Tham vọng vượt Mỹ, thành phố châu Á ồ ạt cấp phép cho các sàn giao dịch tiền số
Hồng Kông mở rộng cấp phép cho nhiều sàn giao dịch tiền điện tử hơn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với Mỹ, nhằm củng cố vị thế trung tâm tài sản số hàng đầu khu vực.
Hồng Kông (Trung Quốc) vừa công bố kế hoạch chiến lược nhằm tháo gỡ các rào cản cho thị trường tiền điện tử và mở rộng cấp phép cho các sàn giao dịch, trong bối cảnh đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ thị trường Mỹ, nhờ thái độ tích cực với ngành công nghiệp này dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Cụ thể, Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai Hồng Kông (SFC) đã đề xuất 12 sáng kiến quan trọng, bao gồm việc đa dạng hóa sản phẩm đầu tư cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp trên các nền tảng được quản lý và đẩy nhanh quy trình cấp phép cho các đơn vị điều hành giao dịch phi tập trung (OTC).

Việc công bố kế hoạch này diễn ra đúng thời điểm Hồng Kông đăng cai tổ chức sự kiện Consensus - một hội nghị tiền điện tử quy mô lớn trước đây chỉ được tổ chức tại Mỹ. Đây được xem là dấu hiệu cho thấy vị thế ngày càng tăng của Hồng Kông trong lĩnh vực tài sản số.
Kế hoạch mới là một phần trong chuỗi động thái gần đây của SFC nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển Hồng Kông thành trung tâm Web3 - thuật ngữ chỉ các công nghệ phi tập trung dựa trên blockchain.
Để thực hiện mục tiêu này, cơ quan quản lý đã đề xuất với cơ quan lập pháp bổ sung 8 nhân sự cho bộ phận tài sản số trong năm nay, sau thời gian tạm ngừng tuyển dụng năm 2023.
"Thời điểm công bố kế hoạch này mang tính chiến lược cao", ông Alvin Kowk, nhà sáng lập công ty bảo hiểm tiền điện tử AIFT (OneDegree) nhận định. Theo ông, SFC là một trong những cơ quan quản lý tiên phong tuyên bố "mở cửa kinh doanh" sau cuộc bầu cử Mỹ và việc Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) thành lập Lực lượng Đặc biệt Tiền điện tử.
Về phía Mỹ, quốc gia này đang chuyển hướng từ cách tiếp cận quản lý theo từng tiểu bang sang mô hình tập trung dưới sự chỉ đạo của SEC, nhằm xây dựng khung pháp lý rõ ràng và toàn diện hơn cho ngành công nghiệp tiền điện tử. "Các cơ quan quản lý của Hồng Kông và Mỹ đang trong cuộc đua trở thành trung tâm hàng đầu cho các công ty tiền điện tử", một luật sư chuyên tư vấn về cấp phép tiền điện tử tại Hồng Kông nhận xét.
Những nỗ lực của Hồng Kông đã bắt đầu cho thấy kết quả khả quan. Kể từ tháng 12/2023, SFC đã cấp phép cho 7 sàn giao dịch mới, tăng đáng kể so với con số 3 sàn trong giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 10/2023.
Mới đây nhất, Bullish Group - công ty có trụ sở tại Hồng Kông với hoạt động tại Mỹ - đã được cấp phép hoạt động. Theo nguồn tin thân cận, tập đoàn này đã nộp đơn xin niêm yết tại Mỹ vào thời điểm ông Trump đắc cử.
Theo số liệu từ SFC, thị trường tài sản ảo toàn cầu hiện có giá trị ước tính hơn 3 nghìn tỷ USD trong năm 2024, cho thấy tầm quan trọng của việc nắm bắt cơ hội phát triển trong lĩnh vực đang ngày càng phát triển này.

Theo quy định hiện hành của Hồng Kông, các nhà đầu tư cá nhân chỉ được phép thực hiện giao dịch giao ngay đối với một số loại tiền điện tử cụ thể như Bitcoin và Ethereum.
Những hạn chế về thanh khoản và các rào cản khác đã khiến nhiều nhà đầu tư chuyển sang các kênh giao dịch không được quản lý như OTC, nơi cung cấp đa dạng sản phẩm hơn. Tình trạng này đã vấp phải phản ứng từ nhiều bên trong ngành.
Trong cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia, CEO Binance Richard Teng đã bày tỏ quan ngại về tính thiết thực của khuôn khổ pháp lý hiện tại. "Việc triển khai thương mại gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi chỉ được phép thực hiện giao dịch giao ngay", ông Teng nhận định.
Theo đó, Binance đang tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến tại cả Hồng Kông và Mỹ để đưa ra chiến lược phù hợp với khung pháp lý của từng thị trường.
"Chúng tôi đang được hưởng lợi từ những tín hiệu tích cực mà chính quyền mới dưới thời Tổng thống Trump đã mang lại cho ngành", ông Teng chia sẻ thêm.
Trước đó, HKVAEX - sàn giao dịch tiền điện tử được Binance hậu thuẫn - đã phải rút đơn xin cấp phép hoạt động tại Hồng Kông sau khi CEO của đơn vị này tại Hồng Kông chuyển sang làm việc cho SFC.
Edith Yeung, nhà đầu tư ban đầu của Solana và hiện là đối tác tại quỹ đầu tư mạo hiểm Race Capital ở Thung lũng Silicon, đánh giá tích cực về sự thay đổi trong cách tiếp cận quản lý tiền điện tử tại Mỹ. Theo bà, hai thị trường này không nhất thiết phải cạnh tranh trực tiếp với nhau.
Trong khi Mỹ có thể dẫn đầu về phát triển "tiền ổn định" (stablecoin) - loại tiền điện tử có giá trị được neo với một tài sản khác - và các quỹ ETF tiền điện tử, Hồng Kông lại có lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng chuyển đổi từ lĩnh vực tài chính truyền thống sang tiền điện tử.
Tham khảo Nikkei Asia
>> Hồng Kông vượt mặt Singapore để trở thành trung tâm tài chính hàng đầu châu Á
SEC bất ngờ hủy bỏ vụ kiện Coinbase, thị trường tiền điện tử sắp bước vào thời kỳ hoàng kim?
Dân Hồng Kông đổ xô giao dịch vàng khi giá liên tục lập đỉnh