Tập đoàn Đức và tỉnh Bình Định thúc đẩy dự án điện gió ngoài khơi 4,6 tỷ USD
Tập đoàn PNE thể hiện quyết tâm cao trong việc triển khai dự án, đề xuất quy mô công suất 2.000MW, tổng mức đầu tư lên đến 4,6 tỷ USD.
Sáng ngày 22/10, UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn PNE (Cộng hòa Liên bang Đức) đã có buổi làm việc để thảo luận về dự án điện gió ngoài khơi trị giá 4,6 tỷ USD. Hai bên đi dọc bờ biển để khảo sát thực hiện dự án.
Tập đoàn PNE thể hiện quyết tâm cao trong việc triển khai dự án, với đề xuất quy mô công suất 2.000MW, chia thành 3 giai đoạn, tổng mức đầu tư lên đến 4,6 tỷ USD (mỗi giai đoạn khoảng 1,5 tỷ USD). Khi hoàn thành và đi vào vận hành, dự án sẽ cung cấp khoảng 7,1 tỷ kWh điện mỗi năm cho lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và phục vụ cho sự phát triển kinh tế của cả địa phương và khu vực.
Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định và ông Per Hornung Pedersen, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành tập đoàn PNE (Đức) làm việc sáng 22/10. Ảnh: Trang Trang |
Dự kiến khi hoàn thành dự án sẽ mang lại nguồn thu ngân sách hàng năm cho tỉnh Bình Định khoảng 1.600 tỷ đồng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo thêm nhiều việc làm và gia tăng thu ngân sách. Đồng thời, dự án cũng hiện thực hóa chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030 đã được phê duyệt.
PNE là tập đoàn có bề dày kinh nghiệm hơn 25 năm trong lĩnh vực phát triển các dự án điện gió trên bờ và ngoài khơi.
Đề xuất làm dự án điện gió trị giá 1,5 tỷ USD tại Bình Định từng được PNE nêu tại buổi làm việc với Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam và tỉnh Bình Định 4 năm trước.
Với đường bờ biển dài 134km, Bình Định được đánh giá là vị trí lý tưởng để phát triển điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, dự án từng gặp khó khăn do thiếu khung pháp lý và cơ chế đặc thù.
Ông Phạm Anh Tuấn (áo xanh) và các lãnh đạo PNE xem bản đồ bên bờ biển để chọn vị trí thực hiện dự án. Ảnh: Trang Trang |
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Phạm Anh Tuấn, nhấn mạnh rằng để dự án có thể triển khai suôn sẻ, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các bộ ngành liên quan và nhà đầu tư. Ông cũng bày tỏ sự chào đón nồng nhiệt đối với Tập đoàn PNE và mong muốn thường xuyên được đón tiếp các doanh nghiệp Đức đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Bình Định.
Ngoài PNE, trước đây đã có nhiều nhà đầu tư quốc tế quan tâm đến lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, như Tập đoàn CIP (Đan Mạch) với đề xuất dự án điện gió ngoài khơi La Gàn có công suất 3,5GW tại Bình Thuận. Cách đây hơn hai năm, có 36 nhà đầu tư trong nước xin phép khảo sát điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu tạm dừng cấp phép do gặp vướng mắc về pháp lý.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam ước tính khoảng 600GW, và nguồn năng lượng này có thể đáp ứng 12% tổng sản lượng điện quốc gia vào năm 2035.
>>'Tân binh' bất động sản muốn đăng ký thực hiện dự án bến cảng 275ha tại Bình Định
'Tân binh' bất động sản muốn đăng ký thực hiện dự án bến cảng 275ha tại Bình Định
Bình Định mời gọi nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường