‘Thần mộc’ quý hiếm 1.500 năm tuổi, cao 70m sừng sững giữa đại ngàn, được công nhận Cây di sản Việt Nam
Việc công nhận "thần mộc" này là Cây di sản Việt Nam giúp góp phần nâng cao hơn nữa ý thức bảo tồn, gìn giữ loài cây quý hiếm này.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, nằm ở thượng nguồn sông Chu, quản lý gần 24.000ha rừng đặc dụng, trải rộng trên địa phận hành chính của 5 xã, thị trấn thuộc huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, nơi đây đang tồn tại hai quần thể cây sa mộc dầu và pơ mu có tuổi đời từ hàng trăm đến hàng nghìn năm.
Được đánh giá là một trong những trung tâm đa dạng sinh học hàng đầu của Việt Nam, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên sở hữu hệ động vật phong phú với 1.811 loài, trong đó có 94 loài quý hiếm được ghi vào Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Hệ thực vật của Xuân Liên cũng rất đa dạng, bao gồm 1.228 loài, trong đó có 56 loài nguy cấp, quý hiếm, cũng được liệt kê trong danh sách bảo vệ của sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Trong đó, nổi bật là quần thể cây sa mộc dầu (Cunninghamia konishii), sống ở độ cao khoảng 1.200m so với mực nước biển. Tiếp theo là quần thể cây pơ mu (Fokienia hodginsii), sống ở độ cao từ 800 đến 1.200m.
Vào năm 2013, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã lựa chọn mỗi loài một cá thể đại diện, gồm một cây sa mộc dầu có đường kính gần 4m, cao 70m, có tuổi thọ 1.500 năm và một cây pơ mu đường kính gần 3m, tuổi thọ trên 1.000 năm, cao trên 60m để công nhận Cây di sản Việt Nam.
Trong suốt nhiều năm qua, người dân địa phương luôn coi những cây sa mộc dầu và pơ mu nghìn năm tuổi như "thần mộc" và luôn có ý thức trong việc cùng với lực lượng chức năng bảo vệ nghiêm ngặt.
Theo chia sẻ của ông Lê Quang Đạo, kiểm lâm viên trạm bản Vịn, trong rừng, bên cạnh hai cây được công nhận di sản còn khoảng 35-40 cây khác có đường kính từ một mét trở lên, tuổi đời trên dưới 1.000. Thông thường, những loại cây lớn này phân bố chủ yếu ở độ cao từ 700m trở lên bởi địa hình núi cao, khí hậu mát mẻ quanh năm là những điều kiện thuận lợi để cho loài cây hạt trần họ thông phát triển.
Việc công nhận 2 cây sa mộc dầu, pơ mu nói trên là Cây di sản Việt Nam giúp góp phần nâng cao hơn nữa ý thức bảo tồn, gìn giữ loài cây quý hiếm này, cũng như bảo tồn sự đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên.