Tập đoàn Sơn Hải: Dự án cao tốc 25.000 tỷ đồng sẽ giúp từ Nha Trang đi Đà Lạt chỉ mất 1 giờ
Dự án này được kỳ vọng sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa để bàn về công tác chuẩn bị đầu tư cho ba dự án cao tốc quan trọng gồm Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, và Nha Trang - Đà Lạt.
Theo báo cáo từ tỉnh Khánh Hòa, dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt có tổng chiều dài khoảng 80,8km, trong đó 44km đi qua địa phận Khánh Hòa và 36,8km qua Lâm Đồng. Dự án được thiết kế với quy mô 4 làn xe ô tô, tốc độ cho phép 80-100 km/h, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 25.058 tỷ đồng và thời gian thực hiện từ năm 2024 đến 2028.
Để hạn chế tối đa tác động đến diện tích rừng, đơn vị tư vấn đã đề xuất các giải pháp kỹ thuật như cầu cạn, tường chắn, cầu đúc hẫng khẩu độ lớn, kéo dài hầm… Những giải pháp này giúp diện tích rừng dùng để triển khai dự án giảm từ 627ha xuống 502ha.
Dự kiến khi hoàn thành, cao tốc Nha Trang - Đà Lạt sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai địa phương xuống còn 1,5-2 giờ, thay vì 3,5-4 giờ như hiện nay qua Quốc lộ 27C.
Ảnh minh hoạ dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt |
>> Hé lộ doanh nghiệp muốn làm dự án cao tốc vượt núi đẹp nhất Việt Nam, quy mô 25.000 tỷ
Còn theo ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải (đơn vị đề xuất dự án) cho biết hiện Nha Trang đi Đà Lạt chỉ có một tuyến đường là Quốc lộ 27C, thời gian di chuyển mất 3-4 giờ kèm địa hình phức tạp, dễ sạt lở. Tuy nhiên với tốc độ xe 100 km/h, nếu dự án được đầu tư triển khai thì thời gian di chuyển chỉ còn khoảng 1 giờ.
Ông Hải cũng lưu ý, với tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng thì thời gian thu hồi vốn dự kiến kéo dài hơn 27 năm. Tuy nhiên, địa hình đặc biệt phức tạp với độ chênh rất cao giữa điểm đầu và điểm cuối (hơn 1.500m) đòi hỏi suất đầu tư cao, và dự án cần được hưởng cơ chế đặc thù để triển khai tiếp các thủ tục.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh giai đoạn chuẩn bị đầu tư là rất quan trọng, yêu cầu Tập đoàn Sơn Hải, các địa phương và Bộ Giao thông Vận tải phối hợp chặt chẽ, đặc biệt là trong việc xác định hướng tuyến và các giải pháp kỹ thuật.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao hai địa phương, nhà đầu tư đề xuất dự án đã quyết tâm, nỗ lực trong công tác chuẩn bị để thực hiện trước một dự án quan trọng kết nối duyên hải Nam Trung bộ và các tỉnh Tây Nguyên, vùng Đông Nam bộ, các trung tâm kinh tế, cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, không gian phát triển mới…