Taxi truyền thống 'lột xác', thách đấu ứng dụng gọi xe trên chính sân nhà
Trước sức ép cạnh tranh từ các đối thủ ngoại, các hãng taxi truyền thống Việt Nam đang chuyển mình, bắt tay nhau ứng dụng công nghệ số để trở thành taxi công nghệ.
Thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua đã chứng kiến những biến đổi sâu sắc, làm thay đổi hoàn toàn cách thức người dân tiếp cận dịch vụ vận tải.
Sự xuất hiện của các ứng dụng gọi xe như Uber, Grab đã mang đến tiện ích chưa từng có, nhưng cũng đặt các hãng taxi truyền thống vào tình thế khó khăn. Đối mặt với nguy cơ bị lấn át ngay trên sân nhà, các doanh nghiệp taxi Việt buộc phải tìm kiếm giải pháp để tồn tại và phát triển.
Taxi truyền thống chuyển mình trước sức ép từ làn sóng công nghệ
Sự bùng nổ của các ứng dụng gọi xe công nghệ đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành vận tải. Người dùng chỉ cần vài thao tác trên điện thoại thông minh là có thể gọi xe, biết trước giá cước, lộ trình và thanh toán một cách tiện lợi. Điều này khiến nhiều khách hàng chuyển từ việc sử dụng taxi truyền thống sang các dịch vụ công nghệ, gây ra áp lực lớn lên các hãng taxi.
Không chỉ đối mặt với hàng loạt khó khăn khi thị phần, doanh thu giảm, chi phí vận hành cao và hệ thống quản lý còn hạn chế, các hãng taxi truyền thống còn phải cạnh tranh với các đối thủ sở hữu nguồn lực tài chính mạnh, khả năng đầu tư vào công nghệ và chiến lược tiếp thị hiệu quả hơn.
Các hãng taxi truyền thống bắt đầu nhận ra rằng, để tồn tại và phát triển, họ phải thay đổi, ứng dụng công nghệ và cùng nhau hợp tác. Trong bối cảnh đó, tại hội nghị tìm hướng phát triển chung, hơn 200 hãng taxi truyền thống trên khắp cả nước đã quyết định bắt tay nhau, góp mặt trên một nền tảng ứng dụng.
Theo đó, việc gọi taxi giờ đây được tích hợp sẵn vào các ứng dụng ngân hàng. Giải pháp này hoạt động song song với các ứng dụng riêng của từng hãng, tạo ra một hệ sinh thái kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp.
Nhờ nền tảng dùng chung này, người dùng chỉ cần một ứng dụng duy nhất để gọi xe từ nhiều hãng khác nhau, tìm tài xế gần nhất và so sánh giá cước, dịch vụ. Điều này không chỉ mang lại tiện ích cho người dùng mà còn giúp các hãng taxi mở rộng tệp khách hàng, đặc biệt là những hãng nhỏ lẻ vốn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường.
Theo ông Nguyễn Tuấn Mùi, Chủ tịch Hiệp hội Liên minh Taxi Việt, từ lâu nay, các doanh nghiệp taxi khát khao có một phần mềm của chính người Việt Nam để sử dụng cho toàn thể người dùng trong nước. Việc sử dụng app ngân hàng để cung ứng dịch vụ taxi chung cho các doanh nghiệp sẽ giải quyết nhu cầu này.
“Chỉ có đoàn kết mới thành công, muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau. Tôi tin rằng, việc sử dụng phần mềm ngân hàng để gọi xe chắc chắn sẽ thành công”, ông Mùi chia sẻ.
Ngành taxi Việt đang chuyển đổi số rất nhanh
Thống kê của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho thấy, tại Việt Nam hiện có khoảng 100.000 xe taxi với hơn 200 hãng đang hoạt động. Lượng xe hợp đồng hiện cũng có khoảng hơn 900.000 xe. Tuy nhiên, lĩnh vực vận tải hành khách đường bộ đang gặp nhiều khó khăn thách thức, nhất là kể từ sự nổi lên của taxi công nghệ.
Theo ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, trong bối cảnh đó, các đơn vị kinh doanh vận tải taxi cần chuyển đổi số ở tất cả các khâu như đặt chuyến, thanh toán…
“Mong muốn của chúng tôi là tổ chức xây dựng được phần mềm dùng chung cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách đường bộ. Việc đưa dịch vụ gọi xe lên app ngân hàng giúp các hãng taxi tiếp cận được với 50 triệu người dùng và có nền tảng để tung ra các chương trình khuyến mãi, hỗ trợ”, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội nói.
Chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi số ngành taxi, TS. Trần Mạnh Nam, Giám đốc khối doanh nghiệp một nền tảng thanh toán trực tuyến cho hay, vài năm trở lại đây, việc chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Theo TS Trần Mạnh Nam, chuyển đổi số trong lĩnh vực taxi bao gồm 2 mảng. Đầu tiên là chuyển đổi số trong quá trình vận hành, cụ thể là nhận cuốc xe, điều cuốc xe đến tài xế, quản lý cuốc xe, tài xế, doanh thu.
“Từ những tập đoàn lớn sở hữu hàng chục nghìn xe đến những doanh nghiệp taxi chỉ 30-50 xe ở Việt Nam đều đang sử dụng nền tảng công nghệ để quản lý quá trình vận hành”, ông nói.
Ở mảng thứ hai là bán hàng, quá trình chuyển đổi số với lĩnh vực taxi đã diễn ra gần như toàn diện. Nhờ chuyển đổi số bán hàng, các hãng taxi cũng mở rộng được tập khách hàng và doanh thu.
“Việt Nam đang ở vị trí top đầu về chuyển đổi số, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải. Các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực taxi tại Việt Nam đang rất phát triển. Thậm chí có thể tự tin nhận định rằng, Việt Nam là thị trường taxi có nền tảng công nghệ cực kỳ phát triển”, TS Trần Mạnh Nam nhận định.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, sự linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh chóng với công nghệ mới là chìa khóa giúp các doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
Nhìn lại chặng đường phát triển của thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam, có thể thấy, sự cạnh tranh khốc liệt đã thúc đẩy tiến bộ và đổi mới.
Các hãng taxi truyền thống, thay vì bị lấn át, đã chọn cách đứng lên, đoàn kết và chuyển đổi số để không thua trên chính sân nhà.
>> Gần 6.000 xe điện VinFast được ký kết chỉ trong 1 tháng: Vì sao các hãng taxi mạnh mẽ chi tiền?
Gojek rời cuộc chơi, thị phần gọi xe công nghệ của Việt Nam đang ra sao?
Thị trường gọi xe công nghệ: 'Miếng bánh' to sẽ thuộc về ai?