Mỹ bất ngờ 'bật đèn xanh' cho dự án điện hạt nhân của Nga, nới lỏng trừng phạt: Ông Trump toan tính gì?
Động thái này được giới quan sát đánh giá là tín hiệu cho thấy Washington đang điều chỉnh chiến lược địa chính trị trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao liên quan đến xung đột Nga – Ukraine đang tăng tốc.
Khi châu Âu vẫn đang loay hoay tìm cách cắt giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga, một động thái bất ngờ từ Mỹ lại mở ra cánh cửa mới cho một dự án điện hạt nhân quan trọng có bàn tay Moscow. Quyết định này không đơn thuần mang tính kỹ thuật mà được cho là có thể báo hiệu sự xoay chuyển mang tính chiến lược trong tính toán địa chính trị của Washington.
Cuối tuần qua, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành giấy phép chung (general license), cho phép một loạt ngân hàng lớn của Nga – bao gồm Gazprombank, Sberbank, VTB và Alfa-Bank – tiếp tục thực hiện các giao dịch liên quan đến năng lượng hạt nhân dân sự.
Điều này đồng nghĩa với việc các rào cản tài chính từng khiến dự án nhà máy điện hạt nhân Paks-2 ở Hungary bị đình trệ nay đã được gỡ bỏ.
Paks-2 là một công trình trọng điểm trong chiến lược an ninh năng lượng của Hungary với tổng vốn đầu tư 12,5 tỉ euro, trong đó 10 tỉ euro đến từ khoản vay của Nga. Dự án nhằm xây dựng 2 lò phản ứng mới tại tổ hợp điện hạt nhân Paks – cơ sở đang đảm nhiệm gần một nửa sản lượng điện cả nước.

Trước đó, các biện pháp trừng phạt đã khiến dòng vốn từ Nga thông qua Gazprombank bị chặn đứng, khiến tiến độ xây dựng gần như đóng băng. Budapest đã nhiều lần kêu gọi Washington cấp miễn trừ, và giờ đây nỗ lực đó đã có kết quả.
Phát biểu ngày 29/6, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto xác nhận: “Chính phủ Mỹ đã quyết định gỡ bỏ các giới hạn liên quan đến đầu tư vào nhà máy Paks. Đây là bước ngoặt then chốt đối với an ninh năng lượng của chúng tôi”.
Bên cạnh đó, ông cũng không ngần ngại chỉ trích Washington: “Mỹ từng có những quyết định mang tính chính trị khiến Hungary rơi vào thế khó, đặc biệt là nỗ lực cản trở việc xây dựng Paks-2”.
Tuy nhiên, ông cho rằng tình hình đã thay đổi khi “Mỹ có một Tổng thống mới coi Hungary là bạn” – ám chỉ ông Donald Trump, người từng duy trì quan hệ thân thiết với Thủ tướng Viktor Orbán.

Được biết giấy phép của OFAC không chỉ mở lối cho Gazprombank mà còn áp dụng với Ngân hàng Trung ương Nga, các tổ chức tín dụng lớn khác và tất cả các giao dịch dân sự liên quan đến năng lượng hạt nhân.
Giới quan sát đánh giá rằng bước đi này có thể phản ánh một sự điều chỉnh mềm mại trong chính sách của Mỹ – từ lập trường đối đầu gay gắt sang cách tiếp cận linh hoạt hơn, nhất là trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột Ukraine đang được thúc đẩy.
Kể từ khi chiến sự Nga – Ukraina bùng nổ, Hungary nổi lên như tiếng nói phản đối mạnh mẽ nhất trong EU đối với các biện pháp trừng phạt sâu rộng nhằm vào Moscow. Budapest lập luận rằng các lệnh trừng phạt không phục vụ lợi ích quốc gia của họ, khi 80% lượng khí đốt và hơn 60% dầu nhập khẩu của Hungary vẫn đến từ Nga.
Không chỉ duy trì các hợp đồng dài hạn với Gazprom, Hungary còn nhiều lần phủ quyết đề xuất của EU về việc loại bỏ hoàn toàn năng lượng Nga trước năm 2027. Mới đây, Budapest tiếp tục bác bỏ đề xuất của Ủy ban châu Âu về việc loại khí đốt Nga khỏi thị trường năng lượng chung của EU.
Ông Trump dỡ bỏ hàng loạt lệnh trừng phạt của Mỹ với Syria
Mỹ không kích Iran, ông Trump vẫn tuyên bố ‘nếu họ biết điều, tôi sẽ gỡ trừng phạt’