Thân thế 3 người lính Việt Nam anh dũng hy sinh trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, được lập tượng đài giữa thủ đô Moscow
Những chiến sĩ Việt Nam ấy chính là nhóm thanh niên ưu tú do Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi sang Nga từ Quảng Đông vào năm 1926.
Ngày nay, trên Xa lộ Leningradsky, ngay cửa ngõ thủ đô Moscow, một tượng đài nổi bật được dựng lên: 3 ngôi sao thép lồng ghép vào nhau – biểu tượng cho tuyến phòng thủ kiên cố mà quân đội phát xít Đức không thể vượt qua trong mùa đông năm 1941.

Ngược dòng lịch sử, giai đoạn 1926-1930, một số thanh niên yêu nước Việt Nam đã được đồng chí Nguyễn Ái Quốc (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) giới thiệu sang Moscow học tập. Những người này đều có bí danh và mang họ Lý để đảm bảo tính hợp pháp, bí mật trong khi hoạt động.
Khi chiến tranh bùng nổ và phát xít Đức tấn công Liên Xô, những thanh niên Việt Nam đã tình nguyện gia nhập Trung đoàn quốc tế thuộc Lữ đoàn đặc nhiệm Bộ binh cơ giới (OMSBON) của Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô, trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ thủ đô Moscow.
Trong mùa đông 1941-1942, những chiến sĩ tình nguyện quốc tế Việt Nam đã anh dũng sát cánh cùng quân dân Xô viết, đẩy lùi cuộc tấn công của phát xít Đức tại cửa ngõ Moscow. Trong trận chiến khốc liệt này, 3 chiến sĩ Việt Nam là Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo và Lý Thúc Chất đã anh dũng hy sinh.

Lý Nam Thanh tên thật là Nguyễn Sinh Thản, sinh năm 1908 tại làng Sen, tổng Kim Liên. Cha ông, cụ Nguyễn Sinh Lý, đã hy sinh trong phong trào cách mạng chống thực dân Pháp.
Lý Anh Tạo tên thật là Hoàng Anh Tô, sinh năm 1912 tại thôn Hoàng Trù, cũng thuộc tổng Kim Liên. Cha mất sớm, ông được chú là cụ Hoàng Xuân Tống nuôi dưỡng và làm quen với công tác cách mạng từ khi mới 12 tuổi.
Lý Thúc Chất là tên do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho ông Vương Thúc Thoại, sinh năm 1911, cũng tại tổng Kim Liên. Cha ông - Vương Thúc Đàm từng là huyện ủy viên huyện Nam Đàn, bị thực dân Pháp bắt và tuyên án tù chung thân vào năm 1930.
Em trai út của Lý Thúc Chất là Vương Thúc Sâm, từng hồi tưởng lại rằng vào khoảng năm 1938 hoặc 1939, gia đình nhận được một lá thư của Lý Thúc Chất và đoán rằng ông đang ở Nga vì lá thư được gửi đi từ đó…
Năm 1986, Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô đã truy tặng Huân chương và Huy chương cao quý cho các chiến sĩ Việt Nam này nhằm ghi nhận công lao chiến đấu trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.
Năm 2020, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đề nghị phía Việt Nam phối hợp rà soát, cung cấp thông tin về cá nhân và thân nhân của các chiến sĩ tình nguyện quốc tế Việt Nam đã tham gia chiến đấu tại mặt trận Moscow, nhằm bổ sung dữ liệu cho Bảo tàng “Con đường ký ức” thuộc Nhà thờ chính Các Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga tại Công viên Patriot.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Quốc phòng về đề nghị từ phía Nga liên quan đến việc xây dựng tượng đài tưởng niệm, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã giao Cục Tuyên huấn chủ trì nghiên cứu, đề xuất phương án.
Sau đó, phương án được báo cáo và trình lãnh đạo Bộ Quốc phòng đồng ý phê duyệt phác thảo tượng đài do phía Nga thiết kế. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị, địa phương và gia đình các chiến sĩ cùng phối hợp rà soát, lựa chọn hình ảnh, tư liệu phù hợp để chuyển tới phía Nga thông qua kênh ngoại giao.
Cụm tượng đài gồm 3 bức tượng do nhà điêu khắc Alexey Chebanenko sáng tác, mang tên “Các đồng minh – Chiến sĩ Việt Nam”. Tác phẩm khắc họa hình ảnh 3 chiến sĩ Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo và Lý Thúc Chất trong trang phục Hồng quân Liên Xô, chốt giữ tại tuyến phòng thủ bảo vệ Moscow và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.