Sống cùng mạng xã hội: trăm mối tơ vò
Sau hơn một thập kỷ phát triển bùng nổ, loại hình nền tảng trực tuyến mạng xã hội cho thấy nhiều tác động đối với đời sống, đặc biệt là giới trẻ.
“Cơn nghiện” mới
Khái niệm “nghiện mạng xã hội” (Social media addiction) bắt đầu được chú ý trong vài năm trở lại đây, song hành cùng sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội có tính toàn cầu như Facebook, X (Twitter), Instagram, TikTok… Nghiện mạng xã hội được nhận diện là một hiện tượng trong đó cá nhân sử dụng mạng xã hội một cách quá mức và không kiểm soát được, dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và cuộc sống hàng ngày.
Theo các chuyên gia, mặc dù mạng xã hội có thể mang lại nhiều giá trị về kết nối và thông tin nhưng kèm theo đó là các vấn đề về sức khỏe tâm thần, bao gồm cảm giác cô đơn, ghen tị, lo âu, trầm cảm, trong một số trường hợp dẫn đến nghiện mạng xã hội. Dù không được công nhận là một rối loạn tâm thần chính thức trong nhiều hệ thống phân loại bệnh, nghiện mạng xã hội đang được coi là một vấn đề ngày càng tăng trên thế giới.
Tại Việt Nam, dựa trên một thống kê từ Google cho thấy tính đến giữa năm 2023, có khoảng 79% người dân dùng mạng internet và có tài khoản trên mạng xã hội. Thời lượng trung bình người Việt dành cho mạng xã hội là 2 giờ 52 phút/ngày và gần 45% người dùng ở độ tuổi 18 - 34 gắn bó với mạng xã hội từ khi thức dậy cho tới lúc đi ngủ. Hiện tượng này phản ánh xu hướng chung trên toàn cầu, nhất là trong bối cảnh đất nước có tỷ lệ người dùng internet và mạng xã hội cao trên thế giới như Việt Nam.
Theo đó, nghiện mạng xã hội có thể dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực về sức khỏe tâm thần như tăng nguy cơ trầm cảm, lo âu, cô đơn… Nghiện mạng xã hội cũng góp phần làm suy giảm sức khỏe thể chất của giới trẻ khi gây ra những rối loạn về giấc ngủ và bệnh tật do thiếu vận động. Một ảnh hưởng khác có thể kể đến là sự giảm hiệu suất công việc, học tập của cá nhân do mất tập trung.
Nhận định về chứng nghiện mạng xã hội, đặc biệt đối với người trẻ, PGS.TS Bùi Thu Hương (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: “Sống trong một thế giới chịu sự chi phối ngày càng nhiều của công nghệ, “trực tuyến” hay “đang ở trên mạng” 24/7 đã trở thành tiêu chuẩn mới đối với thế hệ trẻ. Điều này đồng nghĩa với việc họ không tắt điện thoại thông minh kể cả lúc đi ngủ và liên tục kiểm tra điện thoại. Một trong những lý do thúc đẩy người sử dụng điện thoại thông minh trẻ tuổi làm vậy chính là mạng xã hội”.
Cần nhấn mạnh rằng mức độ sử dụng mạng xã hội ở mức bình thường hay quá mức không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với các dấu hiệu bệnh lý. Có thể thấy nhiều người dành nhiều giờ sử dụng mạng xã hội hàng ngày vì nhiều lý do nhưng không hề nghiện. “Một người được cho là có biểu hiện nghiện mạng xã hội khi coi việc sử dụng mạng xã hội như là hoạt động tối quan trọng trong cuộc sống, luôn có nhu cầu đăng nhập, sử dụng và dành quá nhiều thời gian và nỗ lực của mình cho mục đích này và việc này ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động xã hội, học tập, công việc, các mối quan hệ cá nhân, sức khỏe và tâm lý”, PGS.TS Bùi Thu Hương nhấn mạnh.
Thật giả khó lường
Khác với các thập niên trước, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội mang đến tiềm năng và cơ hội cho những người sáng tạo nội dung, tạo ra một nhóm không cần được định danh là ngôi sao nhưng vẫn có thể sở hữu hàng triệu người theo dõi, kéo theo đó là mức thu nhập khủng, sự hưởng ứng của đám đông và các nhãn hàng. Điều này khiến ngày càng có nhiều người muốn “chen chân” vào vị trí trên, tạo ra sự ồn ào, nhốn nháo bởi các chiêu trò để “nổi tiếng bằng được” bất chấp không gian ảo hay ở ngoài đời thực.
Để nổi tiếng, nhiều người hướng đến việc sáng tạo những nội dung gây sốc, hình ảnh phản cảm, lan truyền thông tin sai sự thật, tạo chiêu trò bất chấp để câu view khiến hình ảnh của họ trở nên xấu xí. Một trong những ví dụ của hiện tượng này có thể kể đến vụ việc của TikToker Hứa Quốc Anh, cá nhân này đã lồng ghép hình ảnh quốc kỳ và vua Thái Lan trong video quay ở Angkor Wat (Campuchia) bất chấp sự nhắc nhở mạnh mẽ của cộng đồng mạng.
Hành động của Hứa Quốc Anh không chỉ cho thấy sự thiếu hiểu biết về kiến thức văn hóa, lịch sử mà phần nào chỉ ra những chiêu trò núp bóng công việc sáng tạo để chiếm dụng văn hóa và trục lợi. Sau khi nắm được thông tin, Sở Văn hóa & Thể thao TP.HCM đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM xác minh, có buổi làm việc và xử phạt hành chính về hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân…
Ảnh minh họa. |
Trường hợp nói trên chỉ là phần nổi của làn sóng nhốn nháo, nhiều tai tiếng của các cá nhân sáng tạo nội dung trên mạng xã hội. Phần đông công chúng đều cho rằng nên có những biện pháp xử lý mạnh tay với những nội dung tiêu cực trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội.
Nhận định về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết hiện tượng nhiều cá nhân sáng tạo nội dung có hành vi lố lăng, phản cảm là một vấn đề gây tranh cãi trong ngành giải trí. Ông cho rằng phần lớn những người sử dụng chiêu trò là để thu hút sự chú ý của công chúng, từ đó tạo ra sự lan tỏa thông tin, thảo luận trên mạng xã hội, giúp các sự kiện đạt được mục tiêu quảng bá, tăng độ nhận diện với công chúng.
Những vấn đề bất thường, kỳ lạ, gây sốc dễ nhận được sự quan tâm, hiếu kỳ của cộng đồng. Nhiều người dựa vào đặc điểm này để câu view, câu like, share, tăng tính tương tác đối với trang thông tin của mình, từ đó họ thấy mình trở nên quan trọng hơn trên không gian mạng và có thể có những lợi ích kinh tế từ việc thu hút nhiều người xem.
“Khi các tin tức nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ sẽ hình thành những đánh giá, nhận xét, thậm chí cả dư luận xã hội. Đó là những gì chúng ta thấy gần đây đã khiến cơ quan điều tra phải vào cuộc, thậm chí đã khởi tố một số trường hợp”, ông Bùi Hoài Sơn nói.
Bắt nạt kỹ thuật số
Bắt nạt kỹ thuật số cũng là một vấn nạn xuất hiện cùng sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội. Hành vi này biểu hiện cho tình trạng thiếu văn minh, tạo môi trường tiêu cực trên không gian mạng, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới thế giới thực. Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn, mạng xã hội cho phép ta kết nối rộng hơn nhưng nó cũng có thể tạo ra sự cô lập, khuyến khích và trao quyền cho những kẻ bắt nạt kỹ thuật số.
Bắt nạt kỹ thuật số là hiện tượng phổ biến có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu. Một bức ảnh trên trang cá nhân, một dòng trạng thái hay một dòng nhắn tin không phù hợp với quan điểm cũng có thể trở thành công cụ khiến người đăng tải bị tấn công trên các kênh truyền thông xã hội.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, mạng xã hội có thể đẩy cảm xúc cá nhân đi nhanh hơn bao giờ hết khiến nhiều người bị cuốn vào vòng tranh cãi không hồi kết. Chính vì thế, cần lên án những hành vi thiếu văn minh này để không chỉ trả lại sự trong lành cho môi trường mạng, mà còn cho cả xã hội.
Ảnh minh họa. |
Luật pháp chỉ nên là công cụ cuối cùng để xử lý những việc làm sai trái, ngôn từ phản cảm, hành động lệch chuẩn trên mạng xã hội. Nhận thức của mỗi người sử dụng vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong việc hình thành văn minh ứng xử trên mạng xã hội. Cần hình thành nên môi trường văn hóa trong việc sử dụng mạng xã hội, ở đó, những người có ý định làm sai cũng không thể làm sai trên môi trường trong sạch này.
Dựa trên kết quả điều tra về Chỉ số văn minh trên không gian mạng thông qua khảo sát trải nghiệm của người dùng với 21 rủi ro do các hành vi cư xử không đúng mực của Microsoft cho thấy, Việt Nam là một trong 5 nước có Chỉ số văn minh Internet thấp nhất trong số 25 nước được khảo sát.
Bên cạnh đó, báo cáo về rủi ro của trẻ em trong thế giới số của UNICEF cũng ghi nhận cứ 5 trẻ em và thanh thiếu niên thì có 1 trẻ em bị bắt nạt trên mạng, đáng lo ngại 3/4 trong số đó không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu.
Tính đến giữa năm 2023, có khoảng 79% người dân dùng mạng internet và có tài khoản trên mạng xã hội. Thời lượng trung bình người Việt dành cho mạng xã hội là 2 giờ 52 phút/ngày và gần 45% người dùng ở độ tuổi 18 - 34 gắn bó với mạng xã hội từ khi thức dậy cho tới lúc đi ngủ.