Tập đoàn Nga rao bán 49% cổ phần tại siêu dự án điện hạt nhân 25 tỷ USD, tích cực đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu Rosatom tìm đối tác chia sẻ cổ phần.
Tập đoàn hạt nhân nhà nước Nga Rosatom xác nhận đang cân nhắc bán 49% cổ phần trong dự án Nhà máy điện hạt nhân Akkuyu tại Thổ Nhĩ Kỳ – bước đi đã được quy định trong thỏa thuận liên chính phủ ký từ năm 2010.

“Chúng tôi đang tiếp tục đàm phán với các đối tác tiềm năng, trong đó có nhiều công ty Thổ Nhĩ Kỳ. Mọi quyết định lựa chọn đối tác đều cần có sự phê duyệt từ phía Ankara”, Rosatom cho biết.
Theo đó, Rosatom đang tìm kiếm nhà đầu tư trong và ngoài nước để chuyển nhượng gần một nửa cổ phần tại nhà máy có tổng mức đầu tư 25 tỷ USD. Tổ máy số 1 hiện đang ở giai đoạn chạy thử và dự kiến phát điện thương mại từ năm 2026.
Đây không phải lần đầu Rosatom tìm đối tác chia sẻ cổ phần. Năm 2018, liên danh gồm ba tập đoàn Thổ Nhĩ Kỳ – Cengiz Holding, Kolin Insaat và Kalyon Insaat – đã rút khỏi thương vụ do không thống nhất được các điều kiện thương mại.
Dự án Akkuyu là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm 4 tổ máy sử dụng công nghệ lò phản ứng VVER thế hệ 3+ do Nga thiết kế, mỗi tổ máy có công suất 1.200 MWt.
Theo ông Anton Dedusenko – Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Akkuyu Nuclear, đơn vị trực tiếp triển khai dự án – hiện nay các công việc xây dựng chính tại tổ máy số 1 đã hoàn tất. Dự án đang bước vào giai đoạn thử nghiệm kỹ thuật cuối cùng trước khi phát điện.
Ông Dedusenko nhấn mạnh, đây là một dự án mang tính quốc tế, với sự tham gia của hơn 10 quốc gia và thiết bị được nhập khẩu từ nhiều nước. Đồng thời, dự án đã thúc đẩy đáng kể nền kinh tế địa phương: hơn 1.000 doanh nghiệp mới được thành lập tại khu vực kể từ khi nhà máy khởi công, hàng trăm công ty nội địa ký hợp đồng cung ứng và hàng nghìn việc làm được tạo ra.
Trong khi đó tại Nga, Rosatom cũng đang chuẩn bị khởi động một dự án hạt nhân mới. Theo kế hoạch, việc xây dựng hai tổ máy đầu tiên của Nhà máy điện hạt nhân Kola 2 – tọa lạc tại vùng Murmansk – sẽ bắt đầu từ năm 2027 và kéo dài đến năm 2037.
Giám đốc điều hành Rosatom, ông Alexey Likhachev, cho biết Kola 2 sẽ là nhà máy đầu tiên sử dụng tổ máy công suất trung bình 600 MW với thiết kế hiện đại, hứa hẹn mang lại động lực mới cho tăng trưởng kinh tế – xã hội và công nghiệp tại khu vực phía Bắc nước Nga.
Tập đoàn hạt nhân nhà nước Nga Rosatom và Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự từ nhiều năm qua, với trọng tâm là nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ.
Một trong những dự án tiêu biểu là Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Hạt nhân dự kiến xây dựng tại Đồng Nai, sử dụng lò phản ứng nghiên cứu do Nga thiết kế, phục vụ các mục tiêu y tế, công nghiệp và đào tạo nhân lực.
Rosatom cũng đang phối hợp với các đối tác Việt Nam thúc đẩy thảo luận về khả năng phát triển điện hạt nhân trong dài hạn, trong bối cảnh nhu cầu năng lượng của Việt Nam ngày càng tăng cao và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ngoài ra, hai bên còn hợp tác trong lĩnh vực quản lý an toàn bức xạ, hỗ trợ kỹ thuật cho Cơ quan pháp quy hạt nhân Việt Nam và triển khai các chương trình đào tạo chuyên gia tại Nga.
Rosatom coi Việt Nam là một đối tác chiến lược trong khu vực Đông Nam Á, và các bước triển khai hiện nay được đánh giá là nền tảng cho sự hợp tác sâu rộng hơn trong tương lai.
>> Nền kinh tế thứ hai Đông Nam Á lung lay: Tăng trưởng lao dốc, khủng hoảng chính trị rình rập
Mỹ khẳng định ưu tiên kết thúc xung đột Nga - Ukraine
Tổng thống Nga, Tổng thống Pháp bất ngờ nối lại liên lạc sau gần 3 năm