Chứng khoán

THACO liệu có đủ sức để thay Nhà nước làm dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 67 tỷ USD?

Hải Băng 27/05/2025 20:00

THACO đề xuất thay Nhà nước thực hiện dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam với tổng vốn hơn 67 tỷ USD, cam kết rút ngắn tiến độ còn 7 năm và tự thu xếp 12,27 tỷ USD vốn. Tuy nhiên, năng lực tài chính và khả năng huy động vốn của doanh nghiệp đang gây nhiều băn khoăn.

CTCP Tập đoàn Trường Hải (THACO) đã gửi đề xuất đến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xin được tự thực hiện dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Theo đó, dự án trọng điểm quốc gia đã được Quốc hội thông qua sẽ được chuyển từ mô hình Nhà nước làm chủ đầu tư sang tư nhân tự triển khai.

Tổng mức đầu tư của dự án giữ nguyên ở mức 1.713.548 tỷ đồng (tương đương 67,34 tỷ USD). Tuy nhiên, trong trường hợp Nhà nước bàn giao sẵn mặt bằng, doanh nghiệp ước tính tổng mức đầu tư sẽ giảm còn khoảng 1.562.000 tỷ đồng (61,35 tỷ USD). Sơ bộ, dự án cần sử dụng khoảng 10.800ha đất và dự kiến có khoảng 120.836 người cần tái định cư.

Điểm khác trong đề xuất của THACO là rút ngắn thời gian thực hiện còn 7 năm thay vì 10 năm như phương án trước đó, đồng thời doanh nghiệp cam kết tự thu xếp 12,27 tỷ USD vốn tự có.

THACO liệu có đủ sức để thay Nhà nước làm dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 67 tỷ USD?- Ảnh 1.

Đổi lại, THACO kiến nghị được đề xuất giá vé, ưu tiên khai thác quỹ đất phụ cận các ga tàu để phát triển khu đô thị và các dự án bất động sản theo mô hình đô thị TOD (Transit Oriented Development).

Theo tìm hiểu, tuyến đường sắt này sẽ có 23 ga hành khách, đặt tại các trung tâm kinh tế - chính trị của các địa phương. Bộ Xây dựng ước tính tổng nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu TOD và các hoạt động thương mại liên quan có thể đạt khoảng 22 tỷ USD, trong đó 5 tỷ USD đến từ quảng cáo và dịch vụ, còn lại 17 tỷ USD từ đấu giá đất quanh các nhà ga.

Năng lực của THACO đến đâu?

THACO được thành lập năm 1997 tại Việt Nam, khởi đầu với lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô. Sau 28 năm hình thành và phát triển, THACO đã vươn lên trở thành một tập đoàn công nghiệp đa ngành, với hệ sinh thái gồm nhiều công ty thành viên hoạt động trong các lĩnh vực then chốt gồm: THACO AUTO (sản xuất, lắp ráp và phân phối ô tô); THACO AGRI (nông nghiệp); THACO INDUSTRIES (cơ khí và công nghiệp hỗ trợ); THILOGI (logistics và vận tải); THADICO - Đại Quang Minh (đầu tư và phát triển hạ tầng, bất động sản); và THISO (thương mại - dịch vụ, với hệ thống trung tâm thương mại và đại siêu thị Emart trên toàn quốc). Tập đoàn có 77.000 nhân sự.

Về năng lực tài chính, tại thời điểm ngày 31/12/2024, quy mô tài sản của THACO là 126.525 tỷ đồng. Đáng chú ý, lượng tiền mặt chỉ còn 91 tỷ đồng, chiếm 0,7%. Phần lớn tài sản đang nằm ở các khoản phải thu ngắn và dài hạn lên đến 74.085 tỷ đồng (chiếm 56%), chủ yếu là cho bên khác vay. Tiếp đến là các khoản đầu tư tài chính vào các công ty con, công ty liên kết lên đến hơn 43.100 tỷ đồng nhưng đang chịu khoản thua lỗ 3.509 tỷ đồng.

Ở phía nguồn vốn, THACO có nợ phải trả 79.138 tỷ đồng, trong đó nợ vay lên đến 62.316 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là 47.387 tỷ đồng, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu là 1,3 lần - cho thấy doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay.

Về hoạt động kinh doanh, THACO khép lại năm 2024 với doanh thu 817 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 7.387 tỷ đồng năm 2023. Tuy nhiên, doanh thu tài chính bất ngờ tăng 1.834 tỷ đồng lên 7.547 tỷ đồng, từ đó giúp tập đoàn ghi nhận khoản lãi trước thuế 1.884 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ. Khoản nợ vay lớn khiến THACO năm qua trả chi phí lãi vay 4.092 tỷ đồng - là khoản chi phí lớn nhất, trung bình mỗi ngày doanh nghiệp của tỷ phú Trần Bá Dương trả hơn 11 tỷ đồng tiền lãi.

THACO liệu có đủ sức để thay Nhà nước làm dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 67 tỷ USD?- Ảnh 2.

Về năng lực thực hiện, THACO sẽ phân công 3 thành viên giữ vai trò nòng cốt trong triển khai dự án: THACO INDUSTRIES phụ trách sản xuất đầu máy, toa xe, linh kiện kỹ thuật; THADICO - Đại Quang Minh đảm nhiệm xây dựng, vận hành hạ tầng và phát triển đô thị theo mô hình TOD; THISO đầu tư và quản lý hạ tầng xã hội như thương mại, y tế, giáo dục tại các khu đô thị ga.

Hiện tại, THACO INDUSTRIES có hơn 9.500 nhân sự, trong đó có 2.700 kỹ sư (gồm 2.000 kỹ sư sản xuất và 700 kỹ sư nghiên cứu phát triển - R&D). Hệ thống gồm Trung tâm R&D, tổ hợp cơ khí, tổ hợp sản xuất linh kiện phụ tùng và các nhà máy hiện đại. Đơn vị này đã làm chủ công nghệ, tổ chức nghiên cứu phát triển, sản xuất và chế tạo nhiều loại máy móc, thiết bị kỹ thuật, kết cấu siêu trường - siêu trọng và sản phẩm công nghệ cao ngay tại Khu Kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam). Các sản phẩm của THACO INDUSTRIES được cung ứng cho nhiều hãng ô tô quốc tế, doanh nghiệp FDI và xuất khẩu đến hơn 20 thị trường toàn cầu.

THADICO - Đại Quang Minh có đội ngũ 2.600 nhân sự (trong đó hơn 1.000 là kỹ sư, kiến trúc sư và cán bộ quản lý dự án), là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư và quản lý các dự án hạ tầng quy mô lớn, mang tầm quốc gia. THADICO đã trực tiếp đảm nhiệm vai trò chủ đầu tư và tổng quản lý tại hàng loạt dự án trọng điểm như: sân bay, bến cảng, hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị. Một số công trình tiêu biểu có thể kể đến như: Sân bay Nongkhang (CHDCND Lào), cầu Ba Son, 4 tuyến đường chính tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị Sala và sắp tới là dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây – Tân Phú đang chuẩn bị khởi công.

Ngoài ra, THACO cho biết sẽ hợp tác với các đối tác công nghệ hàng đầu từ châu Âu (Đức, Pháp) và châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc) để tiếp nhận công nghệ hiện đại nhất. Mục tiêu không chỉ dừng ở việc xây dựng tuyến đường sắt, mà còn đặt nền móng cho ngành công nghiệp đường sắt trong nước, từ sản xuất đầu máy, toa xe, thiết bị tín hiệu đến quản lý vận hành.

Không dễ để THACO huy động vốn

Huy động vốn có lẽ là bài toán lớn nhất đối với THACO khi muốn thay Nhà nước thực hiện dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Tính đến cuối quý I/2025, vốn chủ sở hữu của THACO là 57.861 tỷ đồng. Về cơ cấu cổ đông, ông Trần Bá Dương đang nắm giữ 72% cổ phần, tiếp đến là Tập đoàn Jardine Matheson (Anh Quốc) sở hữu 26,6%, còn lại 1,4% thuộc về cán bộ, công nhân viên.

THACO liệu có đủ sức để thay Nhà nước làm dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 67 tỷ USD?- Ảnh 3.

THACO cam kết tự thu xếp 312.400 tỷ đồng (tương đương 12,27 tỷ USD), tương ứng 20% tổng vốn đầu tư dự án. Như vậy, doanh nghiệp cần tăng vốn thêm khoảng 254.539 tỷ đồng. Đồng thời, ông Trần Bá Dương phải duy trì quyền kiểm soát để đảm bảo doanh nghiệp không rơi vào tay đối tác nước ngoài – điều có ý nghĩa then chốt với một dự án mang tính chiến lược quốc gia. Tuy nhiên, số tiền cần góp thêm lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng đang đặt ra dấu hỏi lớn, khi bản thân ông Dương hiện vừa bị Forbes loại khỏi danh sách tỷ phú USD.

Việc THACO không niêm yết trên sàn chứng khoán khiến doanh nghiệp mất đi một kênh huy động vốn quan trọng qua thị trường cổ phiếu. Doanh nghiệp duy nhất trong hệ sinh thái này trên sàn là HAGL Agrico (HNG) - được mua lại từ bầu Đức nhưng đã bị hủy niêm yết trên HoSE và đang giao dịch tại UPCoM. Tình trạng hiện tại đang "chỉ còn xương" với khoản lỗ lũy kế 9.469 tỷ đồng.

Phần vốn còn lại, tương đương 49,08 tỷ USD, THACO đề xuất được vay từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước với sự bảo lãnh của Chính phủ, đồng thời kiến nghị Nhà nước hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong thời hạn 30 năm, với tài sản đảm bảo là toàn bộ công trình của dự án.

Tuy nhiên, hình thức vay vốn này đang còn vướng mắc ở cơ chế và có thể gây tác động đến an toàn nợ nước ngoài. Cụ thể, trong văn bản góp ý cho Bộ Xây dựng mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho rằng đây là dự án đặc biệt quan trọng, có công nghệ phức tạp và tổng mức đầu tư rất lớn, vượt quá khả năng thẩm định thông thường của các tổ chức tín dụng. Do đó, nếu được Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, cần làm rõ phương án bảo lãnh của Chính phủ đối với các khoản vay trong nước - tương tự các dự án trọng điểm trước đây nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng.

Trong trường hợp vay vốn nước ngoài với quy mô lớn và giải ngân tập trung trong một thời điểm, Ngân hàng Nhà nước cũng cảnh báo điều này có thể ảnh hưởng tới trần vay nước ngoài theo cơ chế tự vay - tự trả của doanh nghiệp, cũng như tỷ lệ an toàn nợ nước ngoài cấp quốc gia.

>> Muốn tự bỏ vốn làm đường sắt cao tốc 67 tỷ USD thay Nhà nước và chấp nhận xác suất lỗ 98%, THACO đề xuất cơ chế gì?

Đèo Cả (HHV) hướng đến năm thứ 10 tăng trưởng lợi nhuận, đẩy mạnh tuyển quân cho siêu dự án đường sắt 67 tỷ USD

Chấp nhận 98% khả năng thua lỗ, Vingroup xin làm đường sắt tốc độ cao 67 tỷ USD để đổi lấy điều gì?

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/thaco-lieu-co-du-suc-de-thay-nha-nuoc-lam-du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-67-ty-usd-202250527172947671.htm?zarsrc=30
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    THACO liệu có đủ sức để thay Nhà nước làm dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 67 tỷ USD?
    POWERED BY ONECMS & INTECH