Tàu hàng từ Trung Quốc qua kênh đào Panama bị hủy hàng loạt, chuyện gì đang xảy ra?
Kênh đào Panama – tuyến đường thủy quan trọng kết nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương – đang trở thành "chiến trường" mới trong cuộc chiến thương mại toàn cầu do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng.
Sau nhiều năm chống chọi với hạn hán nghiêm trọng do hiện tượng El Niño, giờ đây tuyến vận tải huyết mạch này tiếp tục đối mặt với rủi ro suy giảm hoạt động vì làn sóng áp thuế mạnh tay từ Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc.
Theo thống kê, khoảng 40% lượng container vận chuyển đến và đi từ Mỹ mỗi năm đi qua kênh đào Panama, tương đương khoảng 270 tỷ USD hàng hóa. Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia sử dụng kênh đào này nhiều nhất. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu liên tục gián đoạn những năm gần đây, vai trò của kênh đào Panama ngày càng quan trọng.
Dù bị ảnh hưởng bởi khô hạn, doanh thu của Cơ quan quản lý Kênh đào Panama (PCA) năm ngoái vẫn đạt 3,38 tỷ USD – tăng đều đặn từ năm 2017 đến nay. Tuy nhiên, tình hình đang trở nên khó lường sau khi ông Trump công bố mức thuế lên tới 145% với hàng hóa Trung Quốc từ ngày 2/4.
Theo dữ liệu từ công ty phân tích chuỗi cung ứng Project44, kể từ khi ông Donald Trump công bố mức thuế mới vào ngày 2/4 – còn gọi là “Ngày Giải phóng”, số chuyến tàu chở hàng từ Trung Quốc sang Mỹ bị hủy đã tăng vọt 300%.

CNBC đưa tin, các cảng bờ Tây Mỹ đã ghi nhận sự sụt giảm rõ rệt về lưu lượng tàu, trong khi các cảng bờ Đông – vốn phụ thuộc vào kênh đào Panama – được dự báo sẽ sớm chịu ảnh hưởng tương tự. Nguyên nhân chủ yếu là do đơn đặt hàng từ các nhà máy Trung Quốc sụt giảm, kéo theo số lượng container cần vận chuyển cũng đi xuống.
Dữ liệu từ hãng nghiên cứu Sea-Intelligence cho thấy, chỉ trong 6 tuần qua, các hãng tàu đã hủy tổng cộng hơn 261.800 container loại 20 feet trên tuyến vận chuyển từ châu Á đến bờ Đông nước Mỹ.
Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của kênh đào Panama – vốn phụ thuộc vào số chuyến tàu và lượng hàng hóa đi qua tuyến đường thủy này. “Khoảng 75% lượng hàng đi qua kênh đào có điểm đến hoặc xuất phát từ Mỹ. Bất kỳ cuộc suy thoái nào tại Mỹ hay toàn cầu đều sẽ ảnh hưởng đến chúng tôi”, ông Boris Moreno, Phó Chủ tịch PCA nhận định.
Từng được mệnh danh là một trong “Bảy kỳ quan hiện đại” bởi Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Mỹ, kênh đào Panama cũng là điểm nóng trong căng thẳng Mỹ - Trung những năm gần đây.
Ông Trump từng cáo buộc Trung Quốc kiểm soát các cảng chủ chốt quanh kênh đào và đe dọa giành lại quyền kiểm soát từ Panama, cho rằng mức phí mà Panama áp dụng là "quá đáng". Chính phủ Panama và Trung Quốc đều bác bỏ các cáo buộc này.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth đều đã đến Panama trong thời gian qua để thảo luận với giới chức sở tại. “Trong 5 năm qua, tôi thấy Panama ngày càng xích lại gần Trung Quốc hơn là Mỹ”, ông Louis Sola, Ủy viên Ủy ban Hàng hải Liên bang Mỹ phát biểu với CNBC.
Ông Ricaurte Vasquez – Tổng giám đốc PCA – khẳng định đang theo dõi sát các quan ngại từ phía Washington. “Bất kỳ phát biểu nào từ Washington đều tạo ra dư chấn toàn cầu. Chúng tôi cố gắng giữ bình tĩnh và trung lập”, ông nói.
Tháng 3 vừa qua, một liên doanh do tập đoàn đầu tư Mỹ BlackRock dẫn đầu đã công bố kế hoạch mua lại hai cảng ở hai đầu kênh đào và khoảng 40 cảng khác từ tập đoàn CK Hutchison có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc). Kết quả của thương vụ này vẫn chưa được công bố.
Tham khảo CNBC
Mỹ đạt thỏa thuận triển khai quân đội tới kênh đào Panama
Tuyên bố gây sốc của ông Trump, kênh đào Panama lại là 'át chủ bài' của Mỹ