Xã hội

‘Thánh đường tri thức’ 100 tuổi của Thủ đô sẽ trở thành điểm tham quan sắp đặt nghệ thuật độc đáo

Manh Lan 30/10/2024 09:10

Tòa nhà gần 100 tuổi với kiến trúc độc đáo này sẽ trở thành điểm tham quan ấn tượng của công chúng tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024.

Là địa điểm quen thuộc với nhiều thế hệ người dân Thủ đô và giới trẻ, tòa nhà Đại học Tổng hợp Hà Nội - "Thánh đường tri thức" - năm nay sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho những người yêu di sản, nghệ thuật và sáng tạo khi tham gia Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024.

Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, thành lập năm 1956, vốn trước đó là trụ sở Viện Đại học Đông Dương, được xây dựng từ năm 1926 bởi kiến trúc sư người Pháp Ernest Hébrard. Công trình kiến trúc này giữ nguyên nét cổ kính đặc trưng sau gần một thế kỷ, nổi bật với sảnh chính lát đá, mái vòm cao và cửa chính hoa sắt độc đáo. Kiến trúc mang phong cách Đông Dương này là sự kết hợp giữa kiểu kiến trúc kinh viện châu Âu và những chi tiết bản địa, phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới và vật liệu của Việt Nam vào thời kỳ đó.

‘Thánh đường tri thức’ 100 tuổi của Thủ đô sẽ trở thành điểm tham quan sắp đặt nghệ thuật độc đáo - ảnh 1
Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, thành lập năm 1956, vốn trước đó là trụ sở Viện Đại học Đông Dương, được xây dựng từ năm 1926. Ảnh: Bùi Tuấn - VNU Media

Tháng 11/2013, công trình được Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đưa vào danh mục các công trình kiến trúc trước năm 1954 cần được bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Đồng thời, Đại học Quốc gia Hà Nội, tiền thân là Đại học Tổng hợp Hà Nội, không chỉ là nơi lưu giữ di sản văn hóa, lịch sử mà còn là nơi đào tạo nhiều thế hệ nhà nghiên cứu và nhà khoa học hàng đầu cả nước.

“Cảm thức Đông Dương” - Điểm nhấn trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024

Trong khuôn khổ lễ hội, cụm tòa nhà Đại học Tổng hợp tại 19 Lê Thánh Tông, nơi tọa lạc của Đại học Quốc gia Hà Nội, sẽ là tâm điểm với hàng loạt hoạt động như hội thảo, tọa đàm, triển lãm và tour tham quan. Điểm nhấn đặc biệt là tổ hợp triển lãm nghệ thuật tương tác mang tên “Cảm thức Đông Dương,” với 22 tác phẩm nghệ thuật sắp đặt và trình diễn ánh sáng. Triển lãm gợi mở những cảm hứng kiến trúc, mỹ thuật Đông Dương qua lăng kính của các nghệ sĩ, kiến trúc sư và họa sĩ hiện đại, là cuộc đối thoại tinh tế với di sản kiến trúc độc đáo này.

Triển lãm sẽ tái hiện những cảm thức xưa cũ của nghệ thuật Đông Dương, thông qua các tác phẩm nghệ thuật đa dạng kết hợp âm thanh, hình ảnh và ánh sáng. Đây là nơi mà vẻ đẹp cổ kính và hiện đại hòa quyện, mang đến trải nghiệm mới mẻ về di sản kiến trúc trường Đại học Tổng hợp.

Không gian nghệ thuật với sự hòa quyện ánh sáng và kiến trúc cổ điển

Sảnh chính của tòa nhà, với kiến trúc tân cổ điển đặc sắc và họa tiết trang trí Đông Dương, sẽ trở thành một không gian nghệ thuật đầy cảm hứng. Tại đây, các tác phẩm điêu khắc, hội họa và sắp đặt ánh sáng được bày trí từ tầng một lên mái vòm hai lớp, mang đến trải nghiệm thị giác ấn tượng.

‘Thánh đường tri thức’ 100 tuổi của Thủ đô sẽ trở thành điểm tham quan sắp đặt nghệ thuật độc đáo - ảnh 2
Nét đẹp kiến trúc cổ điển của tòa nhà còn được lưu giữ sau gần 100 năm. Ảnh: Mai Thương/Báo Đại biểu Nhân dân

Đặc biệt, hai bức tượng chân dung họa sĩ Victor Tardieu (Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương) và họa sĩ Tô Ngọc Vân (Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Mỹ thuật Việt Nam) sẽ được đặt trong sảnh, thể hiện sự tiếp nối lịch sử nghệ thuật Đông Dương qua thời gian. Cạnh đó là tượng hai nhà khoa học nổi tiếng Ngụy Như Kon Tum và Lê Văn Thiêm, biểu tượng cho giai đoạn phát triển mạnh mẽ của Đại học Tổng hợp sau này.

Mái vòm cao với các cụm đèn chùm tinh xảo và tác phẩm bia tiến sĩ bằng chất liệu mica dẫn sáng, được chạm khắc tỉ mỉ, gợi nhớ đến đồ án trang trí tòa nhà Đại học Đông Dương xưa. Tác phẩm chiếu sáng 3D mapping ở vòm trần còn tái hiện hình ảnh hai con chim phượng hoàng cổ xưa, mang lại không khí linh thiêng và huyền ảo, khiến người xem như sống lại giữa kiến trúc và nghệ thuật Đông Dương rực rỡ một thời.

Dọc tuyến đường trải nghiệm tại lễ hội, du khách sẽ bắt gặp các tác phẩm điêu khắc bằng đất nung, các bức ảnh chụp kiến trúc Đông Dương, sách nghiên cứu về mỹ thuật Đông Dương và những tác phẩm “book art” với bản in khắc gỗ độc đáo trên lầu vòm. Những tác phẩm này không chỉ tôn vinh nét đẹp mỹ thuật Đông Dương mà còn là góc nhìn lịch sử về phong cách nghệ thuật cổ điển của Việt Nam.

‘Thánh đường tri thức’ 100 tuổi của Thủ đô sẽ trở thành điểm tham quan sắp đặt nghệ thuật độc đáo - ảnh 3
Vòm trần đậm chất kiến trúc - mỹ thuật Đông Dương sẽ được "sống" lại bằng những sắp đặt ánh sáng. Ảnh: Mai Thương/Báo Đại biểu Nhân dân

Triển lãm “Cảm thức Đông Dương” sẽ còn mang đến nhiều tác phẩm đặc sắc khác, mỗi tác phẩm là một góc nhìn sáng tạo về di sản kiến trúc, mỹ thuật Đông Dương trong mối liên hệ với nghệ thuật hiện đại. Sự kiện diễn ra từ ngày 9-17/11/2024, là cơ hội để công chúng chiêm ngưỡng vẻ đẹp và giá trị văn hóa trường tồn của Đại học Tổng hợp Hà Nội, ngôi trường biểu tượng của tri thức và nghệ thuật giữa lòng Thủ đô.

>> Dự kiến đại học không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh nếu tỷ lệ sinh viên có việc làm thấp hơn 70%

Việt Nam có 3 địa điểm tham quan lọt top được yêu thích nhất châu Á

Việt Nam có một hang động lọt top điểm tham quan dưới lòng đất đẹp nhất thế giới, từng được Sách kỷ lục Guinness vinh danh

Theo Thị trường Tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/thanh-duong-tri-thuc-100-tuoi-cua-thu-do-se-tro-thanh-diem-tham-quan-sap-dat-nghe-thuat-doc-dao-129244.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    ‘Thánh đường tri thức’ 100 tuổi của Thủ đô sẽ trở thành điểm tham quan sắp đặt nghệ thuật độc đáo
    POWERED BY ONECMS & INTECH