Dù đang ở trong "thị trường lao động vàng" với các chỉ số đẹp như mơ, người trẻ nước Mỹ vẫn phải chật vật với nỗi lo mưu sinh.
Thế hệ Z (những người sinh ra trong giai đoạn cuối những năm 1990 và đầu những năm 2010) đang bước chân vào thị trường lao động, và số đông phàn nàn với vấn đề mưu sinh như bao thế hệ trước đã từng trải qua.
Điều này khiến nhiều người ngạc nhiên bởi khác với thế hệ Millennials (sinh ra trong giai đoạn thập niên 1980 – thập niên 1990), đặc biệt là những người tham gia lực lượng lao động trong cuộc Đại suy thoái, Gen Z Mỹ đang nhận được cơ hội lớn khi thị trường việc làm phát triển mạnh mẽ.
Theo Brendan Duke, Giám đốc cấp cao về chính sách kinh tế tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, đây là nền kinh tế tốt nhất cho những người lao động trẻ tuổi. Tiền lương của thế hệ Gen Z tăng nhanh hơn lạm phát nói chung và nhanh hơn bất kỳ nhóm tuổi nào khác. Năm ngoái, tốc độ tăng lương của nhóm 16 đến 24 tuổi là 7,9% - mức thấp nhất kể từ năm 1953. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này cũng thấp hơn nhiều so với con số 18,4% của những người cùng độ tuổi vào năm 2010 khi khủng hoảng tài chính vừa đi qua.
Ảnh minh họa |
Tuy được trao cho cơ hội vàng, mọi thứ vẫn không dễ dàng đối với Gen Z.
Người trẻ phải vật lộn với làn sóng lạm phát dữ dội khiến giá cả tăng cao nhanh chóng trong ba năm qua. Những mặt hàng thiết yếu đặc biệt đắt đỏ vì giá thực phẩm tăng cao trong thời kỳ đại dịch và các công ty tiếp tục giữ giá ở mức cao ngay cả khi chuỗi cung ứng phục hồi. Chi phí nhà ở tăng vọt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, đồng thời thị trường không thể cung cấp đủ cho nhu cầu nhà ở. Tình cảnh hiện nay là một mớ hỗn độn.
“Nhà ở là một vấn đề đau đầu đối với những người trẻ”, ông Brendan Duke nhận xét. “Giảm lạm phát là vấn đề được giải quyết chậm chạp và đó là điểm yếu của nền kinh tế, đặt gánh nặng lên vai những người lao động trẻ tuổi.”
Rõ ràng, sự an toàn về tài chính là hoàn toàn có thể đạt được với những người sở hữu tài sản. Ví dụ, người có nhà có thể vay vốn cổ phần hoặc có một khoản lãi nhỏ nếu bán. Cánh cửa này đóng sầm trước mắt những người trẻ Gen Z mới đi làm và chưa có nhiều khoản tích lũy. Trong ngắn hạn, người trẻ có thể dễ dàng tìm được cơ hội thử việc, bắt đầu ở mức lương cơ bản, được tăng lương nhanh chóng. Nhưng trong dài hạn, nếu bối cảnh kinh tế không thay đổi, có thể nhiều năm sau họ vẫn phải “ở trọ” và chưa sở hữu bất động sản của riêng mình.
Kiếm không đủ sống
Chặng đường "tập làm người lớn" của Gen Z có sự khác biệt đáng kể so với những thế hệ đi trước. Với vô số nền tảng mạng xã hội, họ có thể công khai nỗi lo lắng về tài chính của mình hoặc ngược lại là chứng kiến những người cùng lứa tuổi tận hưởng cuộc sống giàu có hơn mình.
Tuần trước, một người dùng TikTok đã chia sẻ 1 đoạn clip về chi phí sinh hoạt. Bài đăng đã nhận được 5 triệu lượt xem trên nền tảng này, với hàng chục nghìn bình luận và lượt chia sẻ. “Lương của tôi gấp ba lần mức lương tối thiểu liên bang mà vẫn không đủ sống. Thật xấu hổ khi thừa nhận rằng đang phải đấu tranh để tồn tại, nhưng tôi cũng biết có rất nhiều người đang gặp khó khăn. Có lẽ giấc mơ Mỹ đã chết", anh chia sẻ. Số lượng tương tác của bài đăng, cũng như những nội dung về tài chính trên mạng xã hội, cho thấy tâm lý phẫn nộ và tuyệt vọng về kinh tế đã ăn sâu trong tâm trí giới trẻ Mỹ.
Theo một nghiên cứu của McKinsey năm 2022, tỷ lệ lo lắng, trầm cảm và đau khổ ở Gen Z được báo cáo là cao hơn bất kỳ nhóm tuổi nào khác. Nghiên cứu tương tự cho thấy Gen Z là nhóm ít có khả năng tìm kiếm dịch vụ chăm sóc y tế nhất do chi phí quá đắt đỏ. Báo cáo cho biết: “Nhiều Gen Z chia sẻ bước đầu tiên của họ trong việc chăm sóc sức khỏe tâm lý và hành vi là tìm đến các nền tảng mạng xã hội như TikTok hoặc Reddit để xin lời khuyên”.
Ảnh minh họa |
Nhưng cũng thật khó để đổ lỗi cho họ: nhiều người thuộc Thế hệ Z đã có những năm đầu đại học bị ảnh hưởng bởi đại dịch toàn cầu. Giờ đây, những người trưởng thành nhất trong nhóm này đang phải vật lộn khi ra đời, chật vật khi không thể sở hữu nhà, có thu nhập thoải mái hoặc khí hậu ổn định.
Khó khăn chồng chất khó khăn khi nhìn từ góc độ vĩ mô: lạm phát tiếp tục tăng, người tiêu dùng kỳ vọng giá cả sẽ tiếp tục tăng nóng. Một phân tích gần đây dựa trên dữ liệu của Vương quốc Anh cho thấy kỳ vọng lạm phát ở những người từ 16 đến 24 tuổi đã tăng nhiều hơn bất kỳ nhóm tuổi nào khác kể từ đại dịch – một thực tế mà các nhà nghiên cứu cho rằng có thể để lại hậu quả đáng kể.
Thế hệ đi trước nói gì?
Thế hệ Millennial cũng từng trải qua những điều như Gen Z đang phải chịu đựng. Nhiều người không kiếm được việc làm ngay khi tốt nghiệp đại học và phải vật lộn suốt một thập kỷ với mức lương trì trệ (trong khi những người thuộc thế hệ Boomers đi trước đã góp phần tạo nên sự bùng nổ của nền kinh tế).
Ở Mỹ, những người thất nghiệp khác đổ xô đi học cao học, gánh thêm nhiều khoản nợ sinh viên hơn và điều này trở thành lực cản lớn cho sự phát triển kinh tế. Do đó, ít nhất thế hệ Gen Z đang may mắn hơn khi được chuyển mình trong một thị trường lao động mạnh mẽ, cho phép họ kiếm ra tiền và cân đối cho các mục tiêu dài hạn.
Theo Charles Schwab, năm 2022, khoản tiết kiệm hưu trí của họ đã vượt xa các thế hệ đi trước. Và, kể từ năm 2019, người lao động dưới 40 tuổi đã thấy mức lương tăng trung bình 14%. Đây là một thành tựu đem lại sự lạc quan cho thế hệ Millennials, những người kém may mắn khi bước vào thị trường lao động trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế.