Doanh nghiệp

Ván cược đầu tiên của FPT: 1 năm đứng bán ở 'chợ người' nhưng ế, sang Mỹ cũng không xong, bất ngờ 'chốt' được khách VIP

Hoàng Ngân 21/07/2024 - 11:00

FPT đã đi vay ngân hàng 1 triệu USD để đặt ván cược đầu tiên.

Cách đây 25 năm, rất ít thông tin về Việt Nam xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nước ngoài. Những năm 1999, 2000 khi hiếm có doanh nghiệp Việt bước ra thị trường thế giới thì FPT quyết định tiên phong xuất khẩu phần mềm, đặt tham vọng ghi dấu Việt Nam trên bản đồ công nghệ số thế giới.

Ngày 26-27/9/1998, hội nghị "Diên Hồng" của FPT đã diễn ra tại Đồ Sơn, Hải Phòng, nhằm thảo luận về chiến lược xuất khẩu phần mềm. Ông Trương Gia Bình, người sáng lập FPT, đã trình bày báo cáo với những mục tiêu đầy tham vọng: Đạt doanh thu xuất khẩu phần mềm 50 triệu USD vào năm 2000 và 100 triệu USD vào năm 2005, trở thành tập đoàn công nghệ tầm cỡ khu vực vào năm 2005, và toàn cầu hóa vào năm 2010.

Ván cược đầu tiên của FPT: 1 năm đứng bán ở 'chợ người' nhưng ế, sang Mỹ cũng không xong, bất ngờ 'chốt' được khách VIP
Bức ảnh được cho là chụp đầy đủ nhất nhà Sáng lập FPT, cùng Trung tướng, cựu Phó Thủ tướng Đồng Sỹ Nguyên (đội mũ, đứng giữa). Ảnh: FPT

Để thực hiện mục tiêu, FPT quyết định đầu tư 1 triệu USD, số tiền tương đương với toàn bộ vốn tích lũy trong 10 năm hoạt động. Để có số tiền này, FPT đã vay từ Ngân hàng BIDV. "Nếu hết 1 triệu USD mà chưa có đường ra thì giải tán", ông Đỗ Cao Bảo - thành viên HĐQT FPT nhớ lại, ông cũng nhận định “đó là một quyết định quan trọng nhất, có giá trị nhất trong lịch sử FPT".

Năm 1999, FPT chính thức bước ra ra ''biển lớn'' khi mở văn phòng tại Bangalore, Ấn Độ, nơi được xem là Silicon Valley của châu Á. Theo ông Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc FPT kiêm Tổng Giám đốc FPT Software, khi đó, người FPT có niềm tin rằng: “Ấn Độ là cái chợ phần mềm, và cứ ra chợ đứng thì kiểu gì cũng kiếm được người mua”. Tuy nhiên, sau 1 năm “đứng” ở chợ phần mềm Ấn Độ, việc bán phần mềm không như mong đợi. Năm 2000, chi nhánh FPT India chuyển thành văn phòng đại diện và đóng cửa một thời gian ngắn sau đó vì không có bất kỳ một hợp đồng nào.

Sau đó, FPT nhận ra cần chuyển hướng từ sản xuất sản phẩm đóng gói sang gia công phần mềm cho các thị trường lớn như Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản. Ngoài ra, việc phát triển phần mềm cũng cần chuyển từ sản xuất thủ công sang sản xuất công nghiệp theo quy trình ISO hoặc CMM.

Lựa chọn tiếp theo là nước Mỹ. Năm 2000, FPT mở tiếp văn phòng tại Silicon Valley, thậm chí còn thuê cả “Tây” làm giám đốc bán hàng. Sau khi giành được một số hợp đồng ban đầu, FPT USA cũng gặp khó khăn do cuộc khủng hoảng dot-com vào năm 2000. Văn phòng FPT USA cuối cùng cũng phải đóng cửa sau nhiều nỗ lực cứu vãn tình hình.

Ván cược đầu tiên của FPT: 1 năm đứng bán ở 'chợ người' nhưng ế, sang Mỹ cũng không xong, bất ngờ 'chốt' được khách VIP
Ảnh: FPT

>> FPT khai trương văn phòng mới tại đặc khu kinh tế và công nghệ cao của Malaysia

“Ở thời điểm đầu tiên khi đi ra nước ngoài, FPT đã phải “đơn thương độc mã”, chúng tôi phải mất 5 năm để thuyết phục được các doanh nghiệp công nghệ khác đi theo con đường xuất khẩu phần mềm”, ông Trương Gia Bình nhớ lại. Tới năm 2002, với việc kêu gọi thành lập Hiệp hội Phần mềm và CNTT Việt Nam (VINASA), FPT đã có những người đồng hành. VINASA cùng với các doanh nghiệp như FPT, CMC, TMA, Hài Hòa…đã cùng nhau vươn ra khắp thế giới.

FPT quyết định chuyển hướng sang thị trường Nhật Bản và may mắn gặp được ông Nishida, nguyên Giám đốc điều hành Tập đoàn Sumimoto, người đã giúp FPT tiếp cận các công ty hàng đầu tại Nhật. Tháng 12/2000, FPT ký hợp đồng phần mềm đầu tiên với NTT-IT. Tháng 4/2003, FPT tiếp tục ký hợp đồng với 5 công ty Nhật, trong đó có Hitachi, NTT và NEC.

Chủ tịch Trương Gia Bình kể lại:“Trong giai đoạn đầu tiếp cận đối tác, khách hàng Nhật Bản, vì không biết tiếng Nhật nên chúng tôi bị khách hàng nói khéo, “Chúng tôi rất muốn hợp tác với FPT nhưng các bạn chờ chúng tôi học xong tiếng Anh đã”. Để trả lời các đối tác Nhật Bản, tôi khẳng định “Chúng tôi sẽ học tiếng Nhật để quay lại bàn chuyện hợp tác với các bạn bằng tiếng Nhật”.

Và giờ Nhật Bản là thị trường lớn nhất với doanh thu chiếm khoảng 50% tổng doanh thu dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài của FPT, đưa FPT trở thành một trong những doanh nghiệp công nghệ nước ngoài có quy mô nhân sự lớn nhất tại đây.

Ván cược đầu tiên của FPT: 1 năm đứng bán ở 'chợ người' nhưng ế, sang Mỹ cũng không xong, bất ngờ 'chốt' được khách VIP
Ông Trương Gia Bình và những thành viên đầu tiên của FPT

Sau 35 năm hình thành và 25 năm vươn ra toàn cầu, đến nay, FPT đã hiện diện tại gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, cung ứng dịch vụ, giải pháp công nghệ chuyển đổi số đến hơn 1.000 khách hàng, trong số đó có gần 100 khách hàng thuộc Top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới (Fortune Global 500).

Hiện nay, xuất khẩu phần mềm của FPT đã đạt 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng cao nhất và có tăng trưởng cao nhất trong FPT. Ông Đỗ Cao Bảo nhận định rằng công nghệ AI sẽ đóng góp lớn nhất vào kết quả kinh doanh và tăng trưởng của FPT trong những năm tới.

Mới đây, chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã tuyên bố một bước ngoặt lịch sử khi quyết định "đặt cược" tương lai của FPT vào trí tuệ nhân tạo (AI). Ông Trương Gia Bình khẳng định: "FPT tiết kiệm từng xu từng hào, nhưng chúng ta đã cá cược lớn đến thế, vì chúng ta tin tưởng vào AI".

Có thể nói, FPT đang dồn lực bước vào cuộc ''đặt cược'' lịch sử lần thứ 2 mang tên AI, hy vọng rằng AI sẽ mang lại thành công lớn như giấc mơ xuất khẩu phần mềm mà doanh nghiệp này đã từng chinh phục.

>> Chuyên gia AI của FPT vừa được phong hàm Giáo sư tại Vương quốc Anh

FPT khai trương văn phòng mới tại đặc khu kinh tế và công nghệ cao của Malaysia

Chuyên gia AI của FPT vừa được phong hàm Giáo sư tại Vương quốc Anh

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/van-cuoc-dau-tien-cua-fpt-1-nam-dung-ban-o-cho-nguoi-nhung-e-sang-my-cung-khong-xong-bat-ngo-chot-duoc-khach-vip-242618.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Ván cược đầu tiên của FPT: 1 năm đứng bán ở 'chợ người' nhưng ế, sang Mỹ cũng không xong, bất ngờ 'chốt' được khách VIP
POWERED BY ONECMS & INTECH