường Đại học CMC.
Ngày 22/7, tại Hội nghị chiến lược của Trường Đại học CMC, ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn công nghệ CMC kiêm Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học CMC đã chính thức công bố ra mắt “AI University”.
Góp mặt tại sự kiện có nhiều lãnh đạo cấp cao Tập đoàn công nghệ CMC (Mã CK: CMG), Trường Đại học CMC, Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC ATI, các doanh nghiệp đối tác cùng đông đảo giảng viên, cán bộ nhân viên, sinh viên.
Trường Đại học CMC chính thức công bố ra mắt “AI University” |
Chuyển đổi từ “Digital University” sang “AI University”
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Trung Chính cho biết Tập đoàn Công nghệ CMC được thành lập và phát triển tới nay đã hơn 30 năm. Tập đoàn luôn tiên phong trong đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới. Do đó, ngay từ khi thành lập trường đại học, ban lãnh đạo đã xác định dựa trên thế mạnh cốt lõi của tập đoàn là công nghệ để xây dựng Trường Đại học CMC trở thành mô hình trường đại học số (Digital University) đầu tiên của Việt Nam.
Hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra những thay đổi quan trọng trong cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, có tác động sâu rộng với sức lan tỏa mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Việc chuyển đổi từ "Digital University" sang "AI University" sẽ là một bước tiến quan trọng, thể hiện cam kết của Trường Đại học CMC trong việc ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào quản trị vận hành, giảng dạy, học tập, nghiên cứu, trải nghiệm sinh viên.
Trường Đại học CMC mục tiêu trở thành một môi trường học tập hiện đại, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực ứng dụng AI cho sinh viên, cán bộ nhân viên, giảng viên và các nhà nghiên cứu.
"AI University sẽ là một bước chuyển có tính lịch sử của Trường Đại học CMC" – Chủ tịch Nguyễn Trung Chính nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn công nghệ CMC kiêm Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học CMC |
AI đem lại nhiều lợi ích trong việc dạy và học
Chia sẻ tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thanh Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học CMC đã chỉ ra nhiều lợi ích của AI trong việc dạy và học.
Với hoạt động giảng dạy: AI có thể được tích hợp vào hệ thống quản lý học tập để cá nhân hóa lộ trình học tập cho từng sinh viên; AI có thể “dạy kèm” theo nghĩa giải thích lại các khái niệm khó hiểu và cung cấp thêm bài tập thực hành; đưa ra các phản hồi chi tiết cho sinh viên về bài làm đồng thời chỉ ra các lỗi sai và gợi ý cách cải thiện; tạo ra các bài giảng sinh động thông qua hình ảnh, video tự động kèm giải thích chi tiết hoặc thậm chí là mô phỏng và thực tế ảo (VR).
Với hoạt động học tập và nghiên cứu: AI có thể gợi ý các kế hoạch học tập hiệu quả dựa trên dữ liệu cá nhân của sinh viên; đưa ra các phân tích dữ liệu học tập, xác định xu hướng và dự đoán tương lai; tạo các bài viết, báo cáo nghiên cứu, giải bài tập tự động; xử lý và phân tích nhanh chóng các tập dữ liệu lớn; tạo các mô hình dự báo, giúp các nhà nghiên cứu dự đoán kết quả nghiên cứu và kiểm tra giả thuyết; kiểm tra đạo văn và đảm bảo tính liêm chính trong học thuật.
Trường Đại học CMC |
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, TS. Đặng Minh Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC ATI đồng thời là Trưởng khoa Vi điện tử và Truyền thông Trường Đại học CMC đã giới thiệu về nhiều công nghệ lõi được chính CMC nghiên cứu và phát triển:
CIVAMS: là giải pháp nhận diện khuôn mặt ứng dụng công nghệ xử lý ảnh thông minh, sử dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo nhằm bảo đảm an ninh toàn diện cho trường học.
C-OCR: là công nghệ nhận dạng ký tự quang học, ứng dụng các công nghệ Deep learning, Visually rich documents, Information extraction có khả năng linh hoạt trích xuất thông tin từ bất cứ layout văn bản nào với độ chính xác tới 98,9%.
C-Voice: giải pháp chuyển đổi linh hoạt giữa âm thanh và văn bản Speech to text và Text to speech, giúp lưu trữ và xây dựng hệ thống học liệu, đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên và chất lượng học tập của sinh viên thông qua phân tích âm thanh trong lớp học.
C-Chatbot: trợ lý ảo C-Chatbot dựa trên thuật toán AI với khả năng tương tác như con người, sử dụng công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên NLP và hệ thống quản trị tri thức KMS.
C-GTrust: là giải pháp truy xuất nguồn gốc văn bản, giúp đảm bảo công khai minh bạch toàn bộ thông tin với nền tảng công nghệ blockchain, tăng tính minh bạch, hỗ trợ quản lý văn bản, hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ.
C-HR: là nền tảng ứng dụng công nghệ AI nhằm số hoá tự động dữ liệu CV, tìm kiếm nâng cao và gợi ý thông minh ứng viên phù hợp, giúp tìm kiếm và xây dựng một đội ngũ quản lý giáo dục, nhân sự và giảng viên chất lượng.
C-Remote Signing: Công nghệ C-Remote Signing cung cấp một giải pháp hiệu quả và tiện lợi cho việc ký số từ xa với tốc độ lên đến 200 chữ ký số/giây, giúp hỗ trợ tối ưu hóa các thủ tục hành chính, giúp học sinh, sinh viên ký các văn bản, biểu mẫu, làm thủ tục nhập học từ xa, đảm bảo tính pháp lý và độ tin cậy cao.
Về kế hoạch triển khai mô hình Đại học AI, trong giai đoạn đầu CMC sẽ tập trung vào việc đầu tư trang bị cơ sở hạ tầng công nghệ và giải pháp bằng chính năng lực công nghệ của Tập đoàn cũng như thông qua hợp tác với các đối tác lớn của CMC như Microsoft, Google, Amazon, Intel, Synopsys. Song song với đó, Tập đoàn cũng chú trọng đào tạo năng lực AI cho đội ngũ giảng viên và cán bộ nhân viên. Sinh viên CMC sẽ được đào tạo, hướng dẫn sử dụng AI như là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc học tập và nghiên cứu một cách có trách nhiệm, đảm bảo liêm chính học thuật.